Thời gian gần đây vẫn xảy ra một số vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử của người cán bộ với cộng đồng. Dường như khi bước chân ra khỏi cửa cơ quan, họ quên mất rằng mình vẫn đang được xã hội nhìn nhận dưới tư cách là người của Nhà nước, từ đó có những hành động thiếu chuẩn mực với cộng đồng, gây bức xúc trong dư luận. Vậy liệu chúng ta có cần xây dựng thêm những quy tắc về ứng xử nơi công cộng dành cho cán bộ?
- Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ (Quyết định 1847) đã nêu rất rõ chuẩn mực ứng xử của công chức đối với người dân khi giải quyết công việc. Đó là khi giao tiếp với người dân phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn quy trình xử lý công việc và giải quyết cặn kẽ đối với người dân. Trong đó có quy định “4 xin và 4 luôn”.
Cụ thể, công chức khi tiếp xúc, giao dịch với người dân phải “4 luôn” (luôn luôn mỉm cười, luôn luôn nhẹ nhàng, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn giúp đỡ) và “4 xin” (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép).
Tuy nhiên trong thực tế, một số công chức ngoài giờ hành chính nghĩ rằng mình không phải thực hiện những quy định này. Điều này không đúng với nội dung của Quyết định trên. Quyết định đã nói rõ công chức phải thực thi quy định cả trong và ngoài giờ hành chính. Ngoài giờ hành chính, cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) cũng là người của Nhà nước nên phải thực hiện nghiêm Quyết định 1847. Chính vì vậy, những ứng xử chưa đúng đã gây bức xúc trong dư luận và người dân.
Đến đây có một vấn đề đặt ra là chúng ta có cần thêm quy định về quy tắc ứng xử nơi công cộng trong và ngoài giờ hành chính hay không? Tôi cho là không vì Quyết định 1847 đã nói rõ rồi, trách nhiệm của chúng ta là phải thực hiện.
Chúng ta đã có nhiều quy định, quy tắc ứng xử công vụ dành cho cán bộ nhưng vi phạm vẫn diễn ra. Một trong những nguyên nhân phải chăng do chế tài yếu, chưa đủ sức răn đe, thưa ông?
- Nhận định này tôi thấy rằng có phần đúng. Chúng ta đã có nhiều quy định, chế tài nhưng việc xử lý chưa kịp thời và chưa đủ mạnh để răn đe. Đây là một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên.
Một trong những giá trị của văn hóa công vụ là tính chuyên nghiệp. Đảm bảo tính chuyên nghiệp là đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn nghề nghiệp từ quy trình thực hiện công vụ đến các tiêu chuẩn về tác phong, phong cách làm việc. Vậy ông bình luận thế nào về vấn đề này, phải chăng thời gian qua bản thân quy trình của chúng ta cũng chưa minh bạch và chặt chẽ?
- Tôi nhất trí với nhận định này. Tính chuyên nghiệp rất quan trọng, nó được xác định trong nội dung của văn hóa công vụ. Sự minh bạch trong quy trình giải quyết công việc cũng rất quan trọng. Đối với công chức, ở trong các đề án đã quy định rõ.
Cụ thể, bổn phận, trách nhiệm của công chức khi thực hiện nhiệm vụ của mình là: “Phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó.
Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”; phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ; không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân. CBCC, lãnh đạo phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý, không lợi dụng vị trí công tác…”.
Trong Đề án đã quy định rất rõ và chúng ta phải minh bạch. Nhưng việc minh bạch này có thực hiện hay không thì ở một vài nơi vẫn chưa làm tốt việc minh bạch trong quy trình thủ tục cũng như trách nhiệm của CBCC. Chính vì không minh bạch nên việc giải quyết quy trình thủ tục dẫn đến một số câu chuyện chưa tốt.
Liệu năng lực và trình độ của CBCCVC có ảnh hưởng đến việc thực thi văn hóa công vụ, thưa ông?
- Năng lực, trình độ thực sự cũng thể hiện được chức trách và kết quả công việc. Tuy nhiên, năng lực phải gắn kết với đạo đức công vụ. Một công chức cũng như người giải quyết công việc nếu không có đạo đức thì dù năng lực tốt cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Người có đạo đức nhưng năng lực kém thì cũng khó làm việc, như Bác Hồ đã nói: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Do đó tôi thấy năng lực chỉ là một điều kiện đủ nên phải có điều kiện cần, đó là đạo đức. Đạo đức quyết định mọi vấn đề. Do vậy, năng lực là một phần trong giải quyết công việc cùng với đạo đức mỗi người.
Các địa phương trong cả nước đang tích cực cải cách hành chính và đang hướng tới cung cấp dịch vụ công cấp độ 3,4 rộng khắp. Vậy theo ông,, công nghệ sẽ hỗ trợ nền hành chính hiện đại như thế nào, có giúp ích gì cho thực hiện văn hóa công sở hay không?
- Công nghệ có phần giúp ích cho việc giải quyết công việc, tránh sự tiếp xúc trực tiếp có thể gây phiền hà cho người dân. Theo tôi, công nghệ sẽ góp phần rất tích cực. Tuy nhiên, có những nội dung chúng ta cần phải trực tiếp tiếp xúc với dân, vai trò của cán bộ tiếp xúc và giải quyết công việc trực tiếp vẫn quan trọng, đôi khi không thể thay thế được.
Ông có kỳ vọng gì về sự thay đổi của văn hóa công vụ, cụ thể là ý thức trong bản thân mỗi CBCC thời gian tới?
- Trong thời gian qua, văn hóa công vụ đã có chuyển biến và thay đổi tích cực. Sự chuyển biến tích cực trong văn hóa công vụ sẽ góp phần thúc đẩy sự cải cách hành chính, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!