Tham dự Hội thảo có đại diện Trung ương Đoàn, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các đại học, một số trường THPT khu vực miền Bắc, Bắc Trung Bộ….
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị - CTHSSV, Bộ GD-ĐT, Bùi Văn Linh cho biết, thực hiện các Nghị quyết của T.Ư, các Đề án của do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong những năm qua, cùng việc chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình giáo dục và đào tạo, Bộ GD-ĐT đã quan tâm ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục thẩm mỹ cho nhà giáo, người học nhằm xây dựng môi trường sự phạm, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh.
Bước vào năm học mới 2019-2020, cũng là năm bản lề chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai vào năm học 2020-2021, toàn ngành Giáo dục đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử. Đây là nội dung được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý trong Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019. Cũng là nội dung được Bộ trưởng Bộ GDĐT đưa vào 01 trong 05 nhóm nhóm nhiệm vụ ưu tiên triển khai cho năm học 2019-2020.
Hội thảo diễn ra trong không khí sôi nổi, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi thắng thắn, chỉ ra những mặt làm tốt, những mặt còn làm chưa tốt, tồn tại trong việc xây dựng văn hóa ứng xử học đường.
Về những thành tựu đã đạt được, các đại biểu đều thống nhất đánh gia: Hầu hết các cơ sở giáo dục đã phát động tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động lớn mang lại hiệu quả tích cực, như: “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”; chú trọng giáo dục văn hóa ứng xử trong cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và HSSV; xây dựng môi trường văn hóa học đường, bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học gắn với quản trị đại học; đồng thời, xây dựng thương hiệu, uy tín của nhà trường trong xã hội. Các thiết chế văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa học đường của các trường học trong toàn quốc được quan tâm xây dựng, HSSV gương mẫu, tích cực, xây dựng trường học nền nếp; đội ngũ quản lý, nhà giáo đều thể hiện được vai trò, trách nhiệm cao đối với sự nghiệp trồng người.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận, trao đổi thắng thắn, chỉ ra những mặt làm tốt, những mặt còn làm chưa tốt, tồn tại trong việc xây dựng văn hóa ứng xử học đường. |
Về những hạn chế, tồn tại, các đại biểu đề cập: Thời gian vừa qua, ở một số địa phương, nhà trường, một bộ phận HSSV ứng xử thiếu văn hóa, một số cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục chưa chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử, có hành vi và thái độ ứng xử thiếu kiềm chế, xúc phạm tinh thần, thể chất học sinh, bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non....
Về nguyên nhân, các đại biểu cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu, rất cụ thể như: Người đứng đầu các cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt vai trò nêu gương trong ứng xử văn hóa; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn bất cập, chưa huy động được sức mạnh của các hội, đoàn thể tại địa phương; đặc biệt của gia đình học sinh…
Tiếp thu những ý kiến tham luận, trong phát biểu bế mạc, ông Bùi Văn Linh nhấn mạnh, Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo các sở GDĐT, các trường đẩy mạnh thực hiện các nội dung xây dựng văn hóa ứng xử học đường, coi đây là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ năm học 2019-2020 và các năm học tiếp theo. Cùng với việc triển khai đầy đủ các nhiệm vụ - giải pháp tại Quyết định số 1299/QĐ-TTg và Quyết định 1506/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT; các sở GD-ĐT chú ý thực hiện các nội dung sau đây:
Một là, tiếp tục phát huy và hoàn thiện các nội dung đã thực hiện tốt trong thời gian vừa qua như: xây dựng hình mẫu, tấm gương sáng trong văn hóa ứng xử; xây dựng bảng tin, mạng xã hội của trường để đẩy mạnh truyền thông; tổ chức các cuộc thi ứng xử, nét đẹp học đường…
Hai là, thực hiện nghiêm và xây dựng bộ quy tắc ứng xử phù hợp với từng trường cụ thể, từng địa phương. Trên cơ sở thực hiện Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; các trường chủ động xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng của đơn vị mình, phù hợp với môi trường, văn hóa, đặc điểm của từng trường. Bộ GDĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu và ban hành Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục đại học, dự kiến trong năm 2020.
Ba là, đổi mới nội dung, phương pháp, môi trường giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; xây dựng các tài liệu giáo dục, thực hành văn hóa ứng xử cho giáo viên, HSSV, phụ huynh…
Bốn là, nâng cao năng lực ứng xử văn hóa, cải thiện môi trường giáo dục. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, nâng cao nhận thức, kỹ năng về văn hóa ứng xử trong trường học. Nêu cao vai trò nêu gương của người đứng đầu.
Năm là, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Xây dựng qui định trách nhiệm cụ thể các chủ thể trong trường, gia đình và chính quyền địa phương triển khai giáo dục ứng xử văn hóa cho HSSV…
Sáu là, phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương, T.Ư Đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hằng năm. Chỉ đạo các Sở yêu cầu các phòng Giáo dục cấp huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở giáo dục sát với nhiệm vụ năm học.