Cơ cấu lại nợ - không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động có biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ để tạo điều kiện choh doanh nghiệp (DN) thoát khỏi khó khăn, nhưng không phải DN nào cũng có cơ hội này.

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động có biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ để tạo điều kiện choh doanh nghiệp (DN) thoát khỏi khó khăn, nhưng không phải DN nào cũng có cơ hội này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, NHNN đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý để các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện cơ cấu lại nợ cho các DN. Cụ thể, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31/5/2005 của Thống đốc NHNN đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hóa.

Trong bối cảnh hiện tại, thanh khoản của ngân hàng đã được cải thiện một bước nhưng chưa bền chặt nên các TCTD vẫn thúc ép các DN trả nợ. Tuy nhiên, khi tình hình thanh khoản tốt hơn, các NHTM sẽ  chủ động hơn trong việc cơ cấu lại nợ cho DN. “Không phải tất cả các DN đều được thực hiện cơ cấu nợ, mà chỉ DN nào chịu khó khăn tạm thời, hướng kinh doanh tốt trong thời gian tới, có khả năng trả nợ thì mới được ngân hàng cơ cấu lại nợ” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.

Lách trần lãi suất – sẽ có chế tài đủ mạnh

Trước thực trạng vẫn có ngân hàng tiếp tục lách trần lãi suất huy động, Thống đốc cho rằng quy định về trần lãi suất huy động là biện pháp hành chính. Đã là biện pháp hành chính thì đó là áp đặt, và khách quan thì điều gì áp đặt cũng sẽ có người lách. Vì thế trước mắt phải có các chế tài đủ mạnh để biện pháp hành chính đạt được kết quả như mong muốn.

Trước khi công bố hạ lãi suất xuống một điểm phần trăm, NHNN đã họp với 14 ngân hàng hàng đầu và xác định việc lách trần lãi suất vẫn còn, với thủ đoạn hết sức tinh vi và không dễ phát hiện ra. Vì thế, NHNN đề nghị các ngân hàng giám sát lẫn nhau, cùng với việc đẩy mạnh thanh tra giám sát của NHNN và NHNN cũng kiên quyết xử lý những TCTD vi phạm lách trần lãi suất.

NHNN tính toán rằng, với những biện pháp đang triển khai thực hiện thì đã có nền tảng kinh tế để các TCTD chấp hành trần lãi suất. Trước đây do thiếu thanh khoản nên các TCTD phải huy động bằng mọi giá, dẫn đến lách trần lãi suất bằng mọi hình thức để chống mất thanh khoản, cũng như giữ vững thị phần. Tuy nhiên, từ đầu năm đến này NHNN đã cung ứng tiền với lãi suất hợp lý.  Theo lời ông Bình, “nếu các TCTD vẫn cố lách trần huy động lãi suất cao thì chắc chắn các TCTD sẽ không chịu đựng được lâu, bởi không bị đổ vỡ do mất thanh khoản thì chắc chắn sẽ lỗ lớn”.

“Nếu tình hình tiếp tục diễn biến tích cực như những tháng qua thì việc xem xét bỏ trần lãi suất là hiện hữu và khi điều kiện chín muồi NHNN sẽ tháo dỡ trần lãi suất” – ông Bình khẳng định.

Bách Linh

Đọc thêm