Cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật

(PLVN) - Chiều muộn 8/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị xây dựng pháp luật về Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.
Cảnh phiên họp.
Cảnh phiên họp.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Lê Thị Hoàng Thanh cho biết, để xác định rõ phạm vi, căn cứ xác định các chủ thể, nhiệm vụ, hoạt động được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, tương xứng, dự thảo Nghị quyết dự kiến quy định về giải thích từ ngữ “xây dựng pháp luật”, “thi hành pháp luật”, “nhân lực tham gia công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật” (Điều 3) để thống nhất trong áp dụng quy định tại Nghị quyết.

Về cơ chế tài chính đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, dự thảo xây dựng, Ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật từ 0,5% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu hoàn thiện thể chế phát triển… Bên cạnh đó, dự thảo còn xây dựng quy định cơ chế khoán chi (theo nhiệm vụ, hoạt động) trong xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và nghiên cứu chiến lược về xây dựng, thi hành chính sách, pháp luật; thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách, pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm, là loại hình Quỹ đầu tư mạo hiểm, được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Lê Thị Hoàng Thanh

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Lê Thị Hoàng Thanh

Về chính sách đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, dự thảo xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng với vị trí việc làm và nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức tham công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật.

Theo đó, cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật khi tuyển dụng vào làm công chức, viên chức thì được hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự; đồng thời được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, phụ cấp tăng thêm không dùng để tính đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (đối với viên chức). Hưởng phụ cấp đặc thù bằng 200% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng khi đảm nhiệm vị trí việc làm công tác xây dựng pháp luật, cộng phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có)…

Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An

Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An

Góp ý tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An đề xuất không dùng khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, chỉ dùng từ “văn bản quy phạm pháp luật” để tránh vướng mắc sau này; cân nhắc quy định “vị trí việc làm” trong dự thảo…

Cục Trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính Hoàng Xuân Hoan cho biết, dự thảo đã có những chỉnh lý rành mạch, bám sát vào phạm vi điều chỉnh; đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù thêm cho người làm công tác xây dựng pháp luật; chỉnh lại một số điều trong dự thảo Nghị quyết…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đề nghị Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trên cơ sở góp ý của các đại biểu. Về mặt nội dung, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nhóm các vấn đề vào xây dựng pháp luật; lược bớt một số quy định liên quan vấn đề tài chính.

Về Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách, pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm, Thứ trưởng lưu ý cơ quan soạn thảo bỏ cụm từ “Quỹ đầu tư mạo hiểm”; bỏ quy định nguồn chi thưởng lấy từ Quỹ, vì đây là phần chi không hợp lý; bỏ quy định tại điều 8 (Chế độ, chính sách đối với người làm công tác thi hành pháp luật, người có vị trí việc làm nghiên cứu khoa học pháp lý về); việt hóa từ ngữ…/.

Đọc thêm