Cỏ dại xâm lấn không gian Thủ đô

(PLO) - Cách đây ít lâu, khi chuyện đầu tư kinh phí “khủng” chỉ để phục vụ… cắt cỏ được hé lộ đã gây “bão” trong dư luận. Vấn đề lãng phí trong trồng cây, cắt cỏ đã nhanh chóng nhận được sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo thành phố thông qua chỉ đạo cắt giảm kinh phí chăm sóc vườn hoa, cây xanh.
Cắt tỉa cỏ dại chăm sóc cây xanh.
Cắt tỉa cỏ dại chăm sóc cây xanh.

Tuy nhiên, có một thực tế khiến người dân Thủ đô bất bình là cỏ cây mọc dại đang lớn không ngừng trên các tuyến đường vốn khang trang, sạch đẹp…

Ủng hộ nhưng vẫn lo ngại

Theo đó, khi lãnh đạo thành phố đưa ra con số chi phí 53 tỷ đồng mỗi năm phục vụ cho cắt cỏ, tỉa cây tại đại lộ Thăng Long, thông tin này ngay lập tức khiến dư luận bất ngờ. Căn nguyên làm “dậy sóng” dư luận bởi số tiền chi trả cho công việc này quá lớn mà hiệu quả không cao. Nói cách khác, nếu tính 53 tỷ cho 12 tháng thì trung bình mỗi tháng đại lộ này “ngốn hết” hơn 4,4 tỷ đồng/tháng. 

Tính chi li hơn, có nghĩa là chăm sóc 1km hết 184 triệu đồng/tháng. Đây là con số khó có thể chấp nhận được. Bởi vậy, thông qua chủ trương cắt giảm chi phí chăm sóc, cắt tỉa vườn hoa, thảm cỏ, Hà Nội dự tính sẽ tiết kiệm được 700 tỷ đồng mỗi năm. Đây là con số đáng kể, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí trong ngân sách nhà nước, được dư luận đồng tình ủng hộ. 

Khách quan nhìn nhận, tình trạng lãng phí qua trồng và chăm sóc cỏ cây để tôn tạo cảnh quan đô thị đã kéo dài nhiều năm. Có thể thấy rõ nhất là khoảng ba năm trở lại đây, khi Hà Nội thực hiện chính sách xã hội hóa trong việc trồng cây xanh. Xét về bản chất, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là hình thức đấu thầu việc trồng mới và cắt tỉa cây xanh, thảm cỏ, thay vì giao cho các doanh nghiệp công ích như trước, còn nguồn tiền chi trả cho xã hội hóa hoạt động này vẫn là từ ngân sách.

Hệ quả nhãn tiền là, việc đấu thầu xã hội hóa đã khiến nhiều công ty lao vào trồng cây xanh nên không kiểm soát được chất lượng cây trồng và trồng cây. Thực tế này trở thành một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây xanh bật gốc trong mỗi đợt mưa bão do bị bó gốc, trồng nông…

Cỏ dại mọc um tùm ở dải phân cách trên đại lộ Thăng Long.
Cỏ dại mọc um tùm ở dải phân cách trên đại lộ Thăng Long.

Trở lại câu chuyện thành phố cắt giảm ngân sách phục vụ cắt tỉa cây cỏ, nhiều ý kiến cho rằng việc dừng đột ngột kinh phí mà chưa có biện pháp thay thế phù hợp đã khiến các đơn vị chuyên môn đình công, lãn công, bỏ mặc cho cây cỏ “lấn át” đô thị. Minh chứng rõ nhất là, nếu nhiều tuyến đường trước đây được người dân đánh giá cao tính thẩm mỹ thì nay cỏ dại đua nhau mọc lên, cây cảnh phát triển tự do, không được chỉnh sửa. 

Không ít vườn hoa, thảm cỏ bỗng chốc trở nên rậm rạp, cây cỏ mọc um tùm, thiếu bóng người chăm sóc. Ông Đinh Văn Vinh (ở phố Quang Trung, Hà Đông) bức xúc: “Nhìn những dải phân cách um tùm, thiếu sự chăm sóc trên các tuyến phố đang làm xấu bộ mặt đô thị của Thủ đô. Dải phân cách đường ở Thủ đô đẹp là thế, giờ có khác gì đang đứng trước một cánh đồng cỏ ngoại ô”.

Cụ thể, ở các dải phân cách thuộc đại lộ Thăng Long, đường Văn Cao, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Trần Duy Hưng,... cỏ phát triển cao qua. Cá biệt tại một số điểm trên đại lộ Thăng Long, do cỏ dại mọc um tùm trên dải phân cách nên người dân còn tranh thủ tận dụng để chăn thả gia súc. Ở một số tuyến đường khác, nhiều cây hoa không được chăm sóc, đã khô héo, chết rũ… 

Cần có đối sách phù hợp

Có thể khẳng định, cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ là một phần tất yếu trong kiến trúc đô thị, là niềm tự hào và là một phần không thể thiếu của Thủ đô Hà Nội. Thành phố Hà Nội đang kêu gọi mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay đóng góp, bảo vệ, duy trì hệ thống cây xanh của thành phố để cải thiện môi trường, cảnh quan đô thị. 

Và chương trình trồng một triệu cây xanh từ nay đến năm 2020 đã và đang trực tiếp mang lại diện mạo mới cho cảnh quan đô thị ở Thủ đô. Từ các tuyến phố ở khu vực trung tâm thành phố như Đinh Tiên Hoàng, Phố Huế, Bà Triệu…, hay những tuyến đường mới được cải tạo, như đường Lê Trọng Tấn, cho đến các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố, như đường Võ Chí Công, đường Võ Nguyên Giáp… đều được trồng thêm cây xanh. 

Tuy nhiên, bên cạnh việc tính toán trồng cây gì cho phù hợp, chấm dứt việc duy tu, chăm sóc cây cỏ có nhiều dấu hiệu khuất tất, lãng phí… thành phố cần khẩn trương xây dựng hệ thống quy trình, định mức đơn giá mới, phù hợp hơn để đặt hàng, đấu thầu duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn, sao cho tiết kiệm mà vẫn bảo đảm hiệu quả. 

Cần phải khẳng định, trên địa bàn Thủ đô không thiếu những doanh nghiệp có năng lực về chăm sóc cây xanh đô thị. Bởi vậy, thay vì để cây cỏ phát triển ngun ngút, không kiểm soát như hiện nay, cơ quan chức năng của TP Hà Nội hoàn toàn có thể tổ chức đấu thầu lại để chọn ra những đơn vị có thể chăm sóc cây xanh, thảm cỏ bảo đảm mỹ quan mà ít tốn kém ngân sách nhất.

Đọc thêm