Kết quả giảm nghèo chưa bền vững
Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo NQ 76; các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016). Theo đó, giai đoạn 2015- 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt và vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1- 1,5%/năm.
Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015- 2017, số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1 - 1,3% so với đầu năm 2018. Ngoài ra, tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017); 10 tỉnh, thành phố không có tái nghèo; một số tỉnh khó khăn đạt thành tích ấn tượng trong kéo giảm tỷ lệ tái nghèo.
Tuy nhiên, Báo cáo Chính phủ cũng cho biết một số nhiệm vụ đề ra trong NQ 76 chưa đạt tiến độ quy định, việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm; nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt...
Lo lắng tỷ lệ tái nghèo
Thảo luận nội dung, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, tuy kết quả giảm nghèo trên cả nước thời gian qua rất tốt nhưng một số tỉnh có điều kiện kinh tế- xã hội mà tỷ lệ tái nghèo vẫn cao như Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Kiên Giang... Thực tế cho thấy, nhiều địa phương quá coi trọng vấn đề giảm nghèo và coi giảm nghèo như một sinh kế, nhưng cũng có địa phương còn thờ ơ, không “mặn mà” với công tác giảm nghèo.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Bộ Thương binh và Xã hội cần phân tích, làm rõ để thấy được bức tranh nghèo đói hiện nay của cả nước. Báo cáo cho thấy 8 nội dung trong NQ 76 cơ bản đạt mục tiêu về số lượng, điều quan trọng là chất lượng của các mục tiêu cần xem xét. Cứ 100 hộ thoát nghèo thì 5 hộ rơi vào tái nghèo trở lại, cứ 4 hộ thoát nghèo thì phát sinh 1 hộ nghèo và hiện còn 16,6% thuộc diện bảo trợ xã hội, Nhà nước phải chăm lo.
Cho rằng hiện nay, các chính sách giảm nghèo đang rất chồng chéo, chưa phù hợp, không hiệu quả, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đề xuất cần tích hợp và vận dụng các chính sách về giảm nghèo sao cho hiệu quả. Trong chính sách xóa đói, giảm nghèo, phải phân biệt giữa “cái cho không” và “cái tạo điều kiện”.
Chúng ta giảm các chính sách liên quan đến “cái cho không” nhưng phải tăng giá trị cho “cái tạo điều kiện”, phải tăng giá trị vốn vay cho hộ nghèo. Ví dụ như ở Hà Tĩnh, do ảnh hưởng về môi trường, về thiên tai mà nghèo lại tái nghèo, xuất hiện thêm nhiều hộ nghèo mới. Việc giải ngân vốn cho chính sách giảm nghèo cần được ưu tiên, làm nhanh để bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị phải tích hợp chính sách nhưng phải tích hợp với các Ban Chỉ đạo vì hiện có quá nhiều ban.
Đây chính là cái khó của địa phương khi nhiều ban cùng có trách nhiệm với chính sách giảm nghèo, thoát nghèo. Chính sự chồng chéo này mà thực tế hiện nay, nhiều chương trình, đề án giảm nghèo chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn.