Cô đơn trong thế giới phẳng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thế kỷ XXI, thời đại con người đối diện với căn bệnh trầm cảm, cô đơn và khủng hoảng tinh thần. Để khắc họa được thế giới nội tâm phức tạp, đầy “biến ảo” đó, thì điện ảnh đã làm rất tốt.
Con người cô đơn hiện đang là vấn đề được nghệ thuật quan tâm. (Nhân vật Joy trong phim “Cuộc chiến đa vũ trụ” – nguồn: Jade Lee)
Con người cô đơn hiện đang là vấn đề được nghệ thuật quan tâm. (Nhân vật Joy trong phim “Cuộc chiến đa vũ trụ” – nguồn: Jade Lee)

Khủng hoảng ở thế giới “đa vũ trụ”

Chiến thắng bảy hạng mục tại Oscar năm 2023 – bộ phim “Cuộc chiến đa vũ trụ” (Everything Everywhere All at Once) đã mở ra hàng loạt cuộc đời mà con người có thể trải qua. Trong phim, nhân vật là người thường ở thế giới gốc, nhưng tại những vũ trụ song song họ có thể là đầu bếp, ngôi sao điện ảnh hoặc giáo sư, tiến sĩ,… Tất cả đều diễn ra một lúc, dựa theo thuyết đa vũ trụ.

Ý tưởng về “đa vũ trụ” đã được cặp đôi đạo diễn – biên kịch, Daniel Kwan và Daniel Scheinert bắt nguồn từ thế giới Internet: "Khi đó, chúng tôi nhận ra Internet đáng sợ như thế nào, từ sự phấn khích chuyển sang khiếp sợ về tiến bộ trong khoa học. Trong phim, mọi người đang cố gắng chống chọi với sự hỗn loạn của công nghệ", Kwan nói với LA Times.

Ở bộ phim “Cuộc chiến đa vũ trụ”, hình ảnh của nhân vật Joy Wang (Stephanie Hsu thủ vai), đại diện rõ nhất cho người trẻ cô đơn và khủng hoảng tinh thần trong thời đại Internet. Cô đối diện với một cuộc sống đầy những chuẩn mực, mọi việc làm đều bị phê phán. Từ ngoại hình Joy quá béo, cô yêu người cùng giới, đến chuyện bỏ đại học.

Nhưng ở một vũ trụ khác, với tiến bộ khoa học, Joy có được khả năng đi vào tất cả các chiều không gian khác nhau. Cô cảm nhận được hàng nghìn cuộc đời của “các Joy” ở thế giới khác. Điều đó khiến cô trở nên “phát điên”, tìm đến mọi không gian, để có được sự yêu thương, đồng cảm của mẹ. Rồi cuối cùng, đi đến đâu, cô cũng chỉ nhận về nỗi cô đơn, lạc lõng, đến mức tuyệt vọng.

Joy dần rời bỏ bản thân, trở thành một kẻ nổi loạn, coi thường tất cả mạng sống xung quanh. Trong bộ phim, xuất hiện biểu tượng chiếc bánh vòng đen (bánh donut) xoay tròn trong thế giới không trọng lực. Nhân vật Joy đã chia sẻ với mẹ, vào một ngày, cô đặt mọi thứ lên chiếc bánh vòng, đó là sở trường; giấc mơ; bảng điểm; hình ảnh con chó; vừng; hạt anh túc,… và nó tự sụp đổ. Joy gọi đó chính là sự thật: “Sự thật là không có gì quan trọng”.

Ở thời đại của Internet, con người “san phẳng” cả thế giới, một cá nhân có thể sống hàng ngàn cuộc đời khác nhau chỉ bằng cái “click”. Như bộ phim “Hành trình của Ingrid” (Ingrid Goes West), đã khắc họa nhân vật Ingrid (Aubrey Glaza) là một cô gái bị ám ảnh bởi những mẫu hình hoàn hảo, xinh đẹp trên mạng xã hội. Thực tế, bên trong, Ingrid là người cô đơn cùng cực đến mức phải dựa vào ảo ảnh trên mạng. Hay như trong bộ phim “You”, nhân vật Joe (Penn Badgley) nhìn bạn gái là nữ nhà văn trẻ Becca tuyệt vời ở trên mạng, nhưng ngoài đời, đó là một cô gái nông cạn.

Sự bùng nổ của “xã hội nghe nhìn”, khiến con người mất đi hình mẫu “nguyên gốc”, họ có thể là bất cứ ai, các danh tính dễ dàng được ngụy tạo trên mạng xã hội. Thậm chí, con người hiện nay, đã sử công nghệ 3D, 4D để sống trong một thế giới ảo. Điều đó khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ loay hoay trong cuộc đời của chính mình.

So với cuộc khủng hoảng tinh thần ở các thế kỷ trước, có thể thấy, sự khác biệt của con người thời nay qua những bộ phim. Đạt giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất của Oscar năm 2023, “Phía Tây không có gì lạ” (All Quiet on the Western Front), chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Erich Maria Remarque. Bộ phim nói về nhân tính con người trong cuộc chiến tranh. Nhân vật chính Paul Bäumer (Felix Kammerer), đã từng là một thiếu niên tràn đầy nhiệt huyết, xung phong đi lính, mang theo mơ ước về vinh quang đất nước. Nhưng, đổi lại, anh chỉ nhận thấy sự tàn ác, khi con người dần trở nên phi nhân tính.

Paul Bäumer đã bị “đánh cắp” tuổi trẻ, anh giết những người Pháp, người Anh không thù oán với mình. Trong độ tuổi mười chín, anh thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa, “làm sao tôi có thể quay về với một cuộc đời như cũ được?”. Đó là một phận người bị chiến tranh hủy diệt đến mức tàn tạ, trống rỗng và vô định.

Trong dự án nghiên cứu BBC's Loneliness, cho thấy những năm trước đây, người trẻ (16-24 tuổi) không được coi là nhóm nhân khẩu học "cô đơn". Nhưng vào năm 2015, dự án đã khảo sát trên 50.000 người và nhận thấy tỷ lệ cô đơn của họ tương tự với nhóm người cao tuổi.

Cả hai bộ phim, đều khắc họa những con người “lún sâu” vào khủng hoảng tinh thần. Họ không biết bản thân là ai, họ cô đơn trong thế giới thực tại. Tuy nhiên, nếu như Paul Bäumer gắn liền với cái chết và chiến tranh thì ở Joy Wang, đó một “kẻ thù vô hình” mang tên Internet.

Vấn đề còn “bỏ ngỏ” trong thực tại

Có thể nói, những bộ phim không cách xa hiện thực. Ngày nay, con người vẫn tiếp tục đối diện với căn bệnh trầm cảm trong thời đại công nghệ. Việc dễ dàng tiếp cận điện thoại thông minh, máy tính, làm mọi người ngày càng phụ thuộc vào chúng. Theo số liệu do App Annie cung cấp, mức sử dụng điện thoại di động đã đạt kỷ lục vào năm 2021, người dùng trên toàn cầu dành 3.800 tỷ giờ trên điện thoại di động, thời gian trung bình mọi người dành cho thiết bị di động là 4,8 giờ/ngày. Còn ở Việt Nam, thống kê được công bố năm 2020, cho biết số người sử dụng Internet lên đến 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân).

Trầm cảm trong thời đại công nghệ đang là vấn đề “bỏ ngỏ”. (Nguồn: Mlive.com)

Trầm cảm trong thời đại công nghệ đang là vấn đề “bỏ ngỏ”. (Nguồn: Mlive.com)

Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các nhà phát triển ứng dụng đã tạo ra rất nhiều phần mềm, trang web thu hút người dùng. Con người dần “chìm” trong thế giới ảo, nơi họ có thể sống cuộc đời độc đáo, đặc biệt hơn. Chỉ cần tải một game nhập vai miễn phí, người dùng có thể “hóa thân” thành anh hùng, cầu thủ bóng đá, hoa hậu,… mà phí tổn duy nhất chỉ là thời gian và tiền bạc.

Thậm chí, nếu như khoa học còn đang “bó tay” trước việc quay trở về tương lai, quá khứ thì nhờ Internet, con người có thể thành cung nhân của thời kỳ nhà Đường, nhà Thanh, hoặc đến tương lai “chiến đấu” với người ngoài hành tinh. Hơn nữa, mạng xã hội còn là một ô “cửa sổ mở” để con người trên toàn thế giới trò chuyện, làm quen với nhau. Không một thế kỷ nào, các cá nhân chỉ cần ở nhà, nhưng vẫn biết được mọi chuyện trên thế giới, bằng vài cú nhấp chuột.

Điều này, thực tế, không hoàn toàn xấu, khi mọi người sẽ có một cuộc sống bình đẳng hơn, dễ dàng hơn. Một sinh viên ở Việt Nam hoàn toàn có thể học tài liệu của người Mỹ bằng những khóa học online. Hay trong đợt dịch, nhờ Internet, rất nhiều người vẫn có thể tiếp tục làm việc tại nhà.

Tuy nhiên, Internet cũng đã khiến con người trở nên khủng hoảng hơn bao giờ hết. Thống kê năm 2009 – 2017 được đăng trên tạp chí chuyên ngành tâm lý học Journal of Abnormal Psychology tỷ lệ trầm cảm và suy nghĩ tự sát đã tăng đến 63% trong nhóm người ở độ tuổi 18 – 25. Tại Việt Nam, thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%, trong đó có không ít người gặp “khủng hoảng” từ mạng xã hội.

Việc “lạm dụng” Internet, khiến nhiều người, đặc biệt giới trẻ chịu áp lực đồng trang lứa hay bạo lực mạng xã hội. Thậm chí, không ít người tìm đến thế giới ảo để quên đi cảm giác cô độc, nhưng lại mắc phải hội chứng FOMO (Fear of missing out) – Hội chứng sợ bỏ lỡ. Người mắc sẽ bị áp lực phải liên tục “hành động” như học tập; làm việc; yêu đương vì sợ thất bại trong xã hội.

Việc sử dụng Internet quá mức, cũng khiến một số cá nhân “lún sâu” vào thế giới ảo và không thể thoát ra. Đó là những “game thủ tài năng”, “hot girl mạng xã hội”, khi quay về cuộc đời thật, họ hoảng sợ và choáng ngợp vì không phải là người nổi tiếng, được yêu mến hay tung hô. Họ dần rơi vào trầm cảm và tách xa thế giới thực. Nhiều người còn ao ước được “hóa thân” mãi mãi vào các nhân vật trên mạng.