Tổng công ty CP Sông Hồng Tổng là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng. Công ty được cổ phần hoá từ 2010, nhưng đến nay Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 70% vốn điều lệ.
Vừa qua (10/11) Tổng công ty CP Sông Hồng đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) với nhiều ý kiến bức xúc từ phía cổ đông.
Tại ĐHĐCĐ, các cổ đông đã thảo luận và chỉ ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng kinh doanh thua lỗ liên tiếp nhiều năm là do năng lực lãnh đạo của Hội đồng quản trị yếu kém.
Ông Nguyễn Quang Mẫn – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Sông Hồng - một cổ đống phát biểu: bộ máy quản lý của công ty quá cồng kềnh “Có nhiều phó tổng giám đốc, có tới 9 phó tổng”. “Nhà nước giao vốn mà không có lãi thì như thế nào? 03 năm không có lãi liên tiếp thì phải từ chức” - Ông Mẫn nhấn mạnh.
Các cổ đông cũng đưa ra ý kiến: đề nghị ĐHĐCĐ xem xét lại sự bất hợp lý khi hai năm chưa tổ chức Đại hội cổ đông. Trong khi đó lại đã thông qua và chi lương cho lãnh đạo công ty với mức quá cao, tới 31 triệu đồng /tháng. Các cổ đông cũng đề nghị phải tính giảm biên chế vì công ty làm ăn không hiệu quả.
Trước những bức xúc của các cổ đông, ông Đặng Tiên Phong – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Sông Hồng cũng chỉ có ý kiến "tiếp thu" và “Xin có sự chia sẻ của các cổ đông với HĐQT Tổng công ty, mong muốn cổ đông phối hợp cùng nhau.... Tin rằng 2015 theo kế hoạch sẽ có những hợp đồng lớn, chắc chắn sẽ có những chuyển dịch lớn từ dự án NXB Chính trị quốc gia .... HĐQT sẽ cố gắng 2015 sẽ có cổ tức để chia”... chứ không đưa ra được những căn cứ cũng như giải pháp hợp lý.
Liên quan đến thắc mắc của cổ đông về việc tới tận thời điểm này (10/11) mới tổ chức ĐHĐCĐ,ì ông Đặng Tiên Phong cho rằng: “Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng làm đúng theo nguyên tăc, việc tổ chức ĐHĐCĐ là do Bộ Xây Dựng quyết định”.
Đến dự và phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Văn Long - Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp - Bộ Xây dựng - chia sẻ với sự khó khăn của doanh nghiệp và những bức xúc của cổ đông. Ông đề nghị để đơn vị phát triển hơn trong thời gian tới, cần nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, triển khai các dự án đầu tư hiệu quả, đảm bảo lành mạnh hóa công tác tài chính, tiếp tục phát triển mạnh mẽ thương hiệu Tổng công ty CP Sông Hồng trên thị trường bằng việc giữ vững uy tín tại các công trình dự án, đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định và hiệu quả.
"Đến họp đại hội đồng cổ đông, nghĩa là cổ đông mong muốn được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến về các kế hoạch kinh doanh của công ty, qua đó đánh giá xem kế hoạch đó có mang về được lợi tức hay không? Đại hội đồng cổ đông nên bàn về việc đó.” - Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) góp ý tại đại hội
Bài toán hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đang là vấn đề nóng được Quốc hội và cử tri trong cả nước đang quan tâm. Trước những bức xúc của cổ đông, Tổng công ty CP Sông Hồng sẽ phải làm gì để vượt qua khó khăn trước mắt, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, của các cổ đông?
Cổ đông đang chờ đợi câu trả lời cụ thể từ lãnh đạo Tổng công ty CP Sông Hồng./.