"Em lấy chồng có cưới hỏi nhưng không đăng ký kết hôn. Quá trình 7 năm hôn nhân, em chỉ ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái nên không có thu nhập, phải sống phụ thuộc vào kinh tế do chồng lo liệu. Nay chồng em có bồ nhí, em biết chuyện đánh ghen nhưng anh ta nói em không phải vợ hợp pháp nên em không có quyền ghen. Anh ta còn ngang ngược lập “phòng nhì” nhưng khi em yêu cầu chia tay thì anh ta không đồng ý. Anh ta còn dọa nếu em chia tay thì phải chấp nhận ra đi tay trắng vì lâu nay em không làm ra của cải vật chất, không có đóng góp vào kinh tế gia đình; đến cả hai đứa con em cũng không được nuôi vì em không có điều kiện kinh tế chăm lo được cho con.
Chị ơi em khổ quá, nhiều lúc quá uất ức em định chấp nhận ra đi tay trắng còn hơn tiếp tục sống kiếp chồng chung. Nhưng rồi lại nghĩ, em đã hy sinh cả tuổi xuân để chăm lo cho gia đình anh ta, sinh cho anh ta 2 đứa con đẹp như hoa, như ngọc, chẳng lẽ nay chia tay cũng không được bồi thường tuổi xuân hay sao?”- bạn Thanh Thảo (29 tuổi, ở Hà Nam) nghẹn ngào tâm sự.
Về tình huống của bạn Thanh Thảo, luật sư phân tích: Yêu cầu được bồi thường, hoàn trả là một quyền dân sự của công dân, quyền này được pháp luật bảo hộ. Tại Điều 604 Bộ luật Dân sự quy định: người nào có lỗi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân và các chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Như vậy, căn cứ để xác định có hay không phát sinh trách nhiệm bồi thường là phải có yếu tố lỗi.
Trong quan hệ hôn nhân, một trong những điều kiện quan trọng nhất để xác lập cuộc hôn nhân hợp pháp là hai bên nam và nữ phải tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở. Như vậy, quan hệ hôn nhân là do hai bên tự nguyện, không có yếu tỗ lỗi nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Bởi vậy, yêu cầu đòi bồi thường trinh tiết, bù đắp tuổi xuân hay đòi công phục vụ đều không được pháp luật chấp nhận. Tuy nhiên, dù bị bác yêu cầu bồi thường tuổi xuân nhưng Tòa án vẫn tính toán đến công sức đóng góp, duy trì cuộc sống hôn nhân nhằm giải quyết hài hòa và nhân văn quyền lợi mọi mặt cho đương sự, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Vậy nên trước đây, việc tính toán công sức đóng góp được quy định tại Nghị quyết hướng dẫn xét xử của TAND Tối cao.
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có hiệu lực từ 1/1/2015 đã có quy định cụ thể việc tính toán công sức đóng góp khi giải quyết ly hôn. Tại Điều 16 về Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn quy định: “1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.
Như vậy, dù em chỉ làm nội trợ nhưng cũng vẫn được pháp luật tính là có công sức đóng góp vào cuộc hôn nhân, được coi là lao động có thu nhập, khi ly hôn vẫn được chia tài sản tương đương với công sức đóng góp của mình.
Khi ly hôn, phụ nữ bao giờ cũng chịu nhiều hẫng hụt, thiệt thòi. Em cũng nên nhớ con đường trước mắt còn dài rộng với rất nhiều khó khăn, vất vả, rất cần tiền bạc để tạo dựng cuộc sống mới. Mình được quyền nhận những gì pháp luật cho phép em ạ, vậy nên không vì tự ái hay sĩ diễn mà chấp nhận thiệt thòi, tay trắng ra đi. Chúc em sớm ổn định tinh thần và cuộc sống.