Có được đóng BHXH tự nguyện một lần để hưởng lương hưu?

(PLVN) - Có được đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện một lần cho nhiều năm để hưởng lương hưu? Mức đóng như thế nào? Có được hưởng hỗ trợ khi đóng BHXH tự nguyện? Câu trả lời từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về vấn đề này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn đọc từ địa chỉ email Thom352...@gmail.com hỏi: Tôi là Lê Thị A, sinh ngày 01/05/1966, hiện đang là công nhân của 1 công ty nước ngoài tại Bình Dương. Tôi  đang đóng BHXH bắt buộc từ tháng 11/2010. Đến tháng 05/2021, tôi đủ 55 tuổi để nghỉ hưu và thời điểm đó tôi có 10 năm 6 tháng đóng BHXH bắt buộc.

Vậy tôi muốn hỏi, tại thời điểm có Quyết định nghỉ việc đó tôi đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho 9 năm 6 tháng được không? Dự kiến tôi đóng bằng mức lương 5.000.000đ/tháng có được không? (Vì tôi đang đóng BHXH bắt buộc theo mức lương 5.560.000đ/tháng). Nếu được tôi phải đóng một lần tổng cộng là bao nhiêu tiền? Tại thời điểm đóng BHXH tự nguyện tôi có được hưởng hỗ trợ đóng BHXH không? Mức hỗ trợ là bao nhiêu phần trăm? Sổ Hưu trí lúc ấy cơ quan BHXH ở đâu cấp? Tại Bình Dương nơi tôi tạm trú hay phải chuyển về quê nơi thường trú cấp?

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời: Tại điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện quy định, đối với người tham gia BHXH bắt buộc đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được lựa chọn đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Đối chiếu với quy định trên, trường hợp đến tháng 5/2021 bà A có Quyết định nghỉ việc, đã đủ 55 tuổi thì bà có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho 9 năm 6 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.

- Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Theo đó, bà dự kiến lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là 5.000.000 đồng/tháng là đúng quy định.

- Theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, mức đóng BHXH 1 lần cho những năm còn thiếu được xác định bằng công thức 1 sau:

Công thức 1
Công thức 1

Trong đó:+ T2: Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu (đồng).

+ Mi: Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện chọn tại thời điểm đóng (đồng/tháng).

+ r: Lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%/tháng).

+ t: Số tháng còn thiếu, nhận một trong các giá trị từ 1 đến 120.

+ i: Tham số tự nhiên có giá trị từ 1 đến t.

- Mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH đóng theo phương thức một lần cho những năm còn thiếu (hỗ trợ từ ngày 01/01/2018) được xác định bằng công thức 2 sau:

Công thức 2
Công thức 2

Trong đó:+ k: là tỷ lệ phần trăm hỗ trợ của Nhà nước (%); cụ thể: k= 30% với người tham gia thuộc hộ nghèo; k= 25% với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; và k= 10% với các đối tượng khác.

+ CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn làm căn cứ xác định mức hỗ trợ là mức chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời điểm đóng (đồng/tháng).

+ r: Lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%/tháng).

+ t: Số tháng còn thiếu, nhận một trong các giá trị từ 1 đến 120.

+ i: Tham số tự nhiên có giá trị từ 1 đến t.

Tại thời điểm tháng 5/2021 bà A đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho 9 năm 6 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm đóng BHXH. Giả định tại thời điểm đóng: mức thu nhập tháng bà chọn là 5.000.000 đồng; Bà thuộc nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng với tỷ lệ k = 10%; mức chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định là 700.000 đồng/tháng, lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố năm 2020 là 0,5333%/tháng, thì số tiền bà A phải đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho 9 năm 6 tháng còn thiếu sẽ được xác định theo công thức 3 là:

Công thức 3
Công thức 3

= 172.882.559 đồng - 2.420.356 đồng = 170.462.203 đồng.

Từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng, với tỷ lệ phần trăm hỗ trợ bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo; và bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Tùy thuộc tại thời điểm đóng bà thuộc đối tượng nào (nghèo, cận nghèo, hay đối tượng khác) thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng với tỷ lệ hỗ trợ tương ứng nêu trên.

Tại thời điểm bà có Quyết định nghỉ việc (đủ 55 tuổi), bà có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện và nộp tiền ngay tại thời điểm đăng ký phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng tại cơ quan BHXH cấp huyện (nếu bà đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH) hoặc Đại lý thu BHXH, BHYT cấp xã nơi bà cư trú (thường trú hoặc tạm trú). Sau đó, bà nộp hồ sơ hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 108 Luật BHXH năm 2014 tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi bà cư trú (thường trú hoặc tạm trú). Cơ quan BHXH cấp huyện nơi bà cư trú (thường trú hoặc tạm trú) sẽ ra Quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng và gửi cho bà theo thời hạn quy định tại Điều 110 Luật BHXH năm 2014.

Đề nghị bà căn cứ các quy định nêu trên để biết và thực hiện theo đúng quy định.

Đọc thêm