Cô gái ấy đã có những chia sẻ thú vị về hành trình “chạm tay” vào cánh cổng ngôi trường danh giá thế giới, luôn có sự đồng hành của người mẹ tuyệt vời, chị Hồ Thị Hải Âu. Trở về thăm Việt Nam trong những ngày đầu năm 2018 này, Lã Hồ Thị Minh Khuê đã có những chia sẻ cởi mở trong chương trình giao lưu “Chuyện được kể từ Harvard” tại Hà Nội…
Học để thấy cuộc sống đẹp, chứ không phải vì tiền
Khác với sự tưởng tượng về một cô gái chỉ có học và nghiên cứu, Khuê nữ tính, xinh xắn và chau chuốt. Mặc dù là một trong 16 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Harvard nhưng Minh Khuê không bị cuốn theo lịch học dày đặc. Ngoài học, Khuê vẫn chơi đàn và vẽ, dự triển lãm tranh ở trường và hoàn toàn không tách biệt với cuộc sống. Khuê thẳng thắn chia sẻ, sai lầm của nhiều học sinh khi chọn trường đại học là bị ảnh hưởng bởi danh tiếng, thứ hạng của trường, chỉ mong có được tấm bằng tốt, tìm được một công việc lương cao, làm hài lòng bố mẹ.
Mục tiêu này sẽ làm mất đi vẻ đẹp và ý nghĩa của việc học tập. Nếu ai muốn nghiên cứu nghệ thuật hoặc kỹ sư, Harvard có thể không phải là nơi có thế mạnh. Bạn cần tìm hiểu những trường chú trọng vào lĩnh vực mình đam mê, dù danh tiếng có thể không bằng. Chỉ khi tìm đúng môi trường để phát triển, bạn mới có chỗ đứng trong cộng đồng, được mọi người công nhận. Theo Khuê, đại học chỉ là một phần rất bé của cuộc sống, không phải một cột mốc để mình dừng lại, bị hẫng rồi tự hỏi bây giờ bản thân phải làm gì.
Dù chẳng thể nói hết những khó khăn, nỗ lực khi là một nữ sinh viên quốc tế tại ngôi trường danh tiếng hàng đầu thế giới, nên theo Khuê, mỗi người trẻ không thể thiếu đức tính tự tin và độc lập. Minh Khuê khẳng định, em phải nỗ lực gấp sinh viên bản địa rất nhiều lần để có thể tìm và nắm bắt những cơ hội thực tập, công việc trong môi trường hội tụ rất nhiều khối óc “siêu đỉnh”. Mặt khác, là một cô gái hiện đại, Khuê luôn cố gắng chứng minh bản thân có thể làm việc, học tập độc lập, không thua kém nam giới. Chẳng thế, có lần đi ứng tuyển vào vị trí thực tập, người tuyển dụng nam có nói với cô rằng: “Cô gái chân yếu tay mềm thì làm được gì?”. Và bởi chính những định kiến đâu đó trong cuộc sống khiến cô gái trẻ càng thêm nỗ lực, tin vào những điều mình làm, để thay đổi một cái nhìn về những cô gái đi theo học thuật.
Cô gái chia sẻ, dẫu cho con người vốn là sinh vật sống bầy đàn, không thể thiếu các mối quan hệ, cộng đồng. Chúng ta không thể sống thiếu đồng loại và không phải sống không cần ai nhưng không nên trông chờ ai đó đến giúp đỡ mình. Không ai giúp đỡ chúng ta vẫn phải tự vượt qua. Bởi nếu sống với tâm thế trông chờ người khác đến giúp mình, tức là chúng ta kỳ vọng thì ắt sẽ có thất vọng. Nếu không ai đến giúp mình có thể bị buồn, trầm cảm, mất thời gian trách móc, đổ lỗi…
Chia sẻ về sự khác biệt giữa môi trường học ở ngôi trường danh giá Harvard so với môi trường giáo dục ở Việt Nam, Minh Khuê cho rằng mọi sự so sánh đều vô cùng khó, bởi không có môi trường nào hoàn hảo. Tuy thế, điều cô học được rất nhiều, đó là cách Trường Đại học Harvard họ dạy không phải để kiếm được nhiều tiền, có địa vị xã hội cao... mà những sinh viên như Khuê được tự học, được tiếp xúc với những giáo sư nổi tiếng, những tài liệu nghiên cứu hàng trăm năm. Harvard là nơi để “truyền lửa” cho nhau. Và từ những gì học được ở môi trường này, Khuê có cơ hội nhìn lại bản thân một cách khách quan và tự khai phá chính mình.
Lã Hồ Thị Minh Khuê và mẹ tại chương trình giao lưu “Chuyện được kể từ Harvard” |
Mẹ và con gái
Về nhà trong kỳ nghỉ cuối cùng của thời sinh viên, Minh Khuê nói cô thích tâm sự với mẹ về chuyện tình yêu và nhiều câu chuyện khác trong cuộc sống thường ngày. Bởi từ bé, mẹ luôn là người bạn, luôn hiểu con gái cần những gì. Mẹ luôn hướng Khuê tới một người phụ nữ hiện đại phải có sự nghiệp thành công, biết giao tiếp tốt, có nhiều bạn, chăm lo chồng con nhưng vẫn phải biết chăm chút cho bản thân luôn xinh đẹp.
Minh Khuê cho biết: “Mẹ tôi là một người vĩ đại, điều đầu tiên mà mẹ dạy tôi đó chính là tình yêu con hết mình. Tình yêu của mẹ đến bây giờ tôi luôn cảm thấy thật sự biết ơn, đó là mẹ rất tâm lý. Mẹ hiểu được một đứa con gái cần gì và muốn gì. Mẹ ủng hộ việc tôi làm đẹp, vì người phụ nữ hơn đàn ông là có một thứ vũ khí lợi hại đó là vẻ đẹp, sự tự tin, khéo léo và mềm mại mà người đàn ông không thể có được. Bên cạnh tình yêu, mẹ cũng có chút nghiêm khắc nữa. Mặc dù sự nghiêm khắc của mẹ đôi khi khiến tôi cảm thấy khó chịu thế nhưng đến nay, tôi biết ơn vì sự nghiêm khắc đó”.
Nhà văn Hồ Thị Hải Âu, người mẹ luôn được Minh Khuê nhắc tới, đã viết cuốn sách “Mẹ Việt cùng con bước ra toàn cầu” cũng bày tỏ: “Làm cha mẹ phải luôn luôn hành động, vì không ai khác có thể thay cha mẹ hành động được. Đối với tôi, tôi luôn coi con như một người bạn, mỗi ngày, mỗi giờ được trôi qua cùng con là điều tôi cảm thấy quý giá, để truyền cho con kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn. Bởi tôi luôn suy nghĩ, nhỡ một ngày nào đó tôi không thể nắm tay con nữa thì sao?. Vì thế, hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối của cuộc đời. Nền giáo dục nào cũng có những mặt được và khiếm khuyết, nhưng cái tôi muốn nói, giáo dục gia đình chính là nền tảng.
Tôi dạy con để con được làm những điều con thích, những điều lương thiện, tốt đẹp, mạnh mẽ... khi con vui, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc với những điều đó”.
Trong gần 21 năm, tuy bất đồng nhiều về quan điểm với con nhưng sâu trong lòng chị Hải Âu tự hào về điều đó, bởi Minh Khuê dần trở nên độc lập và có thể sống trong một xã hội rộng lớn hơn. Và để gần gũi với con, chị Hải Âu luôn khuyến khích con nói chuyện bằng khẩu ngữ với mẹ như với bạn bè cùng trang lứa. Trái với những ông bố, bà mẹ luôn giám sát và đề phòng mọi thứ, chị tin rằng chúng ta không thể thay đổi cuộc sống nhưng có thể thay đổi bản thân.
Hôm nay bạn là mẹ của một đứa con hai tuổi, nhưng 10 năm sau bạn sẽ là mẹ của một đứa con 12 tuổi. Bạn không thể mang tâm lý của một người mẹ có con hai tuổi mãi được mà hãy trưởng thành lên. Tuy nhiên, tâm hồn bạn cũng phải trẻ trung như lứa tuổi của con để có cơ hội được con chia sẻ. Nếu muốn làm một người quản lý, kiểm soát và dè chừng thì bạn sẽ không thành công”, chị Hải Âu bày tỏ quan điểm.
Bởi theo chị chia sẻ, các thế hệ mãi mãi không bao giờ có thể hiểu nhau. Đừng trách móc tại sao mẹ không hiểu con, tại sao con không hiểu mẹ. Hãy nhìn vào ánh mắt, niềm đam mê và khát vọng của con, nếu cảm thấy bản chất của việc đó là thiện lương, hãy ủng hộ bằng tất cả trái tim và trí tuệ của mình. Tuy nhiên, dù không áp đặt con nhưng khi con chưa đủ tuổi thành niên, có những việc bố mẹ phải đứng ở vị trí là người quyết định. Biết nhu, biết cương, bạn mới không sa vào tình yêu con mù quáng.
Cho con học piano, học vẽ, bơi lội, ngoại ngữ từ khi còn bé, chị bị nhiều người đặt câu hỏi: “Học nhiều thế thì sau này làm gì?”. Thực tế, đó là áp lực vô cùng lớn bởi từ việc một mình nuôi con cho đến việc kinh tế không dư giả, gia đình không có truyền thống nghệ thuật, con không có biểu hiện về năng khiếu, chị vẫn quyết tâm mua đàn, thuê thầy piano giỏi cho Minh Khuê. Chị chia sẻ, chúng ta khó bao dung với con vì chúng ta nghĩ con là quyền sở hữu của mình. Nhưng trái lại, khi con cái được an hòa, thảnh thơi, được xem bố mẹ không như bậc bề trên mà như những người bạn thì mối quan hệ giữa bố mẹ con cái càng ít xa lạ, càng ít làm tổn thương nhau hơn.
Bày tỏ quan điểm, nhà văn Hồ Thị Hải Âu và Minh Khuê đều cho rằng họ là những người bình thường: “Tôi chỉ là một người mẹ rất bình thường, con gái tôi cũng là một tặng phẩm của thượng đế dành cho một người mẹ bình thường là tôi. Hôm nay, ở đây tôi không muốn nói đến những thành quả mà mẹ con tôi đã làm được, mà tôi muốn nói giống nòi Việt không hề kém một chút nào”.
Lã Hồ Thị Minh Khuê cũng đã từng chia sẻ về sự đi hay trở về, theo cô, chắc chắn cô sẽ quay về quê hương. Bởi “Nếu đi đến tận cùng của dân tộc, ta sẽ gặp nhân loại”. Để trở thành công dân toàn cầu không chỉ cứ vươn ra thế giới mà phải hiểu nơi mình sinh ra, lớn lên, nơi có những người thân của mình với cả điều tự hào và hạn chế.