“Lúa mỳ chưa qua sơ chế, chế biến thì xếp vào Chương 10 của Biểu thuế xuất nhập khẩu. Nếu đã qua sơ chế, chế biến thì xếp vào Chương 11 . Như vậy, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan đối với việc phân loại mặt hàng lúa mỳ vào thời điểm đó là thống nhất”- Lãnh đạo TCHQ khẳng định.
Thống nhất trong 3 công văn hướng dẫn
Theo phản ánh của dư luận, sự hướng dẫn không thống nhất của Tổng cục Hải quan trong việc phân loại mặt hàng hạt lúa mỳ đã dẫn đến việc áp dụng các mức thuế suất chênh nhau tới 4 lần, gây thất thu cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, Công văn số 836/TCHQ-GSQL ngày 7/3/2005 hướng dẫn áp mức thuế 20% đối với mặt hàng lúa mỳ đã tách vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong. Tuy nhiên, ngày 11/5/2006, Tổng cục Hải quan lại có Công văn số 2047 hướng dẫn áp mức thuế suất 5% đối với mặt hàng hạt lúa mỳ. Có ý kiến cho rằng: "Theo thống kê của Hải quan các địa phương, trong 5 tháng đầu năm 2010, tổng mức thuế đã thu từ mặt hàng này với mức thuế suất 5% là 801,4 tỷ đồng. Nếu áp đúng thuế suất 20% thì số tiền thu ngân sách là 3.205,4 tỷ đồng. Như vậy, Nhà nước đã thất thu 2.400 tỷ đồng".
|
Hiện đại hóa ngành Hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp |
Trước những thông tin nghi ngại về sự không thống nhất của Tổng cục Hải quan trong việc hướng dẫn phân loại mặt hàng hạt lúa mỳ, dẫn đến việc áp dụng các mức thuế suất khác nhau, hôm qua (27/9), lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chính thức có công văn số 4689/TCHQ-VP gửi Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin chi tiết về vấn đề này và khẳng định việc hướng dẫn của Tổng cục Hải quan đối với việc phân loại mặt hàng hạt lúa mỳ là thống nhất.
Hai công văn của Tổng cục Hải quan (công văn số 836 và công văn số 2047) là các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong Ngành làm rõ hơn việc phân loại mặt hàng lúa mỳ dạng hạt, với loại chưa qua công đoạn sơ chế, chế biến cách khác (như xát vỏ, xay, nghiền…) thì phân loại vào chương 10 (mức thuế suất thuế NK là 5%); với loại đã được sơ chế, chế biến thuộc chương 11 (mức thuế suất thuế NK là 20%).
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo PLVN, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Về việc phân loại mặt hàng hạt lúa mỳ, trước khi hướng dẫn Hải quan các địa phương, Tổng cục Hải quan đã xem xét thận trọng, lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp NK lúa mỳ, trao đổi với cơ quan chuyên môn (Cục Trồng trọt- bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tìm hiểu quy trình thu hoạch lúa mỳ; Tổng cục HQ cũng đã trao đổi với Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.
Theo các quy định hướng dẫn từ thời điểm đó đến nay, việc phân loại mặt hàng lúa mỳ theo HS không thay đổi, tức là: mặt hàng hạt lúa mỳ nếu đã qua sơ chế, chế biến thì xếp vào Chương 11 Biểu thuế xuất nhập khẩu (hướng dẫn tại Công văn 836/TCHQ-GSQL ngày 7/3/2005, áp mức thuế suất 20% - PV); nếu chưa qua sơ chế, chế biến thì xếp vào Chương 10 của Biểu thuế xuất nhập khẩu (hướng dẫn tại công văn số 2047/TCHQ-GSQL ngày 11/5/2006, áp mức thuế suất 5% -PV).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số đơn vị Hải quan vẫn gặp lúng túng, xác định mã số, thuế suất chưa phù hợp và tiếp tục có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn. Để thống nhất việc phân loại mặt hàng trên, ngày 19/5/2010, Tổng cục Hải quan tiếp tục có công văn số 2594/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn cụ thể về mặt hàng này.
Theo hướng dẫn tại Công văn số 2594: “1. Lúa mỳ dạng hạt, còn hoặc không còn ở trên bông hay trên thân cây, đã tách phần vỏ trấu ngoài, còn nguyên vỏ lụa bên trong, chưa qua công đoạn sơ chế nào (ví dụ: sấy khô, xát vỏ, vỏ cứng bên ngoài tự dời khỏi hạt trong quá trình thu hoạch) được phân loại vào Chương 10, nhóm 1001; mã số chi tiết và mức thuế suất thực hiện theo Biểu thuế hiện hành. 2. Lúa mỳ dạng hạt, trừ loại nêu tại điểm 1 trên, được phân loại vào Chương 11, nhóm 1104; mã số chi tiết và mức thuế suất thực hiện theo Biểu thuế hiện hành”.
Như vậy, cả 3 công văn hướng dẫn phân loại mặt hàng lúa mỳ của Tổng cục Hải quan đều có nội dung thống nhất và đều căn cứ vào quy định của Bộ Tài chính về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu.