Có hay không chuyện thất thu thuế hàng nghìn tỷ đồng khi phân loại lúa, mì?

"Lúa mỳ chưa qua sơ chế, chế biến thì xếp vào Chương 10 của Biểu thuế xuất nhập khẩu, áp mức thuế suất 5%. Nếu đã qua sơ chế, chế biến thì xếp vào Chương 11, áp mức thuế suất 20%. Như vậy, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan đối với việc phân loại mặt hàng lúa mỳ vào thời điểm đó là thống nhất" - Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định.

“Lúa mỳ chưa qua sơ chế, chế biến thì xếp vào Chương 10 của Biểu thuế xuất nhập khẩu. Nếu đã qua sơ chế, chế biến thì xếp vào Chương 11 . Như vậy, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan đối với việc phân loại mặt hàng lúa mỳ vào thời điểm đó là thống nhất”-  Lãnh đạo TCHQ khẳng định.

Thống nhất trong 3 công văn hướng dẫn

Theo phản ánh của dư luận, sự hướng dẫn không thống nhất của Tổng cục Hải quan trong việc phân loại mặt hàng hạt lúa mỳ đã dẫn đến việc áp dụng các mức thuế suất chênh nhau tới 4 lần, gây thất thu cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Công văn số 836/TCHQ-GSQL ngày 7/3/2005 hướng dẫn áp mức thuế 20% đối với mặt hàng lúa mỳ đã tách vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong. Tuy nhiên, ngày 11/5/2006, Tổng cục Hải quan lại có Công văn số 2047 hướng dẫn áp mức thuế suất 5% đối với mặt hàng hạt lúa mỳ. Có ý kiến cho rằng: "Theo thống kê của Hải quan các địa phương, trong 5 tháng đầu năm 2010, tổng mức thuế đã thu từ mặt hàng này với mức thuế suất 5% là 801,4 tỷ đồng. Nếu áp đúng thuế suất 20% thì số tiền thu ngân sách là 3.205,4 tỷ đồng. Như vậy, Nhà nước đã thất thu 2.400 tỷ đồng".

Hiện đại hóa ngành Hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Hiện đại hóa ngành Hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Trước những thông tin nghi ngại về sự không thống nhất của Tổng cục Hải quan trong việc hướng dẫn phân loại mặt hàng hạt lúa mỳ, dẫn đến việc áp dụng các mức thuế suất khác nhau, hôm qua (27/9), lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chính thức có công văn số 4689/TCHQ-VP gửi Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin chi tiết về vấn đề này và khẳng định việc hướng dẫn của Tổng cục Hải quan đối với việc phân loại mặt hàng hạt lúa mỳ là thống nhất.

Hai công văn của Tổng cục Hải quan (công văn số 836 và công văn số 2047) là các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong Ngành làm rõ hơn việc phân loại mặt hàng lúa mỳ dạng hạt, với loại chưa qua công đoạn sơ chế, chế biến cách khác (như xát vỏ, xay, nghiền…) thì phân loại vào chương 10 (mức thuế suất thuế NK là 5%); với loại đã được sơ chế, chế biến thuộc chương 11 (mức thuế suất thuế NK là 20%).

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo PLVN, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Về việc phân loại mặt hàng hạt lúa mỳ, trước khi hướng dẫn Hải quan các địa phương, Tổng cục Hải quan đã xem xét thận trọng, lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp NK lúa mỳ, trao đổi với cơ quan chuyên môn (Cục Trồng trọt- bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tìm hiểu quy trình thu hoạch lúa mỳ; Tổng cục HQ cũng đã trao đổi với Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.

Theo các quy định hướng dẫn từ thời điểm đó đến nay, việc phân loại mặt hàng lúa mỳ theo HS không thay đổi, tức là: mặt hàng hạt lúa mỳ nếu đã qua sơ chế, chế biến thì xếp vào Chương 11 Biểu thuế xuất nhập khẩu (hướng dẫn tại Công văn 836/TCHQ-GSQL ngày 7/3/2005, áp mức thuế suất 20% - PV); nếu chưa qua sơ chế, chế biến thì xếp vào Chương 10 của Biểu thuế xuất nhập khẩu (hướng dẫn tại công văn số 2047/TCHQ-GSQL ngày 11/5/2006, áp mức thuế suất 5% -PV).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số đơn vị Hải quan vẫn gặp lúng túng, xác định mã số, thuế suất chưa phù hợp và tiếp tục có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn. Để thống nhất việc phân loại mặt hàng trên, ngày 19/5/2010, Tổng cục Hải quan tiếp tục có công văn số 2594/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn cụ thể về mặt hàng này.

Theo hướng dẫn tại Công văn số 2594: “1. Lúa mỳ dạng hạt, còn hoặc không còn ở trên bông hay trên thân cây, đã tách phần vỏ trấu ngoài, còn nguyên vỏ lụa bên trong, chưa qua công đoạn sơ chế nào (ví dụ: sấy khô, xát vỏ, vỏ cứng bên ngoài tự dời khỏi hạt trong quá trình thu hoạch) được phân loại vào Chương 10, nhóm 1001; mã số chi tiết và mức thuế suất thực hiện theo Biểu thuế hiện hành. 2. Lúa mỳ dạng hạt, trừ loại nêu tại điểm 1 trên, được phân loại vào Chương 11, nhóm 1104; mã số chi tiết và mức thuế suất thực hiện theo Biểu thuế hiện hành”.

Như vậy, cả 3 công văn hướng dẫn phân loại mặt hàng lúa mỳ của Tổng cục Hải quan đều có nội dung thống nhất và đều căn cứ vào quy định của Bộ Tài chính về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn: 

“Không khẳng định được việc thất thu thuế”

Để trả lời cho câu hỏi có hay không việc thất thu thuế từ việc áp mã khác nhau đối với mặt hàng lúa mỳ, Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, người ký Công văn số 2594/TCHQ-GSQL ngày 19/5/2010 giải quyết dứt điểm sự khác biệt trong việc áp mã mặt hàng này.

Có hay không chuyện thất thu thuế hàng nghìn tỷ đồng khi phân loại lúa, mì? ảnh 2
 

PV: Thưa ông, căn cứ vào đâu mà Tổng cục Hải quan đưa ra hướng dẫn các mức thuế suất khác nhau đối với mặt hàng lúa mỳ?

*. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế đều có quy định doanh nghiệp tự khai, tự xác định về mã số thuế suất, Cơ quan Hải quan kiểm tra, hướng dẫn.

Đối với mặt hàng lúa mỳ thì do quá trình thực hiện có vướng mắc phát sinh nên Cục Hải quan một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh đã có văn bản hỏi và Tổng cục Hải quan có văn bản hướng dẫn.

Thực chất, các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan đều là hướng dẫn về nguyên tắc phân loại hàng hóa theo quy định của Nghị định 06/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 85/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, cũng như các quy định tại Biểu thuế xuất nhập khẩu.

PV: Vậy mấu chốt câu chuyện thu thuế 5% hay 20% đối với mặt hàng lúa mỳ này nằm ở đâu, thưa ông?

*. Căn cứ vào các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, các Cục Hải quan địa phương phải kiểm tra thực tế hàng hóa để xác định mã số thuế suất cho phù hợp. Trên cơ sở thực tế từng lô hàng, nếu chủ hàng khai không đúng thì cơ quan Hải quan phải chỉnh lại cho đúng và xử phạt vi phạm (nếu có), kể cả hành vi trốn thuế. Do vậy, mấu chốt của vấn đề là thực tế hàng hóa và phải xem xét hồ sơ từng lô hàng một thì mới có thể khẳng định được là có việc áp thuế sai hay không.

PV: Nếu phát hiện có việc áp thuế sai thì trách nhiệm trước hết thuộc về ai, thưa ông?

*. Trước hết thuộc về doanh nghiệp vì theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp có trách nhiệm tự khai. Rồi mới đến từng cán bộ hải quan theo quy trình và tiếp đến là các đơn vị tham mưu giải quyết việc này xem đã tham mưu hướng dẫn đúng chưa.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Thúy (thực hiện)

Đọc thêm