“Có hay không lợi ích nhóm, sân sau cộng sinh với các quan chức có thực quyền?”

(PLVN) - “Có hay không việc lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất?”, đại biểu Quốc hội (ĐB) Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) đặt câu hỏi tại phiên thảo luận của QH sáng 27/5.
ĐB Đinh Duy Vượt phát biểu tại phiên họp.

3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện 

Ngày 27/5, Quốc hội (QH) dành 1 ngày để giám sát tối cao thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. 

Theo Báo cáo của Chính phủ, công tác quản lý đầu tư, phát triển đô thị mới, khu đô thị mới; quản lý cải tạo đô thị theo quy hoạch ngày càng được tăng cường hơn, bước đầu có sự thống nhất, đồng bộ theo quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị. Nhiều khu đô thị mới, nhiều dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, công cộng được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng khang trang, hiện đại hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân và yêu cầu phát triển đô thị.

Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận công tác này còn một số hạn chế, bất cập, như quy định pháp luật chưa bao hàm hết những đặc thù của dự án phát triển đô thị, quy mô chiếm đất lớn, thời gian xây dựng dài, sử dụng đa nguồn vốn…; một số quy định về chỉnh trang, cải tạo đô thị, đô thị xanh, thông minh… còn thiếu và chưa cụ thể.

Bên cạnh đó, các địa phương còn chậm lập chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị; một số dự án đô thị mới chưa tuân thủ quy hoạch, điều chỉnh tùy tiện, đầu tư nhà ở thương mại không đồng bộ với đầu tư hạ tầng khu đô thị và giao thông kết nối với khu vực lân cận.

Vẫn theo báo cáo, kết quả triển khai thực hiện việc cải tạo chung cư cũ theo quy hoạch đô thị của các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… còn rất hạn chế.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị, báo cáo cho biết, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đất đai. 

Theo số liệu báo cáo của 48 tỉnh, thành phố cho thấy có 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2 ha; trong đó có 2.067 dự án  đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1 ha. 

Kết quả xử lý vi phạm tại 38 tỉnh trong số 48 tỉnh có báo cáo cho thấy đã thực hiện xử lý 1.336 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 22.707,9 ha; trong đó thu hồi đất của 309 dự án với diện tích 9.033,5 ha, gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng 195 dự án với diện tích 798,5 ha; hủy bỏ quyết định hoặc thông báo thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư tại 100 dự án với diện tích 5.387.8 ha, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư do chậm làm thủ tục giao đất 732 dự án với diện tích 7.488 ha.

Chuyển nhượng nhà, đất ở vị trí đắc địa không qua đấu giá

Cũng theo báo cáo, trong giai đoạn từ khi Luật đất đai 2013 có hiệu đến hết năm 2018, ngành Thanh tra đã tiến hành 4.289 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về đất đai hơn 1.373 tỷ đồng, 40.185 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 368 tỷ đồng, 9.022 ha đất và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 1.004 tỷ đồng, 31.163 ha đất; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, xử lý hành chính 2.931 tổ chức, 14.120 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 71 vụ, 91 đối tượng  

Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 21 cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị. Qua 14 kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm với số tiền gần 3.685 tỷ đồng, 19.297 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 3.151 tỷ đồng, 13.231 ha đất, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 534 tỷ đồng, 6.067 ha đất; kiến nghị kiểm điểm, xử lý hành chính nhiều tập thể, cá nhân có liên quan, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ... 

Qua công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã xác định được một số tồn tại, hạn chế như chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo chưa cao, nhiều chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt và thực tế thực hiện có sự khác biệt lớn. Còn bị động trong việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất. 

Còn tình trạng không khách quan, không chính xác trong việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất của một số doanh nghiệp được giao đất ở không thông qua đấu giá đất; xác định giá thu tiền sử dụng đất khi chuyển đổi quỹ đất công, các cơ sở nhà đất sang mục đích khác chưa phù hợp thị trường.

Việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; nhận chuyển nhượng một số cơ sở nhà, đất ở vị trí đắc địa không thông qua đấu giá. Có nơi có tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và các cơ sở nhà đất nhưng chưa phù hợp các quy định của Luật đất đai và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế đấu giá quyền sử dụng đất  làm thất thu ngân sách nhà nước…

Có dấu hiệu lợi ích nhóm

Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) đánh giá chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiển hiện quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, có dấu hiệu lợi ích nhóm, chạy theo, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, thậm chí làm nát quy hoạch ban đầu. 

Điều này được minh chứng qua tỷ lệ quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 37% diện tích đất đô thị, tuy nhiên lại tùy tiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết khá phổ biến, gây hệ lụy hiệu ứng tiêu cực, thậm chí rất tiêu cực cho các quy hoạch khác. 

“Theo báo cáo chưa đầy đủ, trên cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 – 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tuân theo lợi ích của nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như giảm diện tích đất công cộng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích cây xanh… Đồng thời, các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng đô thị là thấp nhất”, ĐB nói.

Theo ĐB Vượt, đây là điều đáng suy nghĩ, đã và đang gây ra hệ lụy, tổn hại về kinh tế, gây bức xúc cho xã hội, cho mọi người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, quá tải điện… ngày càng tăng, trước mắt là thành phố lớn và sẽ là tất cả các đô thị trong tương lai. 

Với quan điểm cho rằng suy cho cùng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện là làm nát quy hoạch, gây nát vốn, đội vốn, làm chậm tiến độ, làm lãng phí, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy, bức xúc khác, ĐB Vượt cho hay, cử tri mong muốn trụ sở cũ của các bộ ngành khi di dời sẽ phải thành vườn hoa, công viên, các công trình công cộng, làm tiện ích chứ không phải nhìn thấy các tòa nhà chung cư cao chọc trời của đại gia A, đại gia B trên mảnh đất đó trơ trơ như thách thức cùng dư luận. 

Từ những phân tích trên, ĐB Vượt đề nghị QH và Chính phủ chỉ đạo thắt chặt quy hoạch, quản lý quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng những hiện tượng nêu trên.

ĐB Vượt cũng cho rằng hiện nay có thực trạng nhiều tỷ phú từ đất, ôm nhiều quỹ đất vàng, đất kim cương tại các đô thị và các khu đất tương lai là đô thị đồng thời thâu tóm hàng nghìn ha đất màu mỡ khác chờ thời. “Chúng tôi hiểu doanh nghiệp thuê đất hàng năm không được tính vào giá trị của doanh nghiệp”, ĐB nói.

Theo ĐB, việc giao đất, cho thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, thậm chí không tuân thủ pháp luật. 

“Nguyên nhân đã được Báo cáo kết quả giám sát đề cập dẫn tới mối hoài nghi: Có hay không lợi ích nhóm, sân sau cùng cộng sinh với các quan chức có thực quyền, theo đó lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất? Đồng thời, lợi dụng cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong định giá đất, quyết định giá đất có nơi định giá “rẻ như bèo” để cổ phần hóa doanh nghiệp, cho thuê đất, giao đất, bồi thường thiệt hại về đất, ưu đãi về đất, không chỉ riêng doanh nghiệp, mà cả đơn vị sự nghiệp như giáo dục, y tế, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, làm thiệt hại lớn đến lợi ích của nhà nước, của nhân dân, tác động không nhỏ đến những doanh nghiệp có tâm, có tầm, có chí?”, ĐB Vượt đặt câu hỏi.

Theo vị ĐB trên chính những tồn tại trên làm phát sinh khiếu nại, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh – trật tự, được minh chứng bởi nhiều vụ án đưa ra xét xử, các kết luận xử lý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

ĐB Vượt đề nghị QH và Chính phủ phải kịp thời bịt lỗ hổng nói trên bằng các biện pháp như thu hẹp đối tượng định giá đất, mở rộng cho thuê đất; thực hiện cho thuê đất theo đấu giá; xử lý nghiêm và dứt điểm trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích, sai phạm, quan trọng là thu hồi tài sản quý giá này để chọn mặt gửi vàng, chứ không chọn "trứng gửi ác"... 

Đọc thêm