Có hay không việc buông lỏng trong quản lý bến bãi cát và khai thác cát ở Cẩm Khê (Phú Thọ)?

(PLVN) - Sau loạt bài phản ánh của Báo Pháp Luật Việt Nam về tình trạng quản lý bến cát, hoạt động khai thác cát của hai Doanh nghiệp là Công ty CP Thương mại Đức Lưu Trang, Công ty TNHH Tiến Cường tại xã Minh Tân, Hùng Việt, thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ thì tình trạng trên không những không thuyên giảm mà ngày càng hoạt động nhiều thêm.
Hình ảnh bến bãi của Công ty TNHH Tiến Cường.

Xác minh tại thực địa phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có mặt tại khu vực khai thác cát, địa phận mỏ của Công ty CP Thương mại Đức Lưu Trang. Doanh nghiệp đã sử dụng hình thức khai thác cát bằng cách múc cát trực tiếp từ dưới lòng sông lên những chiếc xe trọng tải lớn để vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Vị trí mỏ không được đặt mốc chỉ giới phạm vi.

Người dân ở xã (Cát Trù) nay sát nhập thành xã Hùng Việt bức xúc cho biết: “Hoạt động khai thác cát của Công ty CP Thương mại Đức Lưu Trang diễn ra từ rất lâu họ cho máy ra tận giữa sông để múc cát, để lại những hố sâu rất nguy hiểm khi mùa nước lên.

Xe ben chở cát toàn là những xe có trọng tải lớn, đa phần không có che chắn, gây rơi vãi ra đường rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuyến đường dân sinh nối từ vị trí múc cát lên QL32C rất nhỏ và khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao”.

Cũng tại vị trí khai thác cát của Công ty TNHH Tiến Cường thuộc xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê. Về mốc giới không có, bến bãi không có biển bảng, xe chở vật liệu đi tiêu thụ không được che chắn gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân nơi đây.

Người dân ở xã Minh Tân cho biết: Việc tập kết và khai thác cát ở đây diễn ra từ lâu, người dân phải chịu tiếng ồn của xe cộ, máy móc phục vụ cho việc khai thác, hoạt động vận chuyển tiêu thụ cát. Những hôm nắng nóng, xe chở cát ra, làm rơi vãi cát ra đường khiến bụi mù mịt. Các hộ dân xung quanh đây đều phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường như vậy mà không thấy cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Để làm rõ nội dung trên phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Hà Thanh Bình, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Cẩm Khê.

Phóng viên yêu cầu được tiếp cận đến những hồ sơ của Công ty TNHH Tiến Cường thì được biết: “Công ty này được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác khoáng sản mỏ cát lòng Sông Hồng thuộc địa bàn xã Phùng Xá, xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Bến bãi đã được chuyển mục đích sử dụng đất, diện tích được giao bao nhiêu thì chúng tôi chưa nắm được. Biên bản bàn giao mốc giới, cam kết bảo vệ môi trường, hồ sơ thiết kế mỏ, hợp đồng thuê đất, bến thủy nội địa, giấy phép xây dựng, đấu nối đường bộ đều không được lưu tại UBND huyện Cẩm Khê” - ông Bình cung cấp thông tin.

Hình ảnh xe ra vào của Công ty cổ phần thương mại Đức Lưu Trang 
Mặc dù phóng viên đề nghị được tiếp cận hồ sơ của Công ty CP Thương mại Đức Lưu Trang, nhưng  ông Bình vẫn chỉ cho biết thêm: “Công ty CP Thương mại Đức Lưu Trang được tỉnh Phú Thọ cấp phép nên vẫn còn thời hạn khai thác. Doanh nghiệp này mỏ cát thì ở xã Hùng Việt, bến thì ở xã Đồng Lương, diện tích bến bãi là đất màu đất nông nghiệp mua hoặc thuê của người dân.
Về biên bản bàn giao mốc giới do Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Thọ chủ trì, hồ sơ thiết kế mỏ, cam kết bảo vệ môi trường… hiện nay không lưu ở huyện Cẩm Khê. Huyện đã xử lý vi phạm có quyết định xử phạt nhiều lần từ năm 2018”. Tuy nhiên, khi được yêu cầu cung cấp những văn bản này thì ông Bình hẹn sẽ cung cấp sau. Qua thời gian hẹn, phóng viên liên hệ lại thì phía ông Bình "bặt vô âm tính".

Thực tế 2 Công ty này hiện vẫn đang bất chấp và vẫn ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài, mà đặc biệt địa phận 2 mỏ này cách trụ sở UBND xã không xa.

Có hay không sự buông lỏng quản lý của UBND huyện Cẩm Khê để 2 Công ty này ngang nhiên hoạt động khai thác bất chấp dư luận gây ảnh hưởng đến người dân trên địa bàn? Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm