Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu; Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Long Hải; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải đề cập đến sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 và nhấn mạnh Diễn đàn sẽ tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để thanh niên biết và hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa và các nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu trong Dự thảo BLDS (sửa đổi), bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của thanh niên, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm công dân của thanh niên trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.
“Thông qua Diễn đàn, thanh niên sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thi hành BLDS và đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung của BLDS có liên quan trực tiếp tới thanh niên” – ông Hải gửi gắm.
Giới thiệu khái quát quan điểm và những nội dung sửa đổi, bổ sung BLDS, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ đã nêu bật những nội dung mới đáng chú ý của Dự thảo Bộ luật và những quan điểm khác nhau xung quanh các vấn đề cần lấy ý kiến. Chẳng hạn như vấn đề về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, về các hình thức sở hữu, về phân biệt vật quyền và trái quyền, về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi...
“BLDS đụng chạm đến mọi tầng lớp trong xã hội, liên quan mật thiết đến người dân, trong đó có thanh niên. Vì vậy, chúng tôi hy vọng nhận được những ý kiến đóng góp chất lượng cho Dự thảo Bộ luật, nhất là những nội dung liên quan đến thanh niên trong Diễn đàn này” – ông Huệ mong muốn.
Tại Diễn đàn, các bạn đoàn viên, thanh niên đã tham gia sôi nổi, nhiệt tình và có những ý kiến tích cực để góp phần hoàn thiện Dự thảo BLDS (sửa đổi), thể hiện tình cảm, trí tuệ, trách nhiệm của thanh niên, sinh viên trước những vấn đề lớn của đất nước.
Bạn Đỗ Thị Thúy Hằng đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp cho rằng, pháp luật hiện hành cũng như Điều 41 của Dự thảo BLDS hiện nay chỉ đề cập đến việc bảo đảm an toàn cho cá nhân ở một số khía cạnh như đời sống riêng tư bí mật cá nhân, bí mật thư tín… nên đề nghị BLDS cần mạnh dạn đổi mới quy định tại Điều 41 thành “Quyền riêng tư”. Nội dung của quyền riêng tư có thể gồm sự riêng tư về thông tin cá nhân, sự riêng tư về cơ thể, sự riêng tư về thông tin liên lạc, sự riêng tư về nơi cư trú và các trường hợp tiếp cận, thu giữ, kiểm soát thông tin về sự riêng tư cá nhân của cơ quan nhà nước.
Đến từ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Giáo dục và Đào tạo, bạn Đặng Kiều Trang đưa ra nhiều kiến nghị về sửa đổi, bổ sung quyền nhân thân, trong đó mạnh dạn đề cập đến những quyền nhạy cảm. Cụ thể, bạn Trang đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 36 BLDS năm 2005 theo hướng xác định rõ khi cho phép người chưa thành niên cần được xác định lại giới tính thì ai có quyền cho phép, quyết định và hình thức thể hiện sự quyết định đó là hình thức gì.
“Việc xác định lại giới tính không nên và không cần thiết đặt ra đối với người thành niên không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Nếu họ có trí tuệ minh mẫn thì mới để cho họ tự mình quyết định” – bạn Trang nêu quan điểm.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: Tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn nhằm hưởng ứng Tháng thanh niên, hướng tới kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1941 – 26/3/2015) và qua thời gian làm việc đã khẳng định tính đúng đắn của sáng kiến tổ chức Diễn đàn.
Các tham luận của đại biểu, các ý kiến, câu hỏi của các em đoàn viên, thanh niên cũng là băn khoăn về nội dung, đề cập những vấn đề khó của pháp luật dân sự, nhất là những vấn đề liên quan mật thiết đến thanh niên từ độ tuổi tham gia giao dịch dân sự, áp dụng tập quán, các quy định về quyền bảo vệ danh dự, hình ảnh, uy tín, quyền bảo đảm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và cả những quy định nhạy cảm như quyền xác định lại giới tính, quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính, xác định dân tộc, cơ chế bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế khi tham gia quan hệ hợp đồng.
Các ý kiến không chỉ đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật dân sự ở Việt Nam hiện nay mà còn phân tích, bình luận, chỉ ra những điểm chưa phù hợp của các quy định trong BLDS, đặc biệt còn đề xuất hướng hoàn thiện... Nhiều ý kiến có giá trị tham khảo cao, nếu được tiếp thu thì trước mắt sẽ góp phần hoàn thiện BLDS, sau này khi được ban hành sẽ dễ đi vào cuộc sống, bảo đảm sức sống lâu dài, xứng đáng tầm vóc của một bộ luật.