Cơ hội giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 16/11, Vietnam Airlines đã chính thức được nhận chứng chỉ cấp phép bay thẳng thường lệ đến Hoa Kỳ. Sự kiện không chỉ khẳng định năng lực của ngành Hàng không Việt Nam mà còn mở ra triển vọng hợp tác giao thương giữa 2 nước, hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD. Khi dịch bệnh được kiểm soát và đường bay thường lệ đến Mỹ được khai thác 7 chuyến/tuần sẽ thúc đẩy quan hệ đầu tư thương mại hai nước, góp phần đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng ra quốc tế...
Vietnam Airlines nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thương mại đến Mỹ.
Vietnam Airlines nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thương mại đến Mỹ.

“Mảnh ghép” quan trọng trong đường bay quốc tế

Chia sẻ về sự kiện quan trọng này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang cho biết, trong nhiều năm qua, đường bay tới Mỹ luôn là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng mà ngành GTVT hướng tới. Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, thị trường hàng không Việt - Mỹ là thị trường đầy tiềm năng, tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn từ 2017-2019. Đây là thị trường có dung lượng khách đến Việt Nam lớn thứ 10 và là thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam.

“Tuy nhiên, Mỹ là nước có tiêu chuẩn an ninh, an toàn hàng không vô cùng phức tạp và ngặt nghèo, do đó công tác chuẩn bị mở đường bay Mỹ đòi hỏi rất nhiều thời gian, lên đến hàng thập kỷ và cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị liên ngành…”, Thứ trưởng Sang cho biết.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho hay, mạng lưới đường bay của Vietnam Airlines đã phủ hết 22 sân bay trong nước và hơn 65 đường bay quốc tế, nhưng vẫn thiếu “mảnh ghép” quan trọng là đường bay tới Mỹ. Các cặp TP Los Angeles - TP Hồ Chí Minh và San Francisco - TP Hồ Chí Minh nằm trong Top 10 cặp thành phố có dung lượng thị trường lớn nhất thế giới chưa có đường bay thẳng. Việc có đường bay thẳng kết nối Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ mở ra cơ hội cho Vietnam Airlines hoàn thành “miếng ghép”, hoàn thiện vai trò kết nối của Vietnam Airlines giữa Việt Nam và thế giới...

Ông Lê Hồng Hà tin rằng, qua cầu hàng không Việt - Mỹ, vị thế của Việt Nam cũng được củng cố và nâng tầm trên trường quốc tế. Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ cũng hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều thành tựu mới nhờ các hoạt động thúc đẩy kinh tế, giao lưu văn hóa được tăng cường, qua đó góp phần vào sự phát triển vững mạnh và thịnh vượng của hai quốc gia.

Kỳ vọng kim ngạch 100 tỷ USD

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới” được tổ chức nhân sự kiện Vietnam Airlines chính thức nhận chứng chỉ cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong suốt 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng hàng trăm lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên 90,8 tỷ USD năm 2020. Con số này được kỳ vọng sẽ sớm đạt mục tiêu 100 tỷ USD trong thời gian tới.

Một trong những lĩnh vực hợp tác thương mại rất tích cực giữa 2 nước trong những năm qua là hàng không với hàng loạt hợp đồng mua máy bay Boeing của Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways. Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng, với dự án đăng ký tại 43/63 tỉnh, thành. Sau thời gian dài hoạt động hiệu quả, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, giúp Việt Nam từng bước tạo dựng chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh vấn đề hợp tác kinh tế, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, hợp tác Việt - Mỹ không chỉ giới hạn trong các vấn đề song phương, mà đang mở rộng sang các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, chuỗi cung ứng toàn cầu liên tiếp bị đứt gãy nhưng nhiều doanh nghiệp Mỹ có xu hướng đẩy mạnh đàm phán để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, như: chế tạo – chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm...

Trong khi đó, số lượng Việt kiều tại Mỹ đông nhất thế giới - khoảng 2,2 triệu người, Việt Nam luôn nằm trong top các nước có lượng du học sinh cao nhất tại Mỹ, trong đó, năm 2020, khoảng 23.777 sinh viên ở bậc đại học, đóng góp 827 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ.

Theo đại diện Vietnam Airlines, đường bay thẳng tới Mỹ từ 2 chuyến/tuần, khi dịch bệnh được kiểm soát và đường bay quốc tế thường lệ đến Mỹ sẽ được khai thác 7 chuyến/tuần giữa Việt Nam và Mỹ là bước kết nối, thúc đẩy quan hệ đầu tư thương mại hai nước, góp phần đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng ra quốc tế.

Được biết, nguồn hàng trọng điểm sẽ được Vietnam Airlines tập trung khai thác là: Hàng linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử có giá trị cao, hàng nặng (high density) để tối ưu hóa tải trọng chuyến bay; hàng may mặc có trọng lượng và kích thước nhỏ gọn, có hiệu quả chất xếp cao về mặt vị trí và có thể chất cabin khi chuyến bay cho phép khai thác cabin.

Một trải nghiệm bay cho công dân 2 nước

“Đây là cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, là điểm khởi đầu cho các mối quan hệ hợp tác mới trong tương lai. Đồng thời, việc gia tăng tần suất các chuyến bay thẳng thường lệ sẽ mang lại những kết quả ý nghĩa trong các lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Đồng thời, đường bay thẳng của Vietnam Airlines sẽ mang lại các trải nghiệm mới cho các công dân Việt Nam – Mỹ…”, ông Charles Ranado - Tham tán thương mại, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm