Mới đây, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Tổ chức HealthBridge Canada đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác hoàn thiện khung pháp lý phát triển và quản lý chợ truyền thống trong đô thị ở Việt Nam.
Theo nội dung bản ghi nhớ, phía Canada sẽ hỗ trợ Vụ Thị trường trong nước thực hiện nghiên cứu, đánh giá chính sách phát triển và quản lý chợ truyền thống trong đô thị tại Việt Nam, tập trung vào chợ kinh doanh thực phẩm; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn phát triển chợ truyền thống trong đô thị của một số nước
Bà Lê Việt Nga cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, chợ truyền thống đang có sự cạnh tranh gay gắt từ phía siêu thị, trung tâm thương mại, bán hàng online… Tuy nhiên, với người tiêu dùng Việt Nam, chợ vẫn là kênh lưu thông thực phẩm chính với gần 70% thực phẩm lưu thông qua đây.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, năm 2018 cả nước có 2.089 chợ đô thị, chiếm 24,65% tổng số chợ tại Việt Nam (cả nước có 8.475 chợ). Thực tế, chợ có vai trò quan trọng trong việc giúp người dân thành phố dễ dàng tiếp cận thực phẩm tươi sống có lợi cho sức khỏe, kết nối nền kinh tế nông thôn và thành thị, mang lại những cơ hội kinh tế, là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử và tạo ra những không gian công cộng tích cực, đưa người dân đến gần nhau hơn.
Vì vậy, theo bà Nga, việc xây dựng các chính sách phát triển và quản lý chợ truyền thống tại đô thị trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng.
Do đó, việc ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác hoàn thiện khung pháp lý phát triển và quản lý chợ truyền thống trong đô thị ở Việt Nam sẽ hỗ trợ cho việc sửa đổi, thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thu hút mọi nguồn lực trong phát triển chợ đô thị trong thời gian tới.