Một đất nước có SBCNQG phát triển vươn lên tầm sân bay trung chuyển quốc tế sẽ đem lại tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước đó. Tuy nhiên, rất ít quốc gia xây dựng được thành công sân bay trung chuyển quốc tế. Và nếu định vị sai, thiết kế sai và tính toán sai thì dự án sân bay có thể trở thành gánh nặng tài chính quốc gia.
Tại hội thảo, các diễn giả thuộc các tổ chức tư vấn trong lĩnh vực sân bay, kinh tế hàng không đến từ 3 châu lục Á, Âu, Mỹ đã có những tham luận quan trọng về SBCNQG như: SBCNQG là gì, cần những điều kiện gì để thành công? Làm thế nào để huy động vốn đầu tư dự án SBCNQG mà không dẫn đến nợ quốc gia…
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, SBCNQG phải là sân bay quốc tế, trung tâm trung chuyển chính để các hãng hàng không mở đường bay đến cảng hàng không đó. Tất cả các cảng hàng không, sân bay lớn trên thế giới đều thuộc kiểm soát của Nhà nước, do các tập đoàn lớn mà Nhà nước chi phối vì không chỉ kinh doanh đơn thuần về hàng không mà còn đi liền với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của quốc gia.
Tại Việt Nam, trong số 22 cảng hàng không của Việt Nam, nếu đáp ứng những yếu tố cần của SBCNQG thì có sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Nếu đáp ứng yếu tố đủ để trở thành sân bay cửa ngõ thì cần mở rộng phát triển và trong thời gian tới, tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cụm cảng Long Thành - Tân Sơn Nhất sẽ là SBCNQG.