Cơ hội và thách thức cho sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu

(PLO) - Sáng nay 22/11/2018, Hội thảo về sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt - Vibrand 2018 đã diễn ra tại TP.HCM. 
Hội thảo sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt - Vibrand 2018
Hội thảo sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt - Vibrand 2018

Đây là hoạt động thường niên của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như của ngành CNTT trong những năm qua nhằm hưởng ứng và thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, đồng thời thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, xây dựng thương hiệu Việt Nam về CNTT, các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ quốc phòng, an ninh. 

Hiện nay, Việt Nam luôn là một trong những nước nằm trong nhóm những nước có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao trên thế giới. Năm 2017, trong lĩnh vực công nghiệp CNTT có 02 nhóm hàng là nhóm điện thoại các loại và linh kiện và nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục đứng đầu trong số các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù vậy, nhưng đóng góp lại chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp FDI, trong khi sự tham gia của các doanh nghiệp CNTT Việt còn rất mờ nhạt và hạn chế.

Với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu cũng như việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có cơ hội đặc thù nhằm khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT. Chú trọng phát triển nhằm giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là chủ trương đúng đắn của Chính phủ.

Thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện, các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và chính sách ưu đãi cho lĩnh vực CNTT cũng đang được triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp CNTT Việt cần phải nỗ lực đẩy mạnh chuyên môn hóa các chức năng gia công lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp như hiện nay hay nhằm tìm cách tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện tại để đa dạng hóa và tham gia vào những chức năng đem lại giá trị cao hơn trong các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Tại hội thảo lần này các khách mời đã có những đánh giá về cơ hội và thách thức của các sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đại diện của một số công ty đã đưa ra những khó khăn, giải pháp và bài học khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Cũng tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Samsung đã trình bày những cơ hội cho doanh nghiệp CNTT của Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của tập đoàn này. Bên cạnh đó, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam về việc hoạt động gia công sửa chữa các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cho các tập đoàn lớn trên thế giới cũng được đánh giá thông qua dự án của Công ty Reteck Hải Phòng. 

Phần thảo luận cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề còn vướng mắc và hướng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT thương hiệu Việt Nam, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đọc thêm