Cơ hội xuất khẩu thủy sản sang thị trường tỷ dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Phía nước bạn cũng đang xúc tiến thành lập Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam với hệ thống kho lạnh cỡ lớn để đón luồng thủy sản từ Việt Nam…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tăng trưởng mạnh mẽ

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)” do Tổ Công tác 970 (Bộ NN&PTNT) tổ chức, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (XK) Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết giai đoạn 2018-2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu (NK) thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ.

7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam XK sang Trung Quốc nhiều nhất gồm: tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc NK nhiều nhất với tỉ lệ 24% khối lượng, 41% giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị NK.

Cũng theo Phó Tổng Thư ký VASEP, Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về NK thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Cụ thể, Quảng Tây chiếm 6% khối lượng và 11% giá trị NK thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc. Năm 2022, NK thủy sản từ Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh bạn.

Từ những tiềm năng, thuận lợi đó, đại diện VASEP đề xuất phía Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp (DN) với các địa phương Trung Quốc. Đặc biệt, cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký XK thủy sản vào Trung Quốc. Các cơ quan chức năng cũng cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho DN Việt Nam…

DN Trung Quốc xây kho lạnh

Trực tiếp đến tham dự Diễn đàn, ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây, đến từ Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Đông Đằng cho biết, Công ty Đông Đằng có trụ sở ở TP Khâm Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Khâm Châu là thành phố hướng biển mới ở Tây Nam Trung Quốc, có khu thương mại tự do, khu ưu đãi thuế quan và nền tảng giao dịch, thanh toán mở cấp quốc gia. Đây cũng là điểm giao thông quan trọng có đường sắt kết hợp đường thủy nối Trung Quốc với châu Âu, có cảng kết nối với Đông Nam Á.

Công ty Đông Đằng đưa ra mô hình hoạt động “thương mại Trung Việt”, chủ yếu phục vụ hoạt động đầu tư, thương mại hai nước, phục vụ cho cả hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân, trên cơ sở các cơ chế của cơ quan có thẩm quyền. Hiện tại, công ty có văn phòng tại nhiều thành phố từ Quảng Tây đến Trùng Khánh, Thành Đô, Thượng Hải. Trong đó, có nhiều thành phố giáp với Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

“Chúng tôi cũng có văn phòng tại Hà Nội, Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai. Chiến lược của công ty chúng tôi sắp tới sẽ là lập các văn phòng phủ khắp các thành phố ở Trung Quốc và Việt Nam. Thúc đẩy toàn diện hợp tác thương mại và đầu tư hai nước, thiết lập nên sàn thương mại nghìn tỷ NDT”, đại diện Công ty Đông Đằng khẳng định.

Cũng theo ông Tô Vạn Quang, trong năm 2023, ngoài sầu riêng, khoai lang tím, Công ty Đông Đằng còn ký hợp đồng mua cá basa, cá hố và các loại hải sản khác. “Hiện tại, với sự giúp đỡ to lớn từ các DN quốc doanh tầm cỡ ở Trung Quốc, các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam, công ty đang xúc tiến thành lập Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP Phòng Thành Cảng…”, ông Quang chia sẻ.

Đồng thời, ông Quang cho biết, chính quyền TP Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn một cỡ lớn, diện tích 600 mẫu, khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy hải sản. Kho lạnh giai đoạn 2 diện tích 1.000 mẫu, có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy hải sản cũng đã khởi công.

“Sắp tới, thủy hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, thời gian nhanh chóng. Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP Phòng Thành Cảng cũng sẽ là nơi các bên mua - bán có thể trực tiếp gặp gỡ, giao dịch, tăng mức độ yên tâm…” - ông Tô Vạn Quang cho hay.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã lưu ý, Cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng là cửa khẩu quan trọng trong XK nông sản, đặc biệt là mặt hàng thủy sản của cả Việt Nam và Trung Quốc. Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp tạo điều kiện để DN 2 nước giao thương.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo TP Móng Cái phối hợp với các đơn vị bên phía Quảng Tây (Trung Quốc) để tổ chức 1 Diễn đàn xúc tiến thương mại ở TP Đông Hưng trong thời gian sớm nhất, từ đó tạo điều kiện cho DN 2 nước có thể thương thảo trực tiếp với nhau, xây dựng các chuỗi cung ứng, XK nông sản 2 nước.

Đọc thêm