Có kế hoạch giải phóng quỹ đất cho ĐH đăng ký di dời

"Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch giải phóng quỹ đất ngoại thành để chuẩn bị bàn giao cho các trường ĐH muốn đăng ký di dời", Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8/2011, tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sẽ có nhiều trường Đại học, Cao đẳng (ĐH-CĐ) phải di dời khỏi địa bàn nội thành, trong đó riêng Hà Nội đã có tới 12 trường. Tuy nhiên, tới nay, lộ trình cho việc di dời vẫn “im lặng”. Ông Bùi Văn Ga , Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi những thông tin liên quan đến vấn đề này.

 

- Dự án di dời đã đến hạn chót, tuy nhiên thời điểm này các trường ĐH vẫn thờ ơ và nói là chưa có ý kiến của bộ, vậy chủ chương của bộ thế nào, thưa ông?

- Việc di dời các trường ĐH ra khỏi khu vực ngoại thành Hà Nội là chủ chương của Ban Chính trị, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ ngành khác ban hành tiêu chí, từ đó áp vào các trường để quyết định trường nào di dời trước, trường nào di dời sau, trường nào sẽ tiếp tục cải tạo và phát triển.

Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch giải phóng quỹ đất ngoại thành để chuẩn bị bàn giao cho các trường ĐH muốn đăng ký di dời.

- Bộ dự kiến đưa ra những tiêu chí chuyên môn nào để yêu cầu các trường đăng ký di dời?

- Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị nhằm xác định tiêu chí để di dời các trường ĐH ra ngoại thành. Trong số đó cũng có nhiều ý kiến đưa ra các tiêu chí như vấn đề diện tích mặt bằng của trường... Đồng thời, Bộ đang thảo luận với các trường để các trường đề xuất thêm các tiêu chí.

Về phía Bộ cũng khẳng định: Muốn di dời, trường phải dựa vào nhiều tiêu chí, trong đó không chỉ có các nhóm tiêu chí của Bộ GD&ĐT mà còn có các tiêu chí của các Bộ, ngành khác.

- Hiện nay, hầu hết các trường vẫn muốn giữ lại khu đất “vàng” ở nội thành, vừa muốn xin thêm quỹ đất ở ngoại thành, quan điểm của Bộ về vấn đề này ra sao?

- Đúng là hầu hết các trường đều có nguyện vọng này. Tuy nhiên, muốn di dời ra ngoài thì cần phải có kinh phí để giải tỏa mặt bằng. Vì thế nếu các trường vẫn giữ quỹ đất trong nội thành thì chúng ta sẽ rất khó có thể giải phóng mặt bằng xin quy hoạch.

Vấn đề mấu chốt trong việc di dời, theo tôi đó là vấn đề giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho các trường xây dựng. Muốn vậy chúng ta phải làm gấp, mà muốn làm gấp thì cần có một khoản vốn đủ lớn. Như vậy cần phải có quỹ di dời trường ĐH, hay các  khoản vay ODA mới có thể đáp ứng về mặt vốn cho dự án. Vì vậy, nếu chúng ta vẫn làm theo cách truyền thống là quy hoạch rồi để đấy thì rất bất khả thi, như ĐH Quốc Gia Hà Nội và các trường ĐH vùng cũng đã vấp phải mà tới nay vẫn không thể giải quyết được.

- Khi di dời, Bộ có tính đến những khó khăn cho công tác tuyển sinh và công tác giảng dạy?

- Chúng tôi không nghĩ khi di dời các trường ĐH sẽ khó khăn hơn trong khâu tuyển sinh hay giảng dạy. Mà ngược lại, việc chuyển trường ra ngoại thành sẽ tạo một quỹ đất rộng lớn để trường có cơ hội phát triển lâu dài. Một trường ĐH không thể chỉ có vài chục m2, thực tế trên thế giới đã có những trường rộng hàng trăm hecta. Vì vậy, các trường ĐH của chúng ta cần đổi mới để không chỉ hợp với chuẩn Việt Nam mà còn tiến tới hợp chuẩn quốc tế. Giáo viên và những người tham gia giảng dạy cũng nên ý thức được việc di dời các trường là chủ trương đúng. Các trường được di dời thành công sẽ có cơ hội  mở rộng quy mô trường tạo nguồn lực để phát triển lâu dài hơn.

Chúng tôi cũng đã nghe ngóng qua những khó khăn của các trường, vì thế về phía Bộ chúng tôi cũng rất mong muốn Chính phủ có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại, cho giáo viên, sinh viên.

- Với một số trường ĐH có tính xã hội hoặc truyền thống văn hoá đặc thù của từng địa phương thì việc di dời các trường đã có tính đến yếu tố này chưa, thưa ông?

- Hiện nay chúng tôi đang thảo luận và xây dựng các tiêu chí về di dời các ĐH. Tuy nhiên đến thời điểm này thì vẫn chưa đưa ra được các tiêu chí cuối cùng, dự tính cuối tháng 2 này chúng tôi sẽ hoàn thành.

Nhiều trường cũng đã đề cập đến các vấn đề truyền thống, có những trường như trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH Quốc Gia Hà Nội... đã đóng trong nội thành 100 năm. Do đó, chúng tôi cũng đã tính đến những tiêu chí này để đánh giá cho điểm. Tuy nhiên phải khẳng định Bộ chỉ quản lý về mặt chuyên môn còn về quy hoặch đất đai hoặc di dời trường nào thì do Bộ Xây dựng hoặc thành phố trực tiếp quản lý.

- Như vậy, đến thời điểm này 12 trường tại Hà Nội dự kiến đăng ký sẽ di dời cũng chưa chắc chắn sẽ di dời vì có thể xét trên một số tiêu chí họ có thể bị loại ra?

- 12 trường vừa công bố là những trường dựa trên tiêu chí của TP.Hà Nội. Về phía Bộ GD&ĐT cũng chưa có ý kiến gì về các trường này. Bộ chỉ quản lý về mặt chuyên môn còn những tiêu chí quan trọng hơn về đất đai, quy hoạch... thì các Bộ ban ngành và địa phương sẽ quy định.

Uyên Na (ghi)

Đọc thêm