Có cô giáo ở một ngôi trường nọ. Bên cạnh việc giảng dạy, cô còn hay tư vấn tâm lý cho học trò. Ngày qua ngày đúc kết lại, cô thấy có quá nhiều câu hỏi thường gặp giống nhau: Em là ai giữa cuộc đời này; Có phải em đang sống cuộc đời của chính mình không; Sao em mãi không thể thoát ra được việc so sánh mình với người khác dù điều đó khiến em mệt mỏi và luôn bị ám ảnh; Sao em lúc nào cũng cảm thấy bực bội, em thật sự chưa bao giờ cảm thấy có niềm tin vào chính mình; Có nhiều khi em không biết mình muốn gì, trở thành ai trong tương lai, em cảm thấy rất hoang mang; Có phải em đã sai…
Trăn trở trước những câu hỏi, một ngày kia cô giáo đã viết một bức thư ngỏ rất dài gửi tới học trò của mình. Bức thư mở đầu bằng câu: “Có một cuốn sách mang tên mình”. Trong bức thư, cô giáo như đang rủ rỉ tâm sự cùng học trò: “Mỗi người chúng ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành đều mang một giá trị riêng, không sao chép, không lẫn lộn với bất kỳ ai khác. Giống như một cuốn sách vậy, mỗi cuốn sách có một nội dung riêng, có những nút thắt, những diễn biến, những kết quả riêng; giản đơn hay phức tạp, nông cạn hay sâu sắc, hấp dẫn hay nhàm chán,… đều do những con chữ, hình ảnh ở từng trang sách mà mỗi tác giả tạo nên, không ai giống ai.
Cho nên, chúng ta hãy mặc định rằng, giống như một cuốn sách, chúng ta có một giá trị mà không thể tìm ở bất cứ cá nhân nào khác, một giá trị độc đáo. Đó là giá trị được tạo nên bởi từng con chữ và từng hình ảnh mà mỗi người dày công thiết kế trong cuốn sách mang tên mình. Nếu hiểu như vậy thì chúng ta sẽ biết trân quý từng trang, từng ngày trên hành trình sống và yêu thương; sẽ không bao giờ ta có thể viết những dòng chữ hời hợt, nông cạn, đãi bôi hay vẽ những mảng màu nhem nhuốc, xấu xí, tăm tối lên trang sách đời mình.
Để được vậy, trước tiên, chúng ta cần hiểu khái niệm giá trị bản thân. Từ việc hiểu giá trị bản thân chúng ta bắt đầu hành trình xây dựng nội dung ý nghĩa cho những trang sách đời mình. Việc sao chép một ai khác để trở nên lung linh là một việc tối kị. Chính vì vậy, trang sách đời mình viết lên phải là câu chuyện của chính mình, kể cả niềm vui hay nỗi buồn, thất bại hay thành công thì đó cũng là của riêng bản thân ta…
Nếu trong một khoảnh khắc nào đó, chúng ta cảm nhận bóng tối bao trùm những trang sách, hãy hướng về phía có ánh sáng. Hãy kiếm tìm bất cứ ở đâu, bất cứ ngóc ngách nào, dù chỉ một sợi sáng mong manh cũng là niềm hy vọng để ta hướng về. Nếu không thể tìm thấy bên ngoài, hãy nhìn vào chính mình, trong chiều sâu tâm cảm, trong vô thức hay thậm chí là tiềm thức. Hãy tin rằng trong cõi sâu tâm hồn ta vẫn còn những tia sáng và chưa bao giờ lụi tắt dù trong bất kì hoàn cảnh nào…”.
* * *
Nếu cuộc đời thực sự là một cuốn sách như lời của cô giáo nọ thì cần phải làm gì để cuốn sách trở nên thú vị hơn?
Đọc đâu đó rằng, hãy nhớ, mỗi người mà bạn gặp, dù tốt hay xấu, trải nghiệm với họ dù vui hay buồn, thì đó vẫn là những người giúp cho cuốn sách của bạn thêm thú vị hơn. Mỗi khó khăn bạn đi qua đều là một tình tiết gay cấn, cũng chính là điểm nhấn cho một hoặc vài chương sách, nên hãy đón nhận nó với sự hàm ơn, đừng oán trách.
Đôi khi, rất khó có thể phân định được đâu là nhân vật chính diện, đâu là nhân vật phản diện, đâu là tình tiết phụ và đâu là tình tiết chính trong cuốn sách của bạn. Nhưng chính bạn lại là người quyết định nhân vật chính diện hay phản diện có cơ hội để xuất hiện trong những chương kế tiếp hay không. Và cũng chính bạn là người duy nhất có khả năng xoay chuyển mọi tình thế. Mỗi một chương khép lại, sẽ có chương mới khác mở ra.
Luôn luôn là như vậy, trừ khi bạn quyết định dừng “viết”. Băng qua thung lũng, sẽ thấy núi đồi. Vượt qua núi đồi, sẽ thấy sông suối, biển cả. Mọi thứ luôn luôn di chuyển. Khó khăn và cơ hội cũng thế. Chỉ cần đôi chân vẫn bước, đôi mắt vẫn nhìn, đôi tai vẫn lắng nghe và trái tim luôn hòa cùng hơi thở, thì khó khăn của ngày hôm qua sẽ chỉ là một trang sách cũ, biến cố vừa đi qua chỉ là một chương sách cũ…
* * *
Và cuối cùng, bất kỳ cuốn sách nào cuối cùng cũng đều đi đến đoạn kết. Cuộc đời chúng ta cũng vậy. 100 trang, 80 trang hay 30 trang, thậm chí chỉ có 18 trang. Hành động hôm nay sẽ là kinh nghiệm cho ngày mai và cho những trang sách về sau này. Nếu chúng ta chưa bao giờ lật thử một trang sách, chúng ta sẽ không bao giờ biết được những gì ở chương tiếp theo.
Vì thế hãy sống sao để đến khi đặt dấu chấm cuối cùng cho cuốn sách cuộc đời, chúng ta không phải hổ thẹn vì đã sống hoài, sống phí.