Hồn phố qua những bước chân đi về
Theo Nguyễn Trương Quý, anh đến với văn chương từ những trang sách đọc hồi bé. Rồi sau này đi thi học sinh giỏi, học chuyên văn trường Hà Nội-Amsterdam. Khi ấy, anh yêu thích hội họa, đến giờ anh vẫn vẽ tranh và luôn mong muốn có những khoảng lặng để tập trung vào vẽ. Sau này Nguyễn Trương Quý học kiến trúc, đã đi làm nhưng lại rẽ sang viết văn. Đến nay, anh có hàng chục cuốn sách gây thương nhớ về Hà Nội.
Sinh năm 1977 tại Hà Nội, Nguyễn Trương Quý tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và từng là kiến trúc sư. Và rồi anh đã cầm bút viết về Hà Nội với những tác phẩm như: “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Ăn phở rất khó thấy ngon”, “Hà Nội là Hà Nội”, “Còn ai hát về Hà Nội”, “Xe máy tiếu ngạo”, “Dưới cột đèn rót một ấm trà”. Anh cho biết, sẽ tiếp tục với những câu chuyện Hà Nội ở góc độ con người làm việc ở Hà Nội, các câu chuyện cụ thể, viết sao cho thú vị thì tự thân đó đã là một cách quảng bá Hà Nội rồi.
Anh chia sẻ: “Tôi thấy sự vận động của thành phố với một khối cộng đồng người thích ứng rất nhanh và năng động. Sự năng động ở đây bao hàm việc người ta biết cách dịch chuyển trên thực địa bằng phương tiện nào. Có vô số câu chuyện về phương tiện. Nào là một thời “Một yêu anh có Pơ-giô (peugeot)”, xe đạp như một gia tài khủng khiếp. Nào là những câu chuyện về xe Simson, xe “kim vàng giọt lệ”,… cho đến xe Dream Thái như một sự khẳng định “thương hiệu” của những anh trai phố. Và nhiều câu chuyện khác cho tới nay để thấy phương tiện thay đổi, nhưng cách nhìn vào sự chuyển động vẫn theo một quy luật”.
Đó là sự dịch chuyển của con người trong tâm tưởng, mà hiện nay người Hà Nội vẫn thường gọi là “nhảy số”. Họ biết cách thích ứng và dịch chuyển mau lẹ với thời cuộc, với không gian sống. Chính điều này khiến những câu chuyện về Hà Nội không bao giờ bị cũ. Viết về cái cũ, khảo về cái xưa, nhưng thực chất đều là những câu chuyện đương thời.
Tiến sĩ văn học Phạm Xuân Thạch cho rằng, tập du khảo “Triệu dấu chân qua những cửa ô” là một bức chân dung về Hà Nội với tất cả dáng vẻ của nó. Đó là không gian đô thị với 5 cửa ô, với những ngã tư, với những tầng gác cao, với những ánh đèn neon. Đó là cách người Hà Nội đã di chuyển trong thành phố từ chiếc xe đạp, ô tô,… đến những phương tiện đã mất đi như tàu điện hay tàu thủy trên sông,… Đó còn là không gian cây cối, cảnh quan núi non, sông hồ quanh Hà Nội. Tất cả những hình dung về không gian như vậy, làm cho chúng ta gần Hà Nội hơn bao giờ hết.
Với nhà văn Nguyễn Trương Quý, nói về kỷ niệm gắn bó nhất là những con đường thời đi học của một Hà Nội luôn hiện ra với sự quang đãng, dù trời nắng chói chang hay mùa đông giá rét. Con đường anh rất hay đi để đến trường là đê La Thành. Con đường nhỏ đi qua Ô Chợ Dừa với những làng xóm hồi đó còn lúp xúp chân đê.
Ở đó, anh từng cắt tóc, ăn quà sáng là món bún bung do một bà cụ bán, có lẽ giờ bà cũng mất rồi. Sau này, anh mới biết đó chính là một đoạn bức tường lũy thành Đại La và Thăng Long xưa.
Từ đủ mọi câu chuyện như thế, đã trở thành nguồn cơn thôi thúc Nguyễn Trương Quý viết “Triệu dấu chân qua những cửa ô”. Để rồi, nó trở thành cuốn sách đầu tiên vẽ chân dung Hà Nội qua những bước chân đi về.
Cuốn sách quan sát, trong khoảng một trăm năm qua, những đường đi lối lại của người Hà Nội, những phương tiện họ sử dụng, những lối đi quen thuộc cả trong đời thường và trong vọng tưởng. Và trong cuộc đi lại chốn ở và mải miết ấy, theo vòng quay lịch sử, không gian và sự vật đổi thay, kéo theo sự đổi thay của tâm tình người Hà Nội.
Nguyễn Trương Quý cũng thổ lộ: “Tôi bắt đầu mạch những khảo cứu này ở tâm thế kẻ lang thang trên những con đường cũ mới, trong những trang viết, bài thơ hoặc câu hát về chúng, rồi đến một lúc lan rộng ra những ngã rẽ hoặc dừng chân ở những khoảng không gian mà tôi ví chúng như quảng trường, ngã tư. Tập khảo cứu này thực sự là một hành trình được thuật lại”…
Nhà văn Nguyễn Trương Quý |
Dấu xưa còn lại
TS Phạm Xuân Thạch cho rằng, “thay vì dựng lên một huyền thoại của đô thị, Nguyễn Trương Quý tìm cách giải thích, cắt nghĩa về huyền thoại…”. Chẳng hạn với huyền thoại 5 cửa ô, Nguyễn Trương Quý cho biết: “Chúng ta vốn đã rất quen thuộc về hình ảnh 5 cửa ô của Hà Nội, nhất là qua bài hát “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao. “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/Chảy dòng sương sớm long lanh…”. Tuy nhiên, theo khảo cứu của tôi, trước năm 1945, Hà Nội đã từng có đến 21 cửa ô, trong đó thống kê trên các văn có tên của 18 cửa ô, nhiều cửa ô hiện nay cũng đã mất dấu”.
Anh cho biết thêm: “Trong bài “Thương về năm cửa ô xưa”, Tạ Tỵ kể về 5 cửa ô và khi đặt vào hình thái bản đồ đã đúng với vị trí của 5 cánh sao. Ô Yên Phụ ở phía Bắc, ô Cầu Giấy ở phía Tây, ô Quan Chưởng ở phía Đông, ô Cầu Dền ở phía Đông Nam và ô Chợ Dừa ở phía Tây Nam”.
Nguyễn Trương Quý cũng cho thấy, có những người khi rời xa thành phố vẫn giữ những ý niệm huyền thoại về Hà Nội, từ cuộc cách mạng đã qua cho đến những ký ức đẹp đẽ khác. Câu chuyện về 5 cửa ô Hà Nội chỉ là một trong rất nhiều “huyền thoại” thú vị khác mà cuốn sách này nhắc nhớ. Như chuyện “mua đường” của Tam Lang, Nguyễn Tuân nhân “một đêm họp đưa ma Phụng” (khi Vũ Trọng Phụng mất năm 1939), hoặc chuyện Nguyễn Tuân mất xe đạp…
Tập du khảo “Triệu dấu chân qua những cửa ô” lần này Nguyễn Trương Quý chọn vẽ chân dung Hà Nội qua những dấu chân đi về. Như anh chia sẻ trong lời nói đầu cuốn sách: “Hà Nội có nhiều cửa ô, tôi chọn biểu tượng này vì lẽ chúng là tên gọi gợi nhớ ngay đến Hà Nội và cửa ô trong tâm tưởng là những lối nhập thành, tìm hiểu những câu chuyện của đời phố”.
Đấy có thể là sự phôi pha của những cửa ô trước sự phát triển của đô thị mới: “Nhưng rồi người Việt cũng mau chóng hấp thụ những hình thái mới, với họ, ngã tư và cột đèn trở thành cặp bài trùng mới cho đô thị, thay cho những bến sông và cửa ô. Ngay chính những cửa ô cũng trở thành các ngã tư, ngã năm khi những đoạn tường lũy bị bạt thấp dần trở thành đường đi. Người Hà Nội đã quen với những ngã năm Chợ Dừa, ngã tư Đại Cồ Việt, ngã tư Cầu Dền mà dần quên hình ảnh các cửa ô từng hiện diện cho đến cuối thế kỷ 19. Phạm vi của những khu phố lan dần ra xa hơn những cửa ô, theo những tuyến đường tàu điện về các ngả” (trích trong “Ngã tư dặt dìu cung bậc âm dương” – “Triệu dấu chân qua những cửa ô”).
Và đó là nỗi hoài nhớ đượm màu lãng mạn của con người dành cho những chiếc tàu điện đã biến mất: “Tiếng leng keng không thay đổi qua năm tháng đã giúp việc hồi cố chồng lấn hai thời Pháp thuộc và bao cấp. Nó khiến người thời bao cấp và cả hậu bao cấp vẫn như được đồng hội, đồng thuyền với người thời Pháp thuộc. Nó mỹ hóa ký ức của họ. Họ nhớ tàu điện là nhớ năm tháng nhọc nhằn, để rồi bồi đắp một ý niệm về vẻ đẹp khổ hạnh mà giờ đây lại thành của hiếm” (trích “Triệu dấu chân qua những cửa ô”).
Giải thích lý do tại sao lại chọn khảo cứu trong khoảng 100 năm, trong khi Hà Nội có tới hơn 1.000 lịch sử, Nguyễn Trương Quý bày tỏ: “Tôi lấy khoảng thời gian ước định một trăm năm là vì có ý tìm một sự đối chiếu giữa hôm nay, thập niên thứ hai của thế kỷ 21 với những năm đầu thế kỷ 20.
“Tôi thường đặt những nhân vật văn hóa ấy trong thế tương quan về nội hàm tác phẩm họ đem lại, như Nguyễn Huy Lượng, tác giả “Tụng Tây Hồ phú” ca ngợi cảnh sắc hồ Tây thời Tây Sơn và Phạm Thái, người đã viết bài “Chiến Tụng Tây hồ phú” để đả phá lại và sau đó Phạm Thái lại trở thành nhân vật của Khái Hưng trong tiểu thuyết “Tiêu Sơn tráng sĩ”. Nhưng tất cả những nhân vật như vậy lại là chứng nhân cho một không gian quan trọng của Hà Nội là Hồ Tây, chốn được coi như phần hoang dã của thành phố cho đến tận cuối thế kỷ trước, nhưng cũng là một nơi chốn đã ghi lại những dấu vết văn hóa sâu đậm của Thăng Long xưa”.
Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, sự bảo lưu các giá trị thuộc về nếp sống đúng là một thứ giúp làm nên căn tính của một nơi như Hà Nội: Nhưng trong thời đại chính những “thương hiệu” lại là thứ giúp cho mỗi nơi chốn có được sức hút, thì cũng rất cần tìm cách lọc lấy những điều đẹp đẽ đã có, nhất là từng thành nền nếp. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta có xu hướng lưu luyến cái đã qua, là bởi có những giai đoạn đáng ghi nhận trong việc sản sinh ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật giá trị của lịch sử nước nhà”.
Cuốn “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc” của Nguyễn Trương Quý sắp ra mắt sẽ phục hiện lại những chuyến hành trình sáng tạo của các nhạc sĩ trẻ trong trào lưu tân nhạc thời kỳ đầu, trong đó nổi bật là Lưu Hữu Phước hay Văn Cao, những tên tuổi đã sinh ra các tác phẩm đóng vai trò kiến tạo nên biểu tượng của nước Việt Nam độc lập trong cao trào giải phóng dân tộc. Anh tâm sự: “Hà Nội đối với những diễn biến đó thực sự là một chiến địa văn hóa nhiều ẩn số nhưng cũng rất thú vị đối với một người tiến hành du khảo”…
Có lẽ vì thế mà trang viết của anh luôn ám ảnh về không gian Hà Nội. Và những trang viết là một Hà Nội với những lắng sâu, những con ngõ miên man như đời người…