Đọc nhanh hay chậm đều cần rung cảm
Tại một buổi nói chuyện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, người Việt vì thích đọc ngắn nên mặc dù thời gian đọc trên mạng cao nhất ASEAN nhưng lượng sách trên đầu người lại thấp…
Theo dịch giả, nhà nghiên cứu khuyến đọc Nguyễn Quốc Vương, bản chất vấn đề thói quen “đọc ngắn” đúng là nguy hiểm. Bởi cho dù chúng ta nói hay viết một điều gì đó ngắn gọn thì cũng cần phải đọc thật sâu, thật nhiều mới có thể viết ngắn, nói ngắn.
“Sức mạnh của ngôn ngữ nằm ở sự dồn nén. Một câu “tôi xin lỗi”, “tôi cảm ơn”, “anh yêu em” dồn nén trải nghiệm, hiểu biết, rung cảm… nó khác với sự phát ra âm thanh thuần túy.
Ông Vương cũng khuyến cáo, việc dạy học sinh lớp nhỏ đọc những bài tiếng Việt đơn giản bằng một tình yêu, rung cảm sâu nặng với tiếng mẹ đẻ có sự hiểu biết sâu rộng, khác xa với việc dạy trẻ theo cách thuần túy kiểu “nhắc lại” câu chữ. Nó giống như một người nói với ta thật lòng một câu đơn giản, khác với một người nói như một sự xã giao, giả dối. Đó là lý do muốn giao tiếp tốt hơn, người ta phải đọc không ngừng.
Hơn nữa, những người tạo ra nội dung ngắn hay, cuốn hút thường là những người đọc rất nhiều, đọc vô số tác phẩm đồ sộ. Họ biết dồn nén hay tỉa lấy một cái gì đó lấp lánh từ trong nội dung đồ sộ đó để làm nên tác phẩm của mình.
Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho hay, người Việt không chỉ bị mang tiếng lười đọc mà trong thực tế còn thiếu kỹ năng đọc, cụ thể là thích đọc nhanh.
Trong Diễn đàn thảo luận “Nên đọc sách nhanh hay chậm?” của Trạm Đọc - Read Station, có khá nhiều ý kiến khác nhau. Những người ủng hộ đọc nhanh cho rằng, đọc sách nhanh giúp học được nhiều hơn, thay vì một cuốn sách đọc trong hai tuần sẽ rút ngắn thời gian một tuần và tuần còn lại sẽ hoàn thành một cuốn sách khác với những kiến thức mới.
Đồng thời, việc đọc sách nhanh cũng giúp người đọc tập trung hơn. Như Tony Buzan - một diễn giả hàng đầu về não bộ khẳng định: “Bộ não của bạn có thể tiếp thu một lượng thông tin khổng lồ tương đương 20.000 chữ/phút, song điều đáng buồn là đa số mọi người thường đọc với tốc độ 200 chữ/phút”.
Về phía những người ủng hộ đọc chậm lại khẳng định việc đọc nhanh là kỹ năng dở tệ và ví đọc nhanh một cuốn sách giống tua nhanh một bộ phim, sẽ không biết các tình tiết cụ thể. Đọc không phải chỉ là việc của mắt, đọc đòi hỏi sự vận động của cả não bộ và tâm trí. Đọc cũng giống như biến tâm trí và từng câu chữ thành tri kỉ của nhau, đọc chính là sự gắn kết tinh thần với cuộc sống mà sách gửi gắm.
Nhà văn Uông Triều chia sẻ: “Đọc chậm còn để suy ngẫm và tư duy. Nếu đọc quá nhanh, chỉ lướt qua, tốc độ của mắt nhanh hơn tốc độ cảm nhận và tư duy thì những gì tác giả viết ra chưa chắc người đọc đã kịp lĩnh hội hoặc lĩnh hội mơ hồ.
Quá vội vã hoặc cẩu thả sẽ cho ra những thứ hời hợt, chỉ đủ để biết, còn chiều sâu thì hạn chế. Người ta đã chứng minh được rằng sự đọc bình tĩnh một văn bản sẽ có lợi về mặt tư duy, làm cho bộ não hoạt động tích cực hơn nếu so sánh với việc xem hình ảnh lướt qua…”.
Dù vậy, những người ủng hộ đọc nhanh lại khẳng định vẫn có thể tiếp nhận và lĩnh hội tri thức của sách. Vấn đề là đọc nhanh phải có kỹ năng, có phương pháp khoa học và phải được rèn luyện thường xuyên liên tục.
Lê Anh Phương bày tỏ: “Tuỳ cảm nhận với mỗi cuốn sách mà cách đọc, nhịp điệu khác nhau. Có những thứ không thể đọc nhanh, có những điều đọc chậm lại mất hay”.
Người lớn cần đọc sách mọi nơi khi có thể
|
Người lớn cần đọc sách mọi lúc mọi nơi . (Ảnh: FBNV). |
“Khuyến đọc là cách giúp cho thế hệ trẻ (từ mầm non trở đi) có được nền tảng tốt hơn các thế hệ trước, để có thể sống như một người bình thường và làm việc chuyên môn dựa trên nền tảng văn hóa và hiểu biết chung, phù hợp với các giá trị phổ quát của thế giới”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương bày tỏ.
Ngoài 100 đầu sách đã xuất bản trong hai vai trò dịch giả và tác giả, Nguyễn Quốc Vương còn được biết đến trong vai trò là diễn giả với các hoạt động khuyến đọc tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo dịch giả Nguyễn Quốc Vương, đọc sách và khuyến đọc là con đường rất gian nan. Muốn có những công dân có thói quen đọc sách cần rất nhiều yếu tố, cần bắt đầu từ gia đình rồi tới việc cải cách giáo dục để nâng cao năng lực đọc của người Việt.
Nguyễn Quốc Vương dịch và sách viết về nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa đọc, giáo dục trường học... Anh tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Lịch sử, từng có 8 năm du học và làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản.
“Tôi đã trải lòng khi đặt tên cho một cuốn sách là Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm. Nội dung cuốn sách đã thể hiện rõ những khó khăn, gian khổ của người làm khuyến đọc, của người sống chuyên nghiệp bằng chữ nghĩa. Sự gian nan đó nằm ở việc họ có lan truyền được tình yêu, lý tưởng của họ tới người khác không, có giúp được nhiều người đến với sách không. Không chỉ người ít học sợ sách, ngại đọc sách, mà nhiều người có học cũng không đọc sách. Đấy là một thực tế gian nan.
Đồng thời, giáo dục lại tập trung chủ yếu vào thi cử làm cho học sinh không có thói quen đọc sách ngay từ khi cắp sách tới trường. Sự thiếu vắng sách trong gia đình và thói quen sinh hoạt từ nhỏ cũng góp phần tạo nên tình trạng không đọc sách… Nói tóm lại, ta có thể dễ dàng kể ra hàng trăm lý do nhưng một môi trường không thân thiện với văn hóa đọc, khiến cho nhiều người Việt coi việc không đọc sách là bình thường.
Để văn hóa đọc phát triển, theo ông Quốc Vương, cần có luật khuyến đọc, cần hệ thống thư viện công và thư viện trường học, thư viện trẻ em hiện đại, đẹp, phục vụ tốt. Cần khuyến khích, nâng đỡ các tổ chức xã hội, công ty tư nhân, người dân tham gia vào khuyến đọc như: tạo điều kiện cho người dân lập thư viện tư nhân, các giải thưởng khuyến đọc, các đoàn thể khuyến đọc. Cuối cùng, cần cải cách giáo dục thật sự để đọc sách trở thành năng lực bắt buộc và quan trọng số một trong “chuẩn đầu ra” của học sinh. Giáo viên phải trở thành một người đọc sách chuyên nghiệp để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Từng gia đình, từng người dân cần ý thức sâu sắc về văn hóa đọc để có tủ sách gia đình và giúp cho con mình đọc sách. Bản thân người lớn cũng phải là người đọc sách thường xuyên mọi lúc, mọi nơi có thể…
Thực tế, trong 5 năm trở lại đây, văn hóa đọc được tuyên truyền mạnh mẽ trên diện rộng, nhằm mục đích phát triển ngành xuất bản, đồng thời thúc đẩy thói quen đọc sách cho người Việt. Hành trình này diễn ra với sự phối hợp của các Bộ, ngành, truyền thông trên nhiều nền tảng, phương tiện khác nhau.
Các nhà khoa học cũng chia sẻ về sự phát triển ngày càng đa dạng, phong phú về các thể loại sách. Giờ đây, không chỉ sách in được bày bán ngoài sạp, còn có sách điện tử, sách nghe (sách audio)... rất tiện dụng, quảng bá được rộng rãi đến độc giả bằng nhiều hình thức, trên nhiều nền tảng khác nhau. Đặc biệt, sách audio (sách nghe) cần được phát huy nhiều hơn để đáp ứng xu hướng “nghe sách” của thế hệ độc giả trẻ đang bận rộn, ít thời gian đọc.
Còn với những người yêu sách, có thể thời gian dành cho sách không còn nhiều như trước, bởi những bận rộn ngày thường, nhưng có những cuốn sách mãi là hồi ức, là kỷ niệm. Chị Vĩnh Hà, một biên kịch chia sẻ, đến một lúc nào đó, tự dưng muốn đọc lại những cuốn sách cũ từng đọc một thời. Và không giống lần đầu, ta không chạy theo câu chữ và chi tiết mà đọc với một màu cảm xúc. Đôi khi là màu ký ức.
“Mới đây, Netflix có phim “One day”, bản nhiều tập 2024, mình lại muốn xem lại “One day” bản 2011. Và lôi cuốn truyện cũ ra đọc. Có vài chỗ vẫn còn gấp mép đánh dấu. Rồi phải nghĩ hoặc đọc lại vài đoạn để nhớ vì sao đã đánh dấu cả khi đã đọc hết sách.
“One day” là cuốn sách mang lại một màu cảm xúc buồn bã và nhẹ nhõm như vậy. Dù câu chuyện thật buồn. Nhờ facebook mình mới thấy, có quá nhiều người thích cuốn sách này. Vì sao nhỉ? Có lẽ vì ai cũng thấy mình trong đó: Thời thanh xuân, những tiếc nuối, hạnh phúc và đau khổ, cảm giác đã vuột mất thứ quý giá của đời mình. Nhưng có lẽ, câu chuyện cũng cho nhiều người như mình một lời an ủi, theo cách tiếp nhận của mỗi người.
Tự nhiên lại nhớ đến một loạt cuốn sách cũ mang màu cảm xúc như vậy. Mỗi cuốn có lẽ mình chỉ nhớ vài chi tiết, một câu thoại. Như trong “John yêu dấu” (Nicholas Sparks) mình nhớ đoạn kết. Khi John Tyree đứng nhìn Savannah từ xa trong đêm trăng sáng. Anh muốn bước tới nhưng thay vào đó lại đứng yên. Cả hai mê mải ngắm trăng. Và anh cảm thấy họ như được ở bên nhau dưới cùng một bầu trời, bình yên. Đôi khi chỉ cần có như vậy.
Câu kết: “Và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi tôi gần như cảm thấy chúng tôi đang ở bên nhau lần nữa”...
Trở lại câu chuyện khuyến đọc và đọc nhanh hay chậm, dường như cách đọc sách ngày nay cũng quá đa dạng với những cảm nhận khác nhau. Thời gian đã trôi qua nhiều năm tháng về một thời sách là món quà say đắm với nhiều người. Hy vọng với rất nhiều nỗ lực, văn hóa đọc sách sẽ trở lại trong mỗi nhà với những vẻ đẹp lấp lánh vốn có, từ những trang sách thơm mùi giấy…