Có một loài cây quý như “vàng lỏng” ở Bình Liêu

(PLVN) - Thiên nhiên đã rất ưu ái khi tặng cho Bình Liêu (Quảng Ninh) một loại cây quý. Loài cây khiến Bình Liêu như một nàng công chúa với xiêm y tinh khiết vào mùa hoa nở, đến mức địa phương này phải mở hẳn một lễ hội với tên gọi của chính loài hoa đó “Lễ hội mùa hoa sở”. Khi cánh hoa tàn, sở sẽ kết trái. Hạt sở chính là nguyên liệu sản xuất ra thứ dầu quý hiếm: dầu sở.
Quả sở - nguyên liệu làm ra “vàng lỏng” Bình Liêu. (Ảnh: Nguyễn Hoan)
Quả sở - nguyên liệu làm ra “vàng lỏng” Bình Liêu. (Ảnh: Nguyễn Hoan)

Dầu sở không phổ biến như các loại dầu thực vật khác đang được được bán trên thị trường. Nhưng ít ai biết rằng, đây là loại dầu rất có giá trị, nó được ví như một thứ “vàng lỏng” của núi rừng Bình Liêu. Hàm lượng omega 3-6-9 của dầu sở tương đương với dầu ô liu, ngoài ra, dầu sở còn chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể, chống ung thư, giảm béo và tăng cường sức đề kháng.

Để sản xuất ra dầu sở, phải trải qua nhiều công đoạn. Vào khoảng tháng 10 khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng nâu, người dân sẽ đi thu hoạch quả. Quả tươi thu hoạch về được ủ cho đến khi nứt, sau đó tách lấy hạt rồi đem phơi khô. Sau đó hạt sở được cho vào máy để tách riêng vỏ và phần lõi hạt. Phần lõi này được làm sạch, đem rang khô bằng máy ở nhiệt độ 150 độ C trong vòng 30 phút, rồi cho vào khuôn ép để lấy dầu thô.

Dầu thô được ép trực tiếp từ hạt, không thêm bất kỳ hương liệu gì. Dầu sở được sử dụng hoặc bán ra thị trường chính là dầu thô này sau khi đã được gạn, lọc hết phần bã. Dầu sở trong vắt, có màu vàng như nắng tháng 10, mang mùi thơm đặc trưng riêng của cây sở, mùi thảo mộc của núi rừng.

Rất nhiều năm trước, cây sở bị bỏ quên giá trị trong những cánh rừng ở huyện Bình Liêu - Quảng Ninh. Người dân cũng chỉ biết tác dụng của dầu sở như một loại dầu ăn và cũng chỉ làm thủ công, phục vụ nhu cầu hàng ngày của mình, cung cấp trong cộng đồng dân cư nhỏ.

Cây sở đã được trồng ở Bình Liêu từ năm 1940 (ở thôn Nặm Tút, xã Lục Hồn), sau đó phát triển thêm ở một số thôn, bản nghèo tại các xã như Lục Hồn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Húc Động... Đến năm 2014, nhận thức được tiềm năng quý giá từ cây sở, UBND huyện Bình Liêu đã lập Dự án khôi phục và phát triển cây sở giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, phục hồi 30 ha rừng sở, xây dựng các vườn ươm sở. Đến nay, toàn huyện Bình Liêu có gần 400ha sở có thể khai thác và dự kiến đến năm 2020, huyện có 1.700ha với sản lượng là 5.000 tấn hạt. Dự án được triển khai đã nâng cao năng suất quả, chất lượng dầu của các hộ trồng cây sở, bước đầu đã tạo ra vùng trồng nguyên liệu tập trung và sản phẩm dầu sở mang thương hiệu đặc trưng mới của huyện Bình Liêu. Dầu sở coi là một sản phẩm chủ lực, nằm trong danh mục sản phẩm OCOP của huyện miền biên viễn này.

Dù đã không còn là một “nàng công chúa ngủ trong rừng” nhưng cây sở, dầu sở chưa thực sự được “đánh thức” để phát huy hết tiềm năng. Hiện việc sản xuất dầu sở chỉ ở quy mô nhỏ. Vì không có sơ cơ sở chế biến đủ tầm, nên nguồn nguyên liệu được thương lái nước ngoài thu mua với giá rẻ, trong khi đó, sản phẩm tinh luyện được bán với giá rất cao (khoảng 400.000đ/lít). Đây là một thiệt hại lớn đối với bà con vùng biên giới, đời sống còn nhiều khó khăn. Thêm một yếu tố khiến dầu sở chưa phát triển tương xứng với giá trị của nó đó là việc tuyên truyền quảng bá chưa đủ hiệu quả để người tiêu dùng biết đến sản phẩm quý này. Hiện tại, dầu sở chỉ dừng lại ở sản phẩm gắn với du lịch ở Bình Liêu. Vòng luẩn quẩn giữa từ khâu nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ đang chưa xứng tầm với chất lượng của dầu sở.

Được biết, trước đây một thời gian, có một doanh nghiệp thực phẩm ở Pháp đã đến Bình Liêu nghiên cứu để đặt nhà máy chế biến dầu sở, nhưng không hiểu vì lý do gì, kế hoạch vẫn chưa được triển khai.

Dầu sở, - sản phẩm OCOP của huyện Bình Liêu

Dầu sở, - sản phẩm OCOP của huyện Bình Liêu

Sở ra hoa vào độ tháng 12, khi tiết trời của miền núi Bình Liêu vào độ lạnh nhất. Những cánh sở nở căng với màu trắng tinh khiết, điểm nhị vàng rực rỡ xua tan mùa đông xám xịt và u ám. Vào mùa sở ra hoa, trên khắp các nẻo đường quanh co trong thôn bản, trên khắp các núi đồi Bình Liêu như được khoác lên một chiếc khăn voan trắng mỹ miều. Tháng giêng, sở đậu quả non. Những chùm quả lúc lỉu mỡ màng lớn lên bằng nắng, gió, khí trời của miền biên viễn, chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng, vàng xám. Tầm tháng 10 là mùa thu hoạch của trái sở.

Trái Sở khi chín sẽ tự nứt.

Trái Sở khi chín sẽ tự nứt.

Quả sở có thể hái trên cây nhưng cũng nó cũng có thể tự nứt vỏ để hạt rơi xuống đất. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, hạt sở được thu lượm sẽ cho nhiều tinh dầu hơn khi quả hái trực tiếp ở trên cây. Vì trái sở tự nứt trên cây chỉ khi đã vì chín đều, cơm dày nên lượng tinh dầu cao.

Với việc thu hái quả sở chủ động, quả sở về đem hong ở nơi thoáng gió 4 - 5 ngày để tự tách vỏ, cho hạt rơi ra ngoài. Hạt sau khi tách ra khỏi vỏ sẽ có màu đen, phần cơm để cho tinh dầu có màu vàng sẫm.

Mùa này, khi đến với Bình Liêu, du khách sẽ gặp những chùm sở lúc lỉu ven đường. Những chùm trái xanh mướt, căng mọng, như sự bình yên của vùng đất, con người miền biên viễn Bình Liêu.

Đọc thêm