Nguyên nhân căn bản của ùn tắc giao thông là do đâu?
Câu chuyện ùn tắc giao thông được rất nhiều chuyên gia phân tích. Có rất nhiều gây ra nạn ùn tắc giao thông như ý thức tham gia giao thông, chất lượng phương tiện, mật độ phương tiện, chất lượng cơ sở hạ tầng (cầu, đường), chất lượng quy hoạch, chất lượng quản lí (xe dù đội lốt xe hợp đồng)… Trong đó nguyên nhân căn bản nhất chính là ý thức tham gia giao thông của người dân.
Có thể nói, ý thức tham gia giao thông của phần lớn người dân đang xuống rất thấp. Tình trạng lấn làn, vượt đèn đỏ, không chấp hành luật giao thông, va chạm giao thông và cách xử lí va chạm giao thông ở Việt Nam nói chung và nội thành nói riêng là rất phổ biến.
Muốn xử lí dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông thì cần phải thực hiện đồng loạt các biện pháp, giải pháp, và có tính lâu dài, trong đó cần xử lí, giáo dục nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, đây là nguyên nhân căn bản gây ùn tắc giao thông.
Chia sẻ về vấn đề này ông Nguyễn Văn Trình (68 tuổi) ở Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội cho hay: “Tôi đã từng đi nhiều nước như Nhật Bản, In–đô-nê-xi-a và thấy ý thức tham gia giao thông của họ rất tốt, không có chuyện lấn làn hay vượt đèn như ở Việt Nam mình. Tôi biết ùn tắc là do nhiều nguyên nhân và chưa thể giải quyết dứt điểm trong thời gian hiện tại, nhưng các cấp chính quyền cần có những giải pháp mang tính lâu dài, đặc biệt là vấn đề ý thức tham gia giao thông của người dân cần được giáo dục, tuyên truyền lại, không được thì cần có chế tài tốt hơn”.
Ông Trình chỉ tay dẫn chứng tình trạng ý thức tham gia giao thông xuống cấp của người dân. |
Đồng tình rằng mỗi năm phương tiện giao thông tăng lên, cơ sở hạ tầng không theo kịp dẫn đến những hệ lụy trong đó có ùn tắc giao thông. Nhưng nhìn một cách tích cực hơn thì dễ dàng nhận ra căn nguyên của tình trạng ùn tắc giao thông chính là ý thức, văn hóa tham gia giao thông của người dân, trong đó có chính chúng ta.
Đây là đề án của tương lai.
Chưa có con số thống kê chính xác, cụ thể, nhưng theo đánh giá sơ bộ thì hiện nay trung bình mỗi ngày thành phố có tới 12 triệu lượt xe lưu thông, trong khi đó cơ sở hạ tầng vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Bởi vậy, nâng cao ý thức người tham gia giao thông không những là giải pháp lâu dài mà còn là phương án trước mắt để giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Song song với việc nâng cao ý thức giao thông chính là hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị , tăng tính định hướng của luật giao thông, tăng tính quản lí, quy hoạch của những nhà chức trách… Chỉ như vậy, bài toán ùn tắc giao thông mới được giải quyết.
Đề án mới của Bộ giao thông vận tải chính là cấm xe máy vào nội Đô. Đề án đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó đa số đều cho rằng cấm xe máy vào nội đô chỉ có thể thực hiện trong tương lai, thời điểm hiện tại , đề án này chưa khả thi.
Bạn Cường chia sẻ quan điểm với PV Báo Pháp Luật Việt Nam. |
Khi được hỏi về có nên hay không khi cấm xe máy vào nội Đô bạn Phạm Việt Cường (22 tuổi) sinh viên năm cuối trường Đại Học Kinh tế quốc dân đưa ra quan điểm: “Em nghĩ câu hỏi này hỏi ai thì cũng đều có câu trả lời giống nhau là không nên cấm, có cấm thì cũng là câu chuyện xa vời. Với những người sinh viên như em, cùng với những người có thu nhập thấp đều đi làm bằng xe máy. Vậy nếu cấm xe máy thì di duyển bằng phương tiện nào? Xe bus có đủ đảm bảo, thời gian, giờ giấc? mà theo em được biết là chất lượng xe bus ở Việt Nam mình đặc biệt trong các thành phố lớn là rất thấp. Bởi vậy em không đồng tình với đề án cấm xe máy vào nội thành.”
Mỗi ngày thủ Đô có tới 12 triệu lượt phương tiện di chuyển, trong khi đó số lượng xe bus lại chỉ vỏn vẹn trên dưới 1000 chiếc. Đó là chưa nói tới xe bus trái tuyến, chất lượng xe bus, giờ giấc, chen lấn…
Đồng quan điểm trên ông Trình cho biết thêm: “Cấm xe máy vào nội thành là đề án đúng đắn, nhưng với những năm sau, thậm chí là vài chục năm sau, khi mà cơ sở hạ tầng đồng bộ, phương tiện công cộng như xe bus, đường sắt đi vào hoạt động và đáp ứng được nhu cầu đi lại cũng như phù hợp với tài chính của người dân. Còn trong thời điểm hiện tại thì đề án sẽ không thực hiện được”.
Ở những quốc gia phát triển, tại những thành phố lớn khi mà số cơ sở hạ tầng đồng bộ, số lượng cũng như chất lượng xe công cộng phát triển thì họ đã thực hiện đề án này. Tuy nhiên, với thực trạng của Việt Nam bây giờ thì đề án cấm xe máy vào nội thành chỉ có thể thực hiện được trong tương lai.