Sáng nay, tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV, thay mặt UBTP QH, Chủ nhiệm UBTPQH Lê Thị Nga đã trình bày ý kiến thẩm tra về Dự thảo Luật Hình sự sửa đổi bổ sung của Chính phủ.
Thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Hình Sự, UBTP QH nhận định: Tuy thời gian ngắn nhưng hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, có báo cáo đánh giá tác động, bản thuyết minh chi tiết, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành có liên quan… Về cơ bản, hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình Quốc hội.
Về quan điểm sửa đổi, bổ sung dự án Luật UBTP QH cơ bản tán thành với các quan điểm sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật của Chính phủ là: sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, trong một chừng mực nhất định, một số quy định của BLHS chưa thể cụ thể hóa ngay được thì vẫn phải có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ hoặc nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và án lệ do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành. Tuy nhiên, UBTP QH nhấn mạnh việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát, phát hiện đầy đủ các sai sót của BLHS năm 2015.
Về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật: Đa số ý kiến UBTP QH và ý kiến của Cơ quan tham gia thẩm tra đề nghị UBTVQH trình Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật tại 02 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội thảo luận cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ 3 thông qua) với những lý do sau:
Thứ nhất, dự án Luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 Điều của BLHS năm 2015 do Chính phủ trình (việc phải sửa đổi, bổ sung số lượng điều luật lớn như vậy là do một số trường hợp mặc dù chỉ sửa sai sót 1 lỗi kỹ thuật như nguyên tắc tính tỷ lệ tổn thương cơ thể nhưng lại liên quan đến phải sửa đổi nhiều điều luật để bảo đảm thống nhất). Hồ sơ dự án Luật được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội chậm nên gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu sâu dự án Luật.
Thứ hai, dự án Luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể, định mức xả thải ra môi trường, chỉ số gây ô nhiễm môi trường; danh mục hàng cấm; số lượng và chủng loại vũ khí quân dụng; việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy;
Tại phiên họp thẩm tra của UBTP QH, vẫn còn một số bộ, ngành có quan điểm mâu thuẫn với nhau và khác với quan điểm của Chính phủ về một số nội dung… Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phải thống nhất về quan điểm và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn thì mới có phương án sửa đổi khả thi.
Thứ ba, trong thời gian rà soát các quy định, định lượng chi tiết, nhiều bộ, ngành đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật của BLHS năm 2015 cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...
Đồng thời, qua ý kiến của nhiều thành viên UBTP cho thấy, còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu để có phương án sửa đổi phù hợp. Do đó, để bảo đảm thận trọng, tránh việc sau khi sửa đổi, bổ sung vẫn còn phát hiện những sai sót ảnh hưởng đến tính thống nhất của Bộ luật và bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật thì phải có đủ thời gian vật chất cần thiết.
Thứ tư, rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của BLHS năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian. Việc tổ chức xin ý kiến nhân dân, chỉnh lý, tiếp thu dự án BLHS năm 2015 chỉ được thực hiện trong thời gian 06 tháng (từ Kỳ họp thứ 9, tháng 5/2015 đến Kỳ họp thứ 10, tháng 11/2015) với số lượng 426 điều luật, sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS năm 1999 và phải định lượng chi tiết 375 khoản, điểm mà BLHS năm 1999 mới chỉ quy định định tính.
Trong khi đó, BLHS năm 1999 được Quốc hội cho ý kiến và thông qua nhiều lần trong thời gian dài sau 07 năm chuẩn bị (bắt đầu việc soạn thảo từ năm 1993, phần Những quy định chung được thông qua năm 1997 và năm 1999 thông qua toàn bộ Bộ luật). Nếu lần sửa đổi này tiếp tục thực hiện trong điều kiện gấp gáp về thời gian thì rất khó bảo đảm chất lượng.
Thứ năm, trong Nghị quyết số 144/2015/QH13 quyết định bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, để đảm bảo thận trọng, Quốc hội cũng không ấn định cụ thể thời gian thông qua dự án Luật tại một hay hai kỳ họp mà tùy theo chất lượng chuẩn bị dự án Luật.
Thứ sáu, việc thông qua dự án Luật tại 02 kỳ họp của Quốc hội không làm ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định của BLHS năm 2015 có lợi cho người phạm tội đã được quy định tại Nghị quyết số 144/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cho đến nay các lỗi kỹ thuật đã cơ bản được rà soát, để bảo đảm khẩn trương tổ chức thi hành BLHS năm 2015 và các đạo luật khác đang phải lùi hiệu lực thì cần thiết phải trình Quốc hội khoá XIV cho ý kiến và thông qua dự án Luật ngay tại Kỳ họp này.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của BLHS năm 2015: Đa số ý kiến UBTP cơ bản tán thành với quan điểm khắc phục những sai sót rõ ràng về mặt kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý hoặc có khả năng khó áp dụng trên thực tế nhằm nhận thức thống nhất BLHS năm 2015. Việc sửa đổi không làm ảnh hưởng đến những chính sách hình sự lớn đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không dẫn đến phải sửa đổi các đạo luật đang được lùi hiệu lực thi hành cùng với BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, UBTP QH nhấn mạnh, việc sửa đổi lần này phải bảo đảm đã rà soát hết các sai sót, tránh tình trạng sau khi thi hành lại phát hiện sai sót; đồng thời, đối với những quy định có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng (các điều luật có quy định trùng mức định lượng, cùng một đối tượng tác động nhưng lại quy định ở các điều luật khác nhau mà không có quy định loại trừ) hoặc thiếu nhất quán về chính sách hình sự (chủ yếu các điều luật ở Phần chung của BLHS) hoặc chưa phân hóa tội phạm (tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khác xa nhau nhưng khung hình phạt gần như nhau; thiếu thống nhất về nguyên tắc tính tỷ lệ tổn thương cơ thể), nội dung thiếu rõ ràng mâu thuẫn với luật chuyên ngành … thì cũng cần nghiên cứu để sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất của cả Bộ luật cũng như với các đạo luật khác.
Một số ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì cần thiết phải rà soát kỹ lưỡng tổng thể Bộ luật, bất kỳ quy định nào chưa phù hợp, khó áp dụng đều phải tiến hành sửa đổi mà không giới hạn ở phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.