Có nên lập thêm các đơn vị mới thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự?

Hôm qua 11/6, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã họp phiên thứ nhất. Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là có nên lập thêm một số đơn vị thuộc Tổng cục THADS?

Hôm qua 11/6, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã họp phiên thứ nhất. Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là có nên lập thêm một số đơn vị thuộc Tổng cục THADS?

Tổng cục THADS đề nghị lập thêm một số tổ chức mới. Ảnh minh họa
Tổng cục THADS đề nghị lập thêm một số tổ chức mới. Ảnh minh họa

Theo Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Tổng cục THADS) Nguyễn Quang Thái, hiện nay, về tổ chức, hoạt động của Tổng cục còn một số hạn chế đó là chưa có tổ chức bộ máy tương xứng để thực hiện công tác thi đua khen thưởng, công tác nghiên cứu, hợp tác quốc tế về THADS, về công tác kiểm tra và thực hiện nhiệm vụ liên quan đến theo dõi thi hành pháp luật; tổ chức hoạt động của Trung tâm dữ liệu, thông tin và thống kê THADS chưa phù hợp…

Do đó, theo đề xuất, sẽ giữ nguyên 6 đơn vị hiện có thuộc Tổng cục (gồm Văn phòng, Tổ chức cán bộ, Kế hoạch – tài chính, Vụ nghiệp vụ 1, nghiệp vụ 2 và Vụ giải quyết khiếu nại – tố cáo); đề nghị thay đổi tên đơn vị Trung tâm dữ liệu, thông tin và thống kê THADS lên thành Cục thống kê, tin học và thông tin THA.

Đáng chú ý, Tổng cục đề nghị lập thêm 1 số tổ chức mới là Vụ kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật trong THADS; Vụ tuyên truyền pháp luật, thi đua- khen thưởng và Tạp chí THADS.

Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp Đinh Văn Lộc thì “về nguyên tắc một việc chỉ giao cho 1 cơ quan quản lý. Ví dụ chức năng tuyên truyền là việc của anh rồi thì có cần lập thêm 1 vụ nữa không?”. Về đề xuất lập Vụ kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật, ông Lộc cũng bày tỏ nghi ngại có sự chồng lấn chức năng nhiệm vụ. Vì thế Phó Vụ trưởng đề nghị phải rà soát thật kỹ chức năng nhiệm vụ của các đơn vị khác trong Bộ để đảm bảo sự thống nhất.

Ông Hoàng Vũ Dũng, Bộ Nội vụ cũng lưu ý “lập thêm tổ chức mới phải hết sức cân nhắc, nên theo hướng có thể bổ sung chức năng nhiệm vụ chứ không nên lập thêm các đầu mối tổ chức mới”.

Luật tố tụng hành chính có hiệu lực (1/7/2011) giao việc quản lý THA hành chính cho ngành Tư pháp, vì thế đây là nhiệm vụ mới, hết sức nặng nề, vì thế, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành băn khoăn “có nên lập một đơn vị thực hiện chức năng này không”.

Có ý kiến ủng hộ phương án này vì cho rằng, đôn đốc, THA hành chính là công việc rất phức tạp, đặc thù, nếu có một đơn vị làm công tác quản lý chuyên biệt thì sẽ thuận lợi hơn là việc xen ghép.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính yêu cầu, phải làm rõ chức năng, vị trí của Tổng cục. Lưu ý đây là tổng cục hoạt động rất đặc thù, theo tố tụng dân sự, do đó phải nghiên cứu mô hình các tổng cục khác, đặc biệt là các tổng cục “có dáng dấp tố tụng”. Xuất phát từ chức năng mới làm rõ việc thực hiện các nhiệm vụ của tổng cục thế nào, qua đó thấy cộm lên vấn đề gì, từ đó mới tìm các giải pháp về tổ chức bộ máy, nhân sự.

Thứ trưởng cũng lưu ý “với bất cứ đề xuất nào quan trọng là phải làm rõ cơ sở của đề xuất đó”. Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu việc thành lập các đơn vị mới phải cân nhắc thận trọng để tránh trùng lắp. Riêng đề xuất thành lập Tạp chí THA Thứ trưởng cho rằng “chưa cần thiết” – “Mà việc cần hơn là đầu tư cho công tác nghiên cứu THADS”. Cũng như việc thành lập Vụ tuyên truyền, có thể thay bằng Vụ giáo dục chính trị tư tưởng –đạo đức chấp hành viên và thi đua khen thưởng sẽ thiết thực hơn.

Dự kiến, dự thảo Quyết định sẽ trình Thủ tướng vào cuối quý III/2013.

Bình An

Đọc thêm