Theo BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phần lớn những trẻ sẽ có triệu chứng khởi đầu ở đường tiêu hóa là: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Sau đó vài ngày trẻ mới có biểu hiện ở gan. Như vậy, khả năng cơ quan đầu tiên bị tấn công ở trẻ em là đường tiêu hóa. Đường vào khả năng là đường tiêu hóa. Khả năng cao đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa.
“Và nếu thực sự đây là tác nhân lây qua đường tiêu hóa thì bệnh dịch không thể bùng phát rộng giống tác nhân lây qua đường hô hấp được, bệnh sẽ lây một cách khu trú hơn”, bác sĩ Huyền cho biết.
Trước những thông tin về căn bệnh này, nhiều phụ huynh đã hoang mang, lo lắng, thậm chí còn muốn làm xét nghiệm men gan cho con để tìm ra “virus bí ẩn” này.
Về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng Khoa Gan – Mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: “Chúng ta cảnh giác, cẩn thận hơn trong việc chăm sóc con em mình. Tuy nhiên các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng, dao động, hoang mang. Các xét nghiệm men gan chỉ cần thực hiện trên những trẻ theo thăm khám của bác sĩ cho rằng là đối tượng nguy cơ cao và phải làm xét nghiệm sàng lọc. Còn lại không cần thiết làm các xét nghiệm men gan đồng loạt và đồng bộ”.
Cũng theo TS Hoa, ở những trẻ mắc bệnh, bước đầu có một số triệu chứng: sốt nhẹ, mệt mỏi, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, vàng da, vàng củng mạc… những em bé này cần giám sát y khoa. Các bé có biểu hiện này cần đưa đến cơ sở y tế để được kịp thời thăm khám.
Trước diễn biến bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, Bộ Y tế vừa đề nghị các địa phương tăng cường triển khai bao phủ vaccine viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại các cơ sở y tế đạt tỷ lệ đề ra, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ em đạt thấp. Đồng thời, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống bệnh viêm gan virus. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ. Nếu phát hiện có các trường hợp bất thường, đề nghị báo cáo ngay về Cục Y tế dự phòng để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Ngay sau khi có chỉ đạo từ Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành xây dựng các bộ câu hỏi ghi nhận, công tác sàng lọc các bệnh nhân có biểu hiện nghi vấn. Khi có bệnh nhân nghi ngờ, các bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm liên quan để sàng lọc mức độ tổn thương gan, tùy tình trạng bệnh nhân để làm xét nghiệm chuyên sâu hơn.