Trước đó, năm 2022, EVN cho rằng ước lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng và đã đề xuất tăng giá bán lẻ điện. Tất nhiên, đây là con số mà còn gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết đang rà soát và sẽ có lộ trình tăng hợp lý.
Hiện giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam là 1.864,44 đồng/1kWh (tương đương 0,08 USD/kWh), duy trì từ tháng 3/2019 đến nay. Theo một số liệu mang tính tham khảo, mức này hiện thấp hơn 50% so với Philippines - nước có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kWh); thấp hơn Indonesia (2.310 đồng một kWh), Thái Lan (3.273 đồng một kWh)... và hầu hết các nước phát triển khác. Ngược lại, giá điện bình quân của Việt Nam lại cao hơn Lào (quốc gia có tới 70% thuỷ điện giá rẻ), một số quốc gia như Nga, Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ...
Tại hội nghị mới đây có sự tham gia của Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt khung giá điện bán lẻ bình quân làm căn cứ cho việc điều hành giá và huy động các nguồn điện, kể cả việc nhập khẩu điện từ Lào.
Trả lời việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chính sách về giá điện “cần khẩn trương làm nhưng phải phù hợp với nền kinh tế, thu nhập người dân”. “Giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển. Giá quá cao thì người dân, DN và nền kinh tế không chịu được. Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo, điều hành không giật cục, dung hòa được lạm phát và tăng trưởng, tức là vừa phải đẩy mạnh sản xuất nhưng kiểm soát được lạm phát”, Thủ tướng lưu ý.
Ngoài yêu cầu giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân, lãnh đạo Chính phủ cũng dành nhiều thời gian phân tích 4 vấn đề còn lại liên quan điện gồm nguồn, truyền tải, phân phối, sử dụng. Trong đó, ông đánh giá nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời. Thủ tướng yêu cầu, tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có truyền tải; khâu phân phối điện phải phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực. Việc sử dụng điện cần hiệu quả, tiết kiệm.
Thủ tướng cũng đề cập tới Quy hoạch điện VIII - dự thảo đang trong quá trình hoàn thiện. Ông nói bản thân rất trăn trở khi gần hai năm quy hoạch này chưa được ban hành. “Tiến độ quy hoạch rất cần nhưng chất lượng cần hơn để có lợi cho đất nước, người dân, nên không thể nóng vội”, Thủ tướng nói.
Từ vài năm nay, câu chuyện truyền tải điện là một vấn đề gây bức xúc với nhà đầu tư. Nhiều DN đã xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời, rồi để hoang hóa bỏ không, vì không có đường truyền, không thể bán điện cho ngành điện.
Câu chuyện tiết kiệm điện cũng là một vấn đề đặt ra với từng người, từng gia đình. Tôi có một người bạn ở trong một căn nhà bình thường một huyện ngoại thành TP HCM, có chừng 5-6 người sinh sống, nghe qua thì các thiết bị điện cũng giống như mọi nhà khác, nhưng luôn kêu ca rằng hàng tháng trả tới 5 triệu đồng tiền điện. Đó là một điều bất thường, vô lý. Nếu bình quân mỗi người sử dụng 1 triệu tiền điện/1 tháng thì hoặc thiết bị điện nhà này sắp nổ vì quá tải do mọi người xài điện hoang phí, hoặc chủ nhà này “nổ”.
Những phân tích trong hội nghị nêu trên của Thủ tướng, cho thấy người lãnh đạo Chính phủ có một sự sâu sát cặn kẽ với thực tế, với người dân, DN. Có những chuyện không nên “nhanh như điện” là như thế, mà trước hết cần rà soát tổng thể đến vi mô, chỉ ra nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, chứ đừng vội vàng kiến nghị thiếu thuyết phục.