Cổ phần hóa DN nhà nước vẫn “bình mới rượu cũ”?

(PLO) - Kết quả nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) công bố mới đây cho thấy  đang có nhiều rào cản khiến cho các DNNN tuy đã CPH nhưng về thực chất vẫn chưa có sự thay đổi lớn về quản trị DN do thiếu vắng các nhà đầu tư chiến lược (NĐTCL). Nhà đầu tư chiến lược chỉ  chiếm …. 7,3%.
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã rất khó khăn khi tìm người đầu tư chiến lược

Theo Trưởng ban Cải cách và phát triển DN (CIEM), ông Phạm Đức Trung, nếu như trước năm 2004, chúng ta chưa có khái niệm NĐTCL (Nghị định 64/2002/NĐ-CP  chỉ đề cập đến nội dung ưu tiên bán cổ phần cho nhà đầu tư (NĐT) có tiềm năng về công nghiệp, thị trường, vốn, quản lý) thì đến năm 2004, bằng Nghị định 187/2004/NĐ-CP, khải niệm cổ đông chiến lược đã được chính thức hóa, trong đó quy định NĐTCL mua tối đa 20% cổ phần với giá giảm 20%.

Đến năm 2007, bằng Nghị định 109/2007/NĐ-CP, NĐTCL đã bao gồm cả NĐT nước ngoài, trong đó quy định tỷ lệ cổ phần bán cho NĐTCL <= 50% số cổ phần bán ra bên ngoài, giá bán không thấp hơn giá đấu giá thành công bình quân, giới hạn quyền chuyển nhượng 3 năm.

Từ năm 2011 đến nay, bằng Nghị định 59/2011/NĐ-CP, sau đó là Nghị định 189/2011/NĐ-CP và Nghị định 116/2005/NĐ-CP, đã giới hạn quyền chuyển nhượng là 5 năm. Số lượng NĐTCL là 3; Giá bán không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất, hoặc không thấp hơn giá khởi điểm; Bỏ tỷ lệ sở hữu cho cổ đông chiến lược trong nước.

Báo cáo của CIEM cho biết, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã thực hiện CPH trên 4.500 DNNN, nhưng chất lượng chưa cao, một số mục tiêu chưa đạt được trong đó có mục tiêu bán cổ phần cho các NĐT. Các NĐTCL tham gia CPH DNNN với mức thấp hơn kỳ vọng.

Tổng hợp báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho thấy, giai đoạn 2011- 2015 đã phê duyệt phương án CPH của 508 DN (năm 2016 là 56 DN, 9 tháng năm 2017 là 34 DN), NĐTCL chỉ chiếm 15,8% vốn điều lệ được phê duyệt (năm 2016 là 31,46%, 9 tháng năm 2017  là 30,69%).

Tuy nhiên, theo Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), kết quả bán cổ phần trên thực tế chưa đạt mục tiêu giảm vốn nhà nước và thu hút vốn đầu tư tư nhân (DN thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng qua IPO năm 2015 chỉ bán được khoảng 36% tổng số lượng cổ phần chào bán). Nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn. Tỷ lệ tham gia của các NĐT bên ngoài chỉ đạt 9,5% (so với kế hoạch là 16,7%), NĐTCL là 7,3% (kế hoạch là 15,8%).

“Như vậy, kế hoạch thu hút NĐTCL đã thấp, thực tế thu hút được lại càng thấp hơn!”- ông Trung bình luận.

Phải thay cả “bình”, cả “rượu”…

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các nguyên nhân khiến CPH DNNN vẫn chưa thu hút được các NĐTCL, đặc biệt các NĐT quốc tế. Trong số các nguyên nhân có việc duy trì quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của các NĐT nước ngoài trong một số ngành nghề, lĩnh vực. Ngoài ra, việc xác định giá trị DN và giá bán cổ phần tại các DNNN chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa phản ánh đúng giá trị thực của DN cùng với việc thiếu công khai, minh bạch trong tiến trình CPH và thoái vốn cũng là nguyên nhân khiến các NĐT e ngại.

Bên cạnh đó, các DNNN cũng kém hấp dẫn với các NĐT do bộc lộ nhiều nhược điểm nội tại như đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, quản trị kém, nợ đọng cao, thiếu năng lực chuyên môn. Cùng với đó là thủ tục CPH phức tạp, kéo dài thời gian và nhiều yêu cầu khó khả thi cũng khiến nhiều NĐT quyết định không tham gia vào quá trình này.

Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, để thu hút được NĐTCL, vấn đề quan trọng nhất là cần có quy định rõ ràng và minh bạch về những tiêu chí lựa chọn NĐTCL để có thể loại bỏ những NĐT ngắn hạn hoặc không mang lại những giá trị gia tăng thực chất, phù hợp với hoạt động của DN. Cùng với đó, Nhà nước nên cân nhắc mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề mà NĐTCL nắm giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là những lĩnh vực, ngành nghề không ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền quốc gia.

Ngoài ra, việc định giá DN cần tiến hành độc lập, bởi các đơn vị có nhiều kinh nghiệm quốc tế và trong nước dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành kết hợp với thông lệ quốc tế; Giá bán cổ phần cần phải dựa trên giá trị thực của DN, thay vì chỉ dựa vào giá giao dịch trên thị trường chứng khoán, do giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán chỉ đại diện cho một số lượng cổ phần nhỏ giao dịch trên thị trường và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan và xu hướng ngắn hạn của thị trường.

Cuối cùng, để tiến hành CPH được thực sự hiệu quả, các thông tin về DN CPH cần được công khai, minh bạch để các NĐT có đủ thời gian thẩm định thông tin và đánh giá giá trị của DN trước khi tham gia đấu giá. 

“Một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu và hiệu quả của CPH nói chung và nâng cao chất lượng quản trị DN CPH nói riêng là thu hút NĐTCL vào CPH, đặc biệt là các NĐTCL quốc tế. NĐTCL không chỉ mang lại nguồn tài chính mới mà còn mang lại những GTGT cho DN như công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản trị, mạng lưới và thị trường mới, giúp DN tăng trưởng, đồng thời đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước và cho sự phát triển của ngành công nghiệp có liên quan…”- TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM nhận định.

Viện trưởng CIEM cũng lưu ý, để thúc đẩy CPH DNNN cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận vấn đề CPH DNNN. Cụ thể, cần tiếp cận CPH DNNN dưới con mắt của NĐT và theo cơ chế thị trường thay vì tiếp cận theo cách của các cơ quan quản lý nhà nước. Có như vậy, DN mới được định giá đúng, chỉ khi DN được định giá đúng thì mới hấp dẫn được NĐTCL. 

Đọc thêm