Những thương vụ đáng chú ý
Không đưa ra con số cổ phần hóa (CPH) hay thoái vốn trong 2 tháng đầu năm 2021, Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 02/2020, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai công tác để thực hiện xác định giá trị DN để CPH theo quy định.
Đáng chú ý thương vụ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ EVENGENCO2. DN này đưa ra đấu giá 580.120.840 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần với giá khởi điểm 24.520 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, số cổ phần bán được chỉ là 262.500 cổ phần (tương đương 0.045% tổng số cổ phần bán ra), trong đó Nhà đầu tư nước ngoài mua 210.500 cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được là 6,4 tỷ đồng.
Một thương vụ nữa được nhắc đến trong tháng 02/2021 là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam thoái vốn tại Công ty Cổ phần Xây lắp Bưu điện Huế với giá trị 1,5 tỷ đồng, thu về 4,6 tỷ đồng.
Lũy kế 02 tháng đầu năm 2021, thoái vốn với giá trị 241,6 tỷ đồng, thu về 2.104 tỷ đồng.
Tình hình bàn giao vốn về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng cùng chung tiến độ khi trong 2 tháng đầu năm “siêu” Tổng công ty này chỉ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu của 02 DN (của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 15,1 tỷ đồng. Được biết trong năm 2020 SCIC cũng chỉ nhận bàn giá vốn nhà nước của 8 DN, với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 8.584 tỷ đồng (trong đó có 07 đơn vị thuộc Quyết định 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)
Trong 02 tháng đầu năm 2021, số thu từ CPH, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triểnDN là 86 tỷ đồng (trong tổng số 40.000 tỷ đồng dự kiến thu về Quỹ trong năm 2021)…
Dừng đấu giá vì Nghị định không quy định chuyển tiếp
Phiên đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phiếu SHG, tương đương 49% vốn điều lệ của Tổng công ty Sông Hồng do Bộ Xây dựng sở hữu dự kiến tổ chức vào ngày 25/12/2020 đã phải dừng do Nghị định 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với trường hợp các đơn vị đã phê duyệt phương án thoái vốn trước ngày 30/11/2020 (ngày Nghị định 140/2020/NĐ-CP có hiệu lực).
Tổng công ty Sông Hồng là DN có tên trong danh mục phải thoái vốn nhà nước trước ngày 30/11/2020, theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ. Nếu quá hạn mà thoái vốn không thành công, tổng công ty sẽ được chuyển giao về SCIC trước ngày 31/12/2020.
Đây cũng không phải trường hợp duy nhất nhỡ kế hoạch khi nhiều DN phải chạy nước rút hoàn thành kế hoạch thoái vốn trong năm 2020.
Theo lãnh đạo Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, để đẩy nhanh tiến độ CPH, về cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP ngày 09/10/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN và Nghị định 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 08/ 3/ 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP. Hiện Cục Tài chính DN đang gửi lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị về các Thông tư hướng dẫn Nghị định 140/2020/NĐ-CP của Bộ Tài chính;
Đại diện, Cục Tài chính DN cũng thừa nhận, từ khi Nghị định 140/2020/NĐ-CP được ban hành, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc.
“Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Tài chính DN đã có Công văn gửi Sở GDCK Hồ Chí Minh và Sở GDCK Hà Nội. Đồng thời, Cục TCDN cũng đã báo cáo Bộ có Công văn 1475/BTC-TCDN ngày 08/2/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Nghị định 140/2020/NĐ-CP theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ…”- Lãnh đạo Cục Tài chính DN cho hay.
Song song với xử lý vướng mắc, Lãnh đạo Cục Tài chính DN cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 161/NQ-CP ngày 29/10/2020 về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện.
“Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước nghiêm túc thực hiện các giải pháp Chính phủ đề ra…”- Đại diện Cục Tài chính DN lưu ý.
89 DN chưa hoàn thành kế hoạch CPH giai đoạn 2016 – 2020
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, kết thúc giai đọan 2016 – 2020 vẫn còn 89 DN chưa hoàn thành kế hoạch CPH theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, công văn 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến các DN này sẽ tiếp tục triển khai CPH theo kế hoạch, trong đó: trong đó những đơn vị còn nhiều DN phải CPH như: TP Hà Nội CPH 13 DN (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP Hồ Chí Minh CPH 38 DN (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN CPH 06 DN (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty), Bộ Xây dựng CPH 02 Tổng công ty.
759 DN CPH nhưng chưa niêm yết/ đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán
Ngày 08/5/2020 Bộ Tài chính đã có Công văn 5541/BTC-UBCK báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán của DN nhà nước CPH và của các ngân hàng thương mại cổ phần, theo đó có 759 DNNN CPH chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch. Bộ Tài chính (UBCKNN) sẽ rà soát và công bố công khai danh sách này trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.