Phản ứng trước diễn biến giá xăng dầu trong nước và thế giới đều tăng và có xu hướng tăng tiếp, thị trường chứng khoán lĩnh vực dầu khí đang hoạt động sôi nổi. Đa số các cổ phiếu của ngành dầu khí đều tăng, có mã tăng hơn 20% chỉ trong một tuần nay.
Theo Công ty CP Chứng khoán VNDirect, giá dầu có thể neo ở mức cao do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Dự kiến, dầu Brent đạt đỉnh ở vùng giá quanh 105-110 USD/thùng sau đó sẽ dần “hạ nhiệt” và ổn định quanh mức 90 USD/thùng trong một vài tháng tới nhờ nguồn cung bổ sung tiềm năng đến từ Mỹ, Iran và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước sẽ không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà triển vọng dài hạn cũng sẽ được củng cố hơn khi giá dầu cao sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), mặt bằng giá dầu duy trì ở mức cao sẽ tác động khả quan lên nhóm ngành dầu khí. Cụ thể, theo BSC, hiện nay Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới với tổng sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày. Sự gián đoạn trong các chuyến dầu từ Nga tới đường ống ở châu Âu sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Từ tác động trên, với nhóm doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn, BSC kỳ vọng các dự án thăm dò, khai thác sẽ sôi động trở lại nhờ nhu cầu khai thác tăng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi như Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán PVS) và Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã chứng khoán PVD) dự kiến có được các hợp đồng mới với giá trị cao hơn. Từ đó các mã cổ phiếu này đều tăng giá.
Với nhóm trung nguồn, nhu cầu vận tải dầu năm 2022 dự kiến gia tăng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu từ các dự án Dung Quất, Nghi Sơn hồi phục. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho chứa. Do đó, các mã chứng khoán PVT của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí và GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam là những mã được hưởng lợi.
Ở nhóm hạ nguồn, BSC khuyến nghị khả quan với cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam nhờ kỳ vọng sản lượng xăng dầu phục hồi cùng giá bán tăng. Bên cạnh đó, mã BSR của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng sẽ được hưởng lợi nhờ chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô nguyên liệu tăng, giúp cải thiện lợi nhuận.
Ngoài ra, các cổ phiếu khác của ngành dầu khí như DCM của Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau, DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí cũng đuợc hưởng lợi.
Theo khảo sát của PLVN, ngày 1/3, cổ phiếu PVS đang có giá 35.000 đồng/CP, trong khi giữa tuần trước giá chỉ tầm 28.000 đồng/CP. Tương tự, cổ phiếu PVD 34.9000 đồng/cổ phiếu (trước đó 29.000 đồng/CP. Còn cổ phiếu DPM lên 57.000 đồng/CP (tăng 20.000 đồng/CP so với tuần trước). DCM lên gần 38.000 đồng/CP (trước đó chỉ khoảng 26.000 đồng/CP). Các nhà đầu tư cổ phiếu dầu khí có thể lãi gần 20% chỉ trong một tuần. Đặc biệt, cổ phiếu GAS thời gian qua tăng mạnh, hiện ở mức khoảng 118.000 đồng/CP, trong khi khoảng 2 tháng trước đó, giá mỗi cổ phiếu của GAS chỉ duy trì quanh mức 108.000 nghìn đồng.