Cơ quan công an bắt đầu điều tra những vi phạm trong trông giữ xe

Hà Nội hiện có hàng nghìn điểm trông giữ ô tô, xe máy, trong đó khoảng 30% là hoạt động tự phát. Điều đáng nói, dù hoạt động có phép hay không phép thì hầu hết các điểm trông giữ xe đều thu giá vé cao hơn quy định từ 30-500%. Trước bức xúc của dư luận, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phải vào cuộc.

Hà Nội hiện có hàng nghìn điểm trông giữ ô tô, xe máy, trong đó khoảng 30% là hoạt động tự phát. Điều đáng nói, dù hoạt động có phép hay không phép thì hầu hết các điểm trông giữ xe đều thu giá vé cao hơn quy định từ 30-500%. Trước bức xúc của dư luận, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phải vào cuộc.

Có phép hay không phép đều sai phạm

Ngày 14/5/2011, Đội Giao thông bưu điện - Phòng CSĐT Tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an Hà Nội kiểm tra điểm trông giữ xe máy tại 73 Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm), lập biên bản vi phạm với Chu Anh Tuấn vì có hành vi trông giữ xe máy trái phép, thu tiền mức giá 10.000 đồng/xe. Cũng trong ngày 13 và 14/5, đơn vị này còn lập biên bản xử lý đối với các điểm trông giữ xe máy tại 39A Thái Phiên (quận Hai Bà Trưng) và số 1,3,5,7 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm) với lỗi vi phạm là trông giữ xe trái phép và thu tiền cao hơn mức quy định (10.000 đồng/xe). 

Ảnh minh họa

Không chỉ các điểm trông giữ xe trái phép mới thu tiền giá cao mà ngay cả các điểm có phép cũng rất lộn xộn trong việc in ấn vé cũng như giá thu phí trông xe. Như điểm trông giữ xe của Hợp tác xã Láng Hạ (95 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa-Hà Nội) cũng thu mức 30.000 đồng/ ô tô và 5.00 đồng/xe máy.

Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, khu vực xung quanh Vincom Tower thuộc địa bàn phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) và các chợ, đền, chùa, di tích lịch sử, các điểm vui chơi giải trí và bệnh viện, các bãi gửi xe tự phát mọc khắp nơi và “chặt chém” khách hàng. Tại bãi gửi xe tự phát ở số nhà 28 Thái Phiên, một lần gửi xe máy nhân viên thu 10.000 đồng, còn giá trông giữ ôtô là 30.000 đồng/xe.

Điều đáng nói là bãi trông xe này cách UBND quận Hai Bà Trưng chỉ vài trăm mét. Ngay khu vực đầu phố Bảo Khánh đoạn giáp với phố Lê Thái Tổ (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) cũng mọc lên một điểm trông giữ xe ôtô tự phát của một số người dân. Tại đây, mặc dù có biển cấm đỗ nhưng ôtô vẫn “thản nhiên” đỗ thành 2 hàng, gây cản trở cho người tham gia giao thông. Bên cạnh việc chiếm dụng lòng đường và tự ý thu phí 30.000 đồng/xe ôtô, bãi trông xe này còn chiếm cả vỉa hè làm nơi trông xe máy.

Sự vào cuộc của Cơ quan điều tra

Trước bức xúc của dư luận, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra, 14 đơn vị, cá nhân trông giữ xe ô tô, xe máy không phép, không kê khai nộp thuế...chuyển cơ quan thuế truy thu thuế và phạt 7 doanh nghiệp, cá nhân vi phạm 171 triệu đồng. Hiện đang củng cố hồ sơ xử lý 7 vụ với 7 đối tượng. Cơ quan này cũng phối hợp với Sở Tài chính, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức kiểm tra, xử lý 48 cá nhân, tổ chức vi phạm, xử phạt 254 triệu đồng…

Theo nhận định của Công an Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác quản lý nhà nước trong hoạt động trông giữ xe còn lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mức; thiếu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản mà thường khoán cho một số cá nhân tự thực hiện; mức xử lý vi phạm còn thấp, chưa đủ xức răn đe. Trung tá Lưu Văn Trượng, Đội trưởng Đội giao thông bưu cho biết: Tại những điềm trông giữ xe do các doanh nghiệp được giao bằng hình thức khoán thu, đấu thầu, vi phạm thường xảy ra và liên tục.

Quy định của UBND TP. Hà Nội nêu rõ: UBND quận, huyện được giao quản lý hoạt động trông giữ xe trên địa bàn. Khi thực hiện trông giữ xe, các đơn vị, cá nhân phải thực hiện đúng các yêu cầu về: niêm yết công khai giá trông giữ theo quy định tại Quyết định 25/2009/QĐ-UBND ngày 9/1/2009, sử dụng đúng biên lai thu phí, hoá đơn GTGT hoặc vé in sẵn theo quy định của Bộ Tài chính.  Quy định là vậy nhưng thực tế hầu như đơn vị nào cũng tìm cách “lách luật” hoặc ngang nhiên vi phạm.

Một cán bộ điều tra thành thật: Dù cơ quan điều tra có nỗ lực như thế nào thì cũng khó thu được kết quả cao; trật tự quản lý trong lĩnh vực trông giữ ô tô, xe máy cũng khó đi vào nề nếp nếu chính quyền cơ sở không nâng cao trách nhiệm, thiếu kiểm tra thường xuyên.

Theo xác minh của Công an Hà Nội, chỉ tính riêng tại 10 quận nội thành đã có 1.055 điểm trông giữ ô tô, xe máy, xe đạp thường xuyên hoạt động. Trong đó có 746 điểm có phép và 309 điểm tự phát, không có phép. Kết quả xác minh bước đầu cho thấy hầu hết các điểm trông giữ ô tô, xe máy, xe đạp đều có các vi phạm. Bãi gửi xe tự phát trên phố Đoàn Trần Nghiệp ngoài thu giá vé quá cao (10.000đ/xe máy), còn lấn hết vỉa hè của người đi bộ.

Việt Nga

Đọc thêm