Đây là một trong nhiều nội dung mới của Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử (GDĐT) trong hoạt động tài chính được Chính phủ ban hành hôm 24/12/2018 (Nghị định 165). Nghị định này thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về GDĐT trong hoạt động tài chính và Nghị định 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về GDĐT trong hoạt động tài chính từ ngày 10/2/2019, ngày Nghị định 165 có hiệu lực.
Theo đại diện Bộ Tài chính, Nghị định 165 ra đời nhằm khẳng định và cụ thể hóa giá trị pháp lý của GDĐT và chứng từ điện tử (CTĐT) trong hoạt động tài chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai GDĐT trong hoạt động tài chính, góp phần thực hiện các mục tiêu của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; làm nền tảng triển khai Chính phủ điện tử trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; giảm gánh nặng chi phí đối với DN (DN), nhất là DN nhỏ và vừa; cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.
Nghị định 165 giải quyết các vấn đề bất cập mà các Nghị định trước đó không quy định hoặc quy định không rõ như: Quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn các nội dung liên quan đến CTĐT nhằm khẳng định giá trị pháp lý và đảm bảo khả năng ứng dụng của CTĐT. Quy định các tình huống chấp nhận CTĐT là bản gốc phù hợp thực tiễn hiện nay của GDĐT.
Nghị định 165 đề cập trực tiếp đến việc sử dụng chữ ký số và các biện pháp kỹ thuật cụ thể tương đương chữ ký điện tử, tạo căn cứ pháp lý vững chắc, thuận lợi cho việc mở rộng triển khai GDĐT; đồng thời vẫn có quy định mở để đáp ứng các công nghệ mới trong tương lai.
Bên cạnh đó, Nghị định 165 cũng giải quyết vấn đề sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức (bao gồm cả ký số tự động) thay cho chỉ đề cập chữ ký số, chữ ký điện tử của cá nhân. Quy định này nhằm giải phóng phương thức áp dụng GDĐT, không bắt buộc phải mô phỏng hình thức chữ ký, con dấu như trong giao dịch giấy tờ truyền thống, khai thác tối đa tính hiệu quả của GDĐT.
Nghị định cũng quy định đầy đủ, cụ thể và phù hợp với thực tế (bao gồm điều chỉnh các quy định hiện hành và bổ sung quy định mới) về các vấn đề liên quan đến CTĐT: chuyển chứng từ giấy sang CTĐT và ngược lại; sửa đổi CTĐT; lưu trữ CTĐT; hủy hiệc lực và tiêu hủy CTĐT; niêm phong CTĐT. Đồng thời xóa bỏ các quy định không có tính thực tế như tạm giữ, tịch thu CTĐT.
Nghị định quy định rõ các cách thức xác minh thông tin về GDĐT trong hoạt động tài chính bằng phương thức điện tử; đồng thời quy định cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chỉ được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất trình chứng từ giấy được chuyển đổi từ CTĐT trong trường hợp không thực hiện được việc xác minh thông tin theo phương thức điện tử. Quy định này nhằm giải quyết bất cập hiện nay về sự thiếu đồng bộ trong việc triển khai, áp dụng GDĐT thiếu giữa các cơ quan nhà nước, gây phiền hà cho người dân, DN.
Nghị định 165 quy định về hệ thống thông tin; quy định về bảo đảm an toàn GDĐT trong hoạt động tài chính trên cơ sở các quy định hiện hành về an toàn thông tin mạng; Quy định về dịch vụ trung gian phục vụ GDĐT trong hoạt động tài chính căn cứ quy định về “Người trung gian” trong Luật GDĐT và các dịch vụ liên quan thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2014 (thay thế quy định về dịch vụ giá trị gia tăng về GDĐT trong hoạt động tài chính trong Nghị định 27).
Nghị định cũng quy định về trách nhiệm của tất cả các bên liên quan tới GDĐT trong hoạt động tài chính, trong đó bao gồm trách nhiệm công nhận và sử dụng CTĐT theo giá trị pháp lý của CTĐT.
Ngoài ra, để đảm bảo không làm ngắt quãng các GDĐT đã được triển khai, Nghị định 165 quy định một số nội dung chuyển tiếp liên quan đến dịch vụ người trung gian và việc sử dụng chữ ký số của các cơ quan sử dụng ngân sách để giao dịch với cơ quan tài chính.