Cơ sở gây ô nhiễm tại Hà Nội “đi cũng dở, ở chả xong”

(PLO) - Mặc dù ủng hộ chủ trương của Hà Nội nhưng do chính sách chưa đồng nhất nên các cơ sở nằm trong diện phải di dời ra địa điểm khác vẫn chần chừ, rơi vào tình trạng “đi cũng dở, ở chả xong”.
Cty Cổ phần Cao su Sao Vàng quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ di dời
Ngại di chuyển vì hạn chế nguồn lực
Tại quận Thanh Xuân có 20 cơ sở thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm môi trường và nằm trong quy hoạch đô thị nhưng nhiều cơ sở đến nay vẫn chưa di dời. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái, công tác này gặp nhiều khó khăn về kinh phí, mặt bằng, dù một số doanh nghiệp (doanh nghiệp) đã chủ động lập kế hoạch, trong đó xác định rõ tiến độ di dời.
Khảo sát thực địa của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố tại Cty CP Cao su Sao Vàng (quận Thanh Xuân) cho thấy, Cty đã chủ động lập kế hoạch di dời nhưng mới chỉ xong báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đại diện Cty, việc di dời đòi hỏi kinh phí lớn, mặt bằng rộng,… nên tiến độ còn chậm. 
Đánh giá nguyên nhân các doanh nghiệp chậm di dời, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định là do cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn bất cập, chưa khuyến khích được doanh nghiệp tự nguyện, tích cực chuyển đổi ngành nghề. 
Cùng với đó, vì đến nơi mới phải đầu tư dây chuyền sản xuất mới, công nghệ tiên tiến... nhưng năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong đầu tư thay đổi công nghệ sạch; nguồn lực nhà nước cũng còn hạn chế trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại nơi di chuyển đến… nên một số doanh nghiệp còn có tâm lý ngại di chuyển.
Ngoài ra, một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường do là đơn vị nhà nước đã cổ phần hóa nên rất khó để có kinh phí di dời, chưa kể số lượng người lao động lớn, nếu di chuyển sẽ dẫn đến xáo trộn trong sản xuất hoặc đời sống của công nhân. Thậm chí, nhiều người có thể phải nghỉ làm vì điều kiện ở xa nơi làm việc. Chính sách hỗ trợ lao động dôi dư, ngừng việc như thế nào khi di dời cũng chưa có hướng dẫn cụ thể… Từ đó dẫn đến tâm lý ngại và tiến độ thực hiện di dời không thể đảm bảo.
Nhà nước chưa có “xúc tác” nhiều
Ban Kinh tế - Ngân sách nhận định, sau nhiều năm thực hiện, kết quả chỉ có 10% cơ sở hoàn thành di dời là quá chậm. Cùng với đó, điều đáng nói là phần lớn do các doanh nghiệp chủ động chứ chưa có xúc tác nhiều từ phía Nhà nước. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, có văn bản yêu cầu báo cáo về cơ sở ô nhiễm phải di dời trước 31/7 nhưng đến nay mới có 15/30 quận, huyện, thị xã gửi báo cáo về Sở.
Theo Sở, lộ trình tiếp theo cần làm là phải tập trung di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch trong khu vực nội đô, nhất là 4 quận nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); tiến hành đánh giá đầy đủ về mức độ ô nhiễm của các cơ sở sản xuất làm căn cứ pháp lý để thực hiện các biện pháp di dời…; đồng thời cần tiếp tục kiểm tra, đề ra tiến độ cụ thể và kiên quyết xử lý các cơ sở không thực hiện kế hoạch di dời; đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư và hoàn thiện hạ tầng đồng bộ các khu, cụm công nghiệp phân khu trên địa bàn để tạo mặt bằng phục vụ đơn vị di dời…
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cũng đề nghị các sở, ngành chức năng của thành phố cần xây dựng cơ chế phối hợp tốt hơn, phân rõ vai trò từng ngành, từng cấp để nâng cao trách nhiệm của mình; hướng dẫn các quận, huyện lập danh mục đúng, trúng với các quy định để đảm bảo khả thi khi thực hiện; tổng hợp những vướng mắc về chính sách tham mưu cho UBND thành phố sớm kiến nghị lên Trung ương để kịp thời tháo gỡ, triển khai di dời thuận lợi. 
Qua khảo sát có thể thấy việc phân công trách nhiệm trong công tác di dời những năm qua vẫn chưa thống nhất đầu mối, mỗi thời điểm lại do một sở chuyên ngành chịu trách nhiệm dẫn đến sự ngắt quãng. Về phía doanh nghiệp, sự thay đổi lãnh đạo cũng là nguyên nhân khiến chủ trương di dời không thống nhất. Bản thân các sở cũng “nhận lỗi” khi tham mưu chậm và hy vọng những “sự quyết liệt mới” sẽ khả quan, rạch ròi, có kết quả khả quan trong thời gian tới.
Báo cáo từ  Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, từ năm 2003 có 422 cơ sở công nghiệp thuộc 17 ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch. Nhưng đến nay, mới có 41 cơ sở di chuyển, đạt khoảng 10%. Tuy nhiên, đây mới là con số “trên báo cáo”, trong đó có cả những doanh nghiệp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

Đọc thêm