Sẵn sàng đối phó với virut H7N9
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã theo dõi sát sao tình hình của dịch cúm gia cầm và có nhiều biện pháp để ngăn chặn, đối phó sự lây lan. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch, Việt Nam thấy cần có kế hoạch đồng bộ, có giải pháp hiệu quả hơn và đảm bảo phối hợp triển khai quyết liệt để đảm bảo hạn chế tối đa sự lây lan của virut H7N9 vào Việt Nam và cũng không loại trừ tình huống phải đối phó khi virut H7N9 lây lan vào Việt Nam.
Sự khác biệt với H5N1 là virut H7N9 tồn tại trên gia cầm, chim hoang dã và môi trường nhưng không có triệu chứng lâm sàng trên gia cầm nên khó phát hiện. Tuy nhiên, có virut cúm là có người nhiễm và tử vong và nguy cơ virut xâm nhập là “từng ngày, từng giờ” nên Bộ trưởng khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để đảm bảo ngăn chặn không cho virut lây lan và đối phó hiệu quả khi virut lây lan vào Việt Nam”.
Hiện, ở Trung Quốc, virut H7N9 đã lây sang và gây bệnh cho người với tỷ lệ chết cao. Virut H7N9 được phát hiện đầu tiên từ tháng 3/2013 và hiện nay Bộ Y tế Trung Quốc đã ghi nhận 330 ca nhiễm virut, trong đó có hơn 70 ca đã tử vong tại Đại lục, Hồng Kông, Đài Loan. Vi rút này được ghi nhận có ở người và gia cầm tại tỉnh Quảng Tây – giáp 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Tuy ở Việt Nam chưa phát hiện trường hợp bị nhiễm virut H7N9 nhưng trong điều kiện nhiều gà thải loại được vận chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam Trung Quốc có phát hiện loại virut này nên nguy cơ virut H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là rất cao, thông qua gia cầm và các sản phẩm gia cầm được nhập khẩu, nhập lậu, Bộ NN&PTNT dự kiến có Chỉ thị “tạm dừng nhập khẩu các loại gia cầm sống và các sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý bằng nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam".
Giám sát tốt để ngăn chặn lây lan
Dự thảo Kế hoạch ứng phó với dịch cúm gia cầm và các chủng virut cúm gia cầm lây lan vào Việt Nam đang được hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành, dự kiến tuần sau sẽ triển khai ở các địa phương với mục tiêu cuối cùng không có virut H7N9 và những loại virut nguy hiểm khác ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các Bộ phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn sự xâm nhập của virut H7N9 thông qua việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới bằng biện pháp “cấm tuyệt đối việc buôn bán, vận chuyện mọi gia cầm dưới mọi hình thức qua biên giới, nhất là từ phía Trung Quốc”.
Virut H7N9 có thể lấy lan theo nhiều đường như phương tiện, chim di trú nên cần làm tốt công tác giám sát. Hiện Bộ đã cử 18 cán bộ (9 đoàn) về 9 tỉnh biên giới để lấy mẫu tại 60 địa điểm/2 lần/tuần để phân tích, kiểm tra có virut H7N9 ở Việt Nam không cùng nhiều biện pháp khác. Bên cạnh đó, cần cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân để cộng đồng chủ động đối phó.
Ở một số địa phương xuất hiện ổ cúm H5N1, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến cáo người dân thực hiện đúng những qui định về phòng chống dịch, đặc biệt lưu ý thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng để đề phòng sự lây lan của virut và lây nhiễm sang người, các cơ quan chuyên môn cần nghiêm túc giám sát để người tiêu dùng yên tâm sử dụng các sản phẩm gia cầm…