Cơn mưa oan nghiệt
Chị Phạm Thị Hẹn (SN 1975, ngụ Tứ Xuân, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) là nạn nhân trong một vụ đánh ghen hội đồng cách đây 3 năm, thương tổn 12% sức khỏe. Nhưng chị khẳng định mình “không phải kẻ cướp chồng người khác”.
Thời điểm xảy ra vụ việc, chị đã ly hôn chồng cũ, một mình nuôi hai con. Anh Vũ Đình Thái (SN 1969, ngụ thôn Trung An, xã Ea Týh cùng huyện) cũng đã ly hôn vợ và nhận nuôi hai con.
Thời điểm đó hai người chỉ là bạn hàng bình thường. Ngày 25/7/2010, Anh Thái cùng chị Hẹn đi gom hàng. Chiều tối, trời đổ mưa to, hai người ướt hết nên anh Thái đề nghị chị nghỉ tạm nhà anh chờ tạnh mưa rồi ra về.
Đó cũng là lần đầu tiên chị vào nhà Thái. Phòng khách cho người ta mượn để vật liệu xây dựng nên không có bàn ghế, chủ nhà dẫn khách vào buồng trong ngồi tạm.
Một lát sau, từ phía cửa sau một nhóm chừng bảy người ập vào. Ở cửa trước cũng kéo vào chừng ấy người nữa. Họ bất ngờ xông đến tát vào mặt chị, đấm vào ngực, túm tóc, kéo ra ngoài. Anh Thái cũng bị xô ngã, sau đó đánh đấm túi bụi.
Những đối tượng hung hăng vừa lôi chị Hẹn ra ngoài vừa hô: “Lột quần áo nó ra, đánh chết nó đi”. Sau đó bốn người cả đàn ông, cả đàn bà kéo chị ra ngõ, nhấn mặt xuống vũng nước mưa đọng ở trước ngõ nhiều lần, miệng không ngừng chửi bới.
Cuộc đánh ghen kinh hoàng lột truồng, kéo lê nạn nhân suốt 2km
Cả nhóm kéo chị ra ngã ba ở Km68 đường đi từ Buôn Ma Thuật về Nha Trang, khoảng 15 người vây lấy nạn nhân, vật ngã hết nằm sấp rồi nằm ngửa giữa đường, có người leo lên giẫm vào mặt.
Nạn nhân bị đánh choáng váng không còn sức chống cự, chỉ còn nghe thấy tiếng hô hoán, đòi lột truồng, đòi đánh chết. Người dân hai bên đường chạy ùa ra xem nhưng chỉ dám đứng nhìn, không dám lại gần can thiệp vì đám người quá đông. Sau đó cả nhóm lại lôi kéo nạn nhân đi lê lết trên đường đưa lên trụ sở ủy ban xã.
Nhúm tóc bị giật tung của nạn nhân trong vụ đánh ghen kinh hoàng |
“Lúc đầu tôi còn có sức để bám vào họ mà đi, nhưng sau bị đánh đau quá nên chết ngất mấy lần. Đám người đó lôi tôi xềnh xệch chẳng khác gì lôi một con lợn trần truồng. Tôi lả người đi, xước hết chân tay, nghĩ thà chết quách cho xong”, chị Hẹn nhớ lại.
Nạn nhân phải nằm viện gần một tháng, anh Thái bị đánh cũng phải nhập viện. Trong thời gian cùng nằm điều trị, anh này thấy có lỗi nên đã đi lại chăm sóc chị Hẹn, thời gian gần gũi đã nảy sinh tình cảm.
Anh Thái thương chị vì anh mà mất hết danh dự và đề nghị cùng về với anh xây dựng tổ ấm. Hiện hai người đã chung sống, cùng nhau làm ăn nuôi dạy bốn đứa con. Chị Hẹn nói rất may được anh Thái thông cảm nên giúp chị vượt qua tủi nhục ê chề sau lần bị đánh ghen tơi bời.
Chị Hẹn tâm sự, khi gửi đơn tố cáo vợ cũ của Thái, chị đã hỏi ý kiến các con riêng của chồng. Các cháu trả lời: “Mẹ sinh bọn con ra nhưng đi biền biệt đến bây giờ cũng không ngó ngàng tới chúng con. Mẹ con sai thì phải chịu trách nhiệm, để pháp luật xử lý, chúng con không trách cô đâu”. Vì thế, sau 3 năm xảy ra sự việc, chị lại tiếp tục làm đơn thư tố cáo, đòi lại danh dự của mình.
Sự chậm trễ bất thường của cơ quan tố tụng
Trở lại với vụ việc, khi vừa xảy ra, chị Hẹn đã làm đơn tố cáo lên công an huyện. Mãi tám tháng sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar mới ra quyết định khởi tố hình sự đối với một đối tượng là Nguyễn Thị Lan (vợ cũ anh Thái) về tội “cố ý gây thương tích”, 3 tháng sau lại khởi tố bổ sung về tội “làm nhục người khác”.
Nạn nhân cho rằng đây là sự chậm trễ không bình thường, vì gần cả năm trời sau khi phạm tội đối tượng Lan mới bị khởi tố bắt giam nên đã có điều kiện bỏ trốn. Khi đối tượng đã xuất cảnh sang nước ngoài lao động tới 3 năm, cơ quan cảnh sát điều tra mới có lệnh truy nã đối với Lan.
Lúc đối tượng Lan về nước, nhưng cơ quan ra lệnh truy nã đã có bản kết luận điều tra trả lời: “Bị can Lan phạm tội ít nghiêm trọng, đã ra đầu thú nên cho tại ngoại”.
Chị Hẹn cho biết thêm: Trong 3 năm liền cơ quan điều tra không hề khởi tố, bắt giam hay xử phạt hành chính đối với những người đồng phạm của Lan. Mặc dù nạn nhân đã cung cấp tên tuổi những người này cho công an, nhưng họ cũng không được triệu tập để điều tra.
Đặc biệt, chị Hẹn phản đối một nội dung trong bản kết luận điều tra nêu: “Khi đến nhà, Lan phát hiện ra ông Thái với bà Hẹn đang ở trên giường. Lúc này do ghen tuông nên Lan đã xông vào cầm tay túm tóc, lôi kéo bà Hẹn ra khỏi nhà trong tình trạng bà Hẹn không mặc áo”.
Nạn nhân khẳng định viết như vậy là sai sự thật. Không có chuyện “trai trên gái dưới”, chị vẫn còn mặc quần áo, tang chứng là chiếc áo đang mặc bị xé toang công an vẫn còn giữ.
Người phụ nữ còn đưa ra lý lẽ: Khi chị ở cùng anh Thái, cả hai người đều đã ly hôn. Vợ cũ anh Thái cũng thuận tình ở tòa, không kháng án thì không có “quyền” đánh ghen với chị nữa. Đối tượng Lan đã tổ chức người đi đánh ghen với hành vi có tính chất côn đồ mà cơ quan điều tra nêu là “chị Lan vào đánh ghen khi nhìn thấy hai người đang ở trên giường”.
Nạn nhân cho rằng viết như vậy là bao che cho đối tượng và đồng phạm, và thêm một lần nữa hạ thấp danh dự của mình.
Nạn nhân đã viết đơn kêu oan đi khắp nơi với mong muốn sự việc xảy ra được sáng tỏ, xử lý đúng người đúng tội, giúp chị lấy lại danh dự và có tác dụng răn đe với những kẻ ngông cuồng coi thường pháp luật, sức khỏe và nhân phẩm người khác.