Vùng đất nhiều người phát điên, khỏa thân đi khắp làng

(PLO) - Ở ngôi làng này, chuyện người điên vừa chạy vừa la hét khắp đầu làng cuối xóm là chuyện thường ngày, thậm chí còn xé hết quần áo trên người, khỏa thân đi ngoài đường. Một nhà có khi đến 3 – 4 người điên, trung bình mỗi xóm khoảng 10 người, cả xã hơn 100 trường hợp thần kinh; nhiều trường hợp khác có biểu hiện mắc bệnh, đang được theo dõi.  
Bí ẩn nào đang tồn tại trong những mái này khiến hàng loạt người phát điên?
Bí ẩn nào đang tồn tại trong những mái này khiến hàng loạt người phát điên?
Khỏa thân la hét là "chuyện thường ngày ở xã"
Đức Đồng là một trong những xã miền núi nghèo nhất huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Không chỉ “nổi tiếng” nghèo đói, Đức Đồng còn được biết đến là xã có số người bị điên và tàn tật nhiều nhất tỉnh. Nhiều thế hệ trong các hộ gia đình ở xã đều có người bị tâm thần, thậm chí nhiều người đang khỏe mạnh cũng bỗng dưng hóa điên. Không ít gia đình đang sống yên ấm hạnh phúc đã trở nên bi đát khi người thân mắc chứng bệnh thần kinh.
Làng nào trong xã cũng có người bị điên, tàn tật, trung bình mỗi xóm có gần 10 trường hợp. Hầu hết họ đều phải sống trong những căn buồng tối tăm, ẩm thấp, nhiều người bị gia đình xích nhốt hàng chục năm trời để tránh ảnh hưởng đến làng xóm. 
Một người dân cho biết: “Ở đây cảnh tượng người điên vừa chạy vừa la hét khắp đầu làng cuối xóm là chuyện thường ngày. Thậm chí những người tâm thần còn xé hết quần áo trên người rồi khỏa thân đi khắp làng. Người nơi khác về thấy điều này đều rất bất ngờ và sợ hãi, còn chúng tôi không còn thấy lạ lẫm nữa”.
Thôn Phúc Hòa có anh Hoàng Văn Thành, một người điên “gắn bó” với sợi xích sắt từ hơn 20 năm nay. Người bố buồn rầu kể, anh Thành sinh năm 1978, khi sinh ra rất khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm 16 tuổi, anh có nhiều biểu hiện không bình thường. 
Lúc đầu gia đình không nghĩ con trai bị “ma làm” nên cứ để ở nhà chăm sóc theo dõi một thời gian. Tuy nhiên, sau buổi tối anh này “nổi hứng” châm lửa đốt nhà người hàng xóm khiến cả làng hoảng hốt đi dập lửa, gia đình đã đưa anh đi khám, phát hiện bị bệnh tâm thần. 
Anh Thành cứ lúc tỉnh lúc mê, chạy chỗ này chỗ khác nên gia đình phải nhốt trong buồng. Sau này anh ít phá phách hơn nên người thân cho lên giường buộc xích lại. Ai đến nhà cũng không khỏi thở dài đau xót khi nhìn người đàn ông không chịu mặc quần áo, khuôn mặt ngây ngô, cứ ngồi nhe những chiếc răng đen sì cười cả ngày, đôi chân bị sợi xích buộc chặt, bên cạnh là những người thân khuôn mặt mệt mỏi, buồn phiền. 
Nửa số người trong nhà bị bệnh
Hoàn cảnh thương tâm nhất là gia đình ông Nguyễn Quốc Anh (SN 1936, ngụ thôn Phúc Hòa), sinh được bảy người con thì có ba người bị tâm thần cả trai cả gái. Vợ chồng ông Anh cũng không hiểu vì sao có đến một nửa số con của mình bị bệnh, số còn lại hoàn toàn bình thường. 
Gia đình đáng thương của ông Anh
Gia đình đáng thương của ông Anh 
Bao nhiêu năm phải chứng kiến những đứa con ngây dại lúc nào cũng ngồi cười nói một mình, vợ chồng ông rất xót xa. Mấy người con bị tâm thần thường chỉ ru rú trong nhà, thỉnh thoảng lại trốn đi lang thang khắp nơi. Ông bà Anh đã phải lao động vất vả cả đời để nuôi và trông nom các con bệnh tật.
Hiện nay hai ông bà đều mắc bệnh ung thư đang nằm chờ chết, ông bị ung thư phổi, bà bị ung thư gan. Trong nhà bốn người đau ốm nằm trên bốn chiếc giường, nhìn rất cám cảnh. 
Trong số những người con bị điên, anh con trai đầu SN 1958 cả ngày quanh quẩn ở nhà không làm được gì, may thay được một người phụ nữ bình thường yêu thương và kết duyên hơn 24 năm nay nhưng không có con cái. Vợ chồng anh này dựng tạm một ngôi nhà nhỏ bên cạnh nhà bố mẹ sinh sống. Cả mấy người con điên sức khỏe đều rất yếu chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều nhờ người thân chăm sóc. Những người con khác đều làm nông nghiệp, cuộc sống bản thân đã rất chật vật còn phải chăm lo cho bố mẹ và các anh chị em bệnh tật.
Thấy gia đình ông Anh hết người này đến người khác đổ bệnh, nhiều người mê tín ngấm ngầm cho rằng nhà họ mạo phạm phải đồ đạc hay đất của chùa chiền, giờ bị trừng phạt. Tuy nhiên, những người khác chỉ đoán do ngày xưa ông Anh từng đi bộ đội, chắc bị nhiễm chất độc màu da cam nên sinh con ra mới bị dị tật như vậy.
Nhưng thắc mắc vẫn chưa được giải thích thỏa đáng vì rất nhiều hộ gia đình khác trong làng có người bị điên không rõ lý do. Như trường hợp em Nguyễn Duy Niên (SN 1993, thôn Phúc Hòa), từ khi sinh ra đến lúc học cấp hai đều bình thường khỏe mạnh. Niên học rất giỏi, từng đạt danh hiệu học sinh giỏi môn vật lý của tỉnh, là niềm tự hào của cha mẹ và anh em họ hàng. Nhưng lên cấp ba bỗng có nhiều biểu hiện kì lạ, suốt ngày ngồi thẫn thờ không nói năng gì, chỉ cười một mình và lang thang khắp nơi. 
Cùng chung cảnh ngộ thương tâm là em Đặng Thị Hiền (xóm Thanh Sơn). Đến nay đã 23 năm từ ngày lọt lòng mẹ, Hiền đã phải sống trong căn buồng tối. Khuôn mặt cô gái ngô nghê lúc hiền lúc dữ, miệng nói cười không ngớt. 
Vu vơ những lời đồn đoán
Một số người trong làng đi xa về, khi thấy tình trạng quê hương toàn “phát” người điên đã hoảng hốt đi... xem bói, được nghe “phán”: 
“Làng bị ma quỷ quấy nhiễu khiến nhiều người dân phát bệnh tâm thần”, rằng “ngày xưa mảnh đất này có nhiều đền chùa nhưng bị xuống cấp không được tu bổ, dần dần bị người trong làng phá đi. Những thanh gỗ hay đất đá của đền chùa bị dân làng bóc dỡ đưa về xây dựng nhà cửa, nên giờ đây cả làng mới bị trừng phạt”. Từ đó mọi người vận động nhau đóng góp tiền bạc tu bổ những ngôi đền chùa còn lại trong làng, vậy mà tình hình vẫn chẳng thay đổi.
Mảnh đất Đức Đồng trước đây là một trong những nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đặc biệt, nơi đây cũng có số lượng người đi bộ đội và tham gia kháng chiến khá nhiều, do đó rất có thể thế hệ sau đều bị nhiễm chất độc màu da cam và ảnh hưởng của bom đạn nên bị ảnh hưởng thần kinh. 
Ngoài ra cũng không loại trừ yếu tố di truyền bởi một số gia đình trong xã có đến 3 thế hệ đều bị bệnh thần kinh.
Khi chưa có kết luận chính xác từ phía các cơ quan chức năng, tất cả các giả thiết và giải pháp khắc phục đưa ra hiện nay đều không làm giảm bớt số người bị tâm thần ở ngôi làng nghèo khổ. 
Ngày càng có nhiều trường hợp phát bệnh hơn. Người trẻ nối tiếp người già trở nên điên loạn khiến ngôi làng bị bao phủ mãi một màu u buồn thê lương. Mỗi khi chiều tối, người ta lại nghe thấy tiếng la hét, tiếng khóc tiếng cười hoang dại khiến không khí nơi đây càng rợn người, buồn não nề. 

Đọc thêm