Sẽ sửa đổi quy định và bãi bỏ các điều kiện không cần thiết
Mở đầu phiên đối thoại anh Nguyễn Đức Trung - Quỹ đầu tư VinaVenture dẫn ra những điểm hạn chế của Nghị định 38/2018-NĐ-CP như quy định Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ, đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư. Đây là những điểm chưa phù hợp với đặc thù gọi vốn của các start-up. Anh Trung đặt câu hỏi, Thủ tướng, Chính phủ trong thời gian tới có chỉ đạo, định hướng gì khai thông vấn đề này không?.
Được sự chỉ định của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng trả lời: “Nghị định 38/2018-NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư cho phép hình thành quỹ đầu tư giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy vậy, sau thời gian thực hiện, những quy định như không được hình thành pháp nhân, phải có 30 thành viên trong quỹ, tăng vốn phải tăng thêm dưới 50% vốn điều lệ… không phù hợp”.
"Quy định này khá cứng và khi thực hiện tạo ra rào cản”, ông Trần Văn Tùng nhìn nhận và cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu và bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất sửa đổi Nghị định này trong thời gian tới.
Cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, chị Nguyễn Thị Thu Phương – Giám đốc Công ty CP Damaca nêu câu hỏi về giải pháp cho vấn đề này.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, về cơ chế chính sách của ngân hàng nhà nước thì hoàn toàn không có quy định rằng các ngân hàng thương mại không được phép cho các startup vay mà hoàn toàn khuyến khích với điều kiện là đánh giá được năng lực, cũng như điều kiện tài chính, đáp ứng được những điều kiện cơ bản của nguyên tắc tín dụng.
“Gói 5.000 tỷ dành cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ cũng như những doanh nghiệp startup mà cái này cũng thông cáo, rộng rãi trên thông tin đại chúng để những doanh nghiệp startup có thể đến ngân hàng BIDV. Một số ngân hàng cổ phần cũng có những chương trình cho vay, không giới hạn về mặt khối lượng, đúng đối tượng và nguồn lãi suất thấp hơn so với quy định và được thuộc đối tượng ưu tiên”, ông Tú cho hay.
Chính phủ đặt hàng các Doanh nghiệp khởi nghiệp
Anh Phạm Ngọc Anh Tùng, Giám đốc điều hành (CEO) của sàn giao dịch nông sản Foodmap đặt vấn đề, trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, Chính phủ mong đợi gì từ các Doanh nghiệp khởi nghiệp và có đặt hàng gì ở các Doanh nghiệp khởi nghiệp?.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chính phủ sẽ ưu tiên mua sắm các sản phẩm công nghệ và mua sắm những giải pháp mang tính đổi mới sáng tạo, có tính đổi mới sáng tạo và ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Make in Việt Nam.
Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một nghị định về vấn đề mở dữ liệu. Bộ TT&TT cách đây một tháng đã khai trương một cổng quốc gia về mở dữ liệu (data.gov.vn) với 10.000 bộ dữ liệu. Đây là tài nguyên, một lượng “dầu mỏ” rất lớn cho các bạn đổi mới sáng tạo khai thác.
Về cơ chế, chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp khởi nghiệp, vị Bộ trưởng nhắn gửi: “Hiện nay Chính phủ chủ trương là sand-box. Tất cả các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ số hãy coi Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ chế một cửa. Chúng tôi nhận đầu mối duy nhất đó cho những doanh nghiệp công nghệ số".
“Chỉ cần làm tốt, thế giới sẽ mở ra”
Nhận định hiện nay một trong những nguồn nhân lực tiềm năng để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam trong đó có nhóm du học sinh, trí thức trẻ, các bạn khởi nghiệp đang sinh sống và học tập, làm việc tại nước ngoài, anh Trần Lê Hưng, Đại học Cầu đường Paris nêu câu hỏi: “Với chính sách như hiện nay đã đủ hấp dẫn để thu các bạn du học quay về Việt Nam để lao động?”.
Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trả lời: “5 năm tới, đặc biệt tới đây Đại hội 13 của Đảng tiếp tục coi việc tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao tiếp tục là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của chúng ta. Chú trọng ở đây là chú trọng vào con người nhưng mà chất lượng cao”.
Đại diện cho thế hệ trẻ khởi nghiệp từ nước ngoài trở về, chị Lê Phạm Kiều Trang cho rằng: “Thế giới này rất phẳng, nếu bạn làm được điều gì tốt, thế giới sẽ mở ra. Chỉ cần làm được, trong khoa học công nghệ chúng ta cần cả một cộng đồng, một hệ sinh thái đừng đi một mình hãy tìm người đồng hành, những người liên quan trong lĩnh vực mình quan tâm, nếu được chúng tôi luôn chào đón bạn”.
Chính phủ sẽ tạo môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất
Anh Phan Bá Mạnh, sáng lập công ty công nghệ vận tải An Vui băn khoăn trước việc nhiều start-up phải mở công ty ở nước ngoài dẫn đến tình trạng “chảy máu” startup. "Môi trường đầu tư đã cải thiện đủ hấp dẫn để sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam chưa hay phải mở doanh nghiệp tại nước ngoài mới tạo được vốn?", anh đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, Thủ tướng nhận định hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn thiện và còn nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam tăng lên nhưng so với các nước trong ASEAN, Việt Nam còn nhiều trở ngại, đặc biệt là nguồn vốn. Thủ tướng cho rằng các thành viên Chính phủ phải có trách nhiệm trả lời, với tinh thần “mở ra chứ không trói vào”, cần chỉ rõ biện pháp xử lý vướng mắc hiện nay.
Chính phủ cam kết sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ, nhất là thông tin, viễn thông, tạo nền tảng cần thiết khuyến khích các ngành kinh tế tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình. Xem xét từng kiến nghị và đề xuất các phương án xử lý phù hợp.
Thủ tướng cũng đề nghị Trung ương Đòan TNCS Hồ Chí Minh, và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam sớm có chương trình hành động sau diễn đàn để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phối hợp với các ngành các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ rào cản, vướng mắc những giải pháp mà đã được nhận diện và thống nhất tại diễn đàn.