Coi trọng giáo dục công dân

(PLO) - Tín hiệu mới, đáng mừng là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục, môn Giáo dục công dân được đưa vào làm môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm nay. Đồng thời, một trường đại học luật tại TP Hồ Chí Minh cũng đưa môn này vào tiêu chí xét tuyển của trường. Bên cạnh đó, trong Đề án xây dựng chương trình giáo dục mới, cùng với môn Lịch sử, môn học Giáo dục công dân được giành cho một vị trí xứng đáng.
Coi trọng giáo dục công dân

Nhìn lại một quá trình, môn Giáo dục công dân chưa bao giờ được coi trọng trong các cấp học phổ thông. Đó chỉ là môn phụ, giáo viên dạy môn này toàn kiêm nhiệm, thời lượng dành cho môn này bị cắt xén dần, thậm chí, Bộ Giáo dục còn chủ trương “tích hợp” với môn khác, chung số phận “bèo bọt” với môn Lịch sử, vốn là bộ môn cung cấp tri thức và quan niệm sống, thái độ ứng xử của con người truyền thống Việt Nam, yêu nước thương nòi, đặt độc lập Tổ quốc lên trên tất cả! Không coi trọng giáo dục đạo lý truyền thống và tư cách công dân trong một quốc gia độc lập thì giáo dục cái gì và cho ra sản phẩm là những con người nào?

Nền giáo dục của chúng ta trước kia, trừ lớp vỡ lòng học chữ, bắt đầu từ lớp 1, có môn Luân lý, thường dạy vào buổi cuối cùng ngày thứ Bảy. Sau đó, Luân lý được thay bằng môn Đạo đức và nội dung cũng có nhiều thay đổi, những đạo lý truyền thống dễ hiểu, dễ nghe, dễ học theo, dễ vận dụng thường ngày,... dần bị thay thế bằng những bài học đạo đức cao siêu và xa vời thực tế hơn.

Môn Đạo đức cũng chẳng sống được lâu sau khi thay thế bằng môn Giáo dục công dân và cách giảng, cách học, thực hành môn này như thế nào thì chúng ta đã thấy rõ: Môn phụ và chẳng mấy ai quan tâm, ngày càng bị cắt xén chương trình và không thể tạo nên ý thức công dân trong mỗi học sinh bằng cách cung cấp những kiến thức pháp lý vụn vặt, xa lạ với đời sống trẻ em.

Có lúc, theo phong trào, tạo ra những giải pháp tình thế, môn này trở thành tiết học về luật lệ giao thông. Kết quả thế nào, chỉ nhìn vào 2 vụ giao thông mới xảy ra gần đây khi xe tải đi ngược chiều tốc độ cao, gây ra cái chết của hàng chục người cũng có thể đánh giá được...

Hầu như ngay lập tức, xã hội phải gánh chịu hậu quả của cách giáo dục nhân cách làm người (đức dục) một cách hời hợt này. Bạo lực học đường diễn ra ở mức độ phổ biến, công khai chỉ là một dẫn chứng nhỏ trong vô vàn những cách ứng xử vô đạo, vô pháp xuất hiện nhan nhản ở khắp nơi. Đến như cô giáo Hiệu trưởng cũng thể hiện sự dối trá không biết ngượng trong ứng xử của mình (không chỉ một trường hợp đơn lẻ, có nhiều cô Hiệu trưởng như vậy) thì đủ hiểu cái “thánh đường giáo dục” đã bị phơi nhiễm như thế nào.

Chưa muộn, cần trả lại vị trí xứng đáng cho môn Lịch sử và vị thế mới cho môn Giáo dục công dân trong chương trình phổ thông để tạo ra những công dân Việt Nam chân chính trước khi nghĩ đến một mục đích xa vời là “công dân toàn cầu”! 

Đọc thêm