Còn 12 hộ dân tại xã Long Đức chưa bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tính đến ngày 8/5, tại xã Long Đức, huyện Long Thành, còn 12 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do vướng mắc tái định cư, ảnh hưởng tiến độ các dự án trọng điểm quanh sân bay Long Thành.

Khúc mắc từ chính sách đã hết hiệu lực

Tại xã Long Đức, huyện Long Thành, nơi được ví như “cửa ngõ vàng” của đại dự án sân bay Long Thành, guồng quay giải phóng mặt bằng đang chạy hết tốc lực. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến tỉnh, huyện Long Thành đã và đang nỗ lực tháo gỡ từng vướng mắc để mở đường cho các công trình trọng điểm. Thế nhưng, giữa nhịp hối hả ấy, vẫn còn 12 hộ dân chưa thể bàn giao mặt bằng vì lý do liên quan đến bố trí tái định cư.

Lãnh đạo UBND huyện Long Thành đối thoại trực tiếp với từng hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Ảnh: Duy Khương

Lãnh đạo UBND huyện Long Thành đối thoại trực tiếp với từng hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Ảnh: Duy Khương

Theo UBND xã Long Đức, thời điểm đầu có đến 39 hộ dân chưa đồng thuận bàn giao đất vì mong muốn được bố trí tái định cư. Qua nhiều vòng đối thoại, thuyết phục, phần lớn đã hiểu rõ chính sách và đồng ý giao đất, chỉ còn lại 12 hộ thuộc tờ bản đồ số 24, khu 12, xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai chưa thống nhất bàn giao mặt bằng.

Căn cứ khoản 3, Điều 4 Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ngày 14/8/2023 của UBND tỉnh Đồng Nai, các hộ dân này kiến nghị được xem xét bố trí tái định cư trên cơ sở cho rằng thuộc trường hợp bị thu hồi toàn bộ đất ở (giải tỏa trắng), không còn chỗ ở hợp pháp nào khác trong địa bàn xã nơi có đất bị thu hồi. Ngoài ra, các hộ này cho biết nhà ở đã được xây dựng trên đất nông nghiệp trước ngày 01/7/2014 và không bị xử lý vi phạm hành chính tại thời điểm xây dựng, phù hợp với điều kiện được xét tái định cư theo quy định tại thời điểm Quyết định 32 còn hiệu lực.

Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Long Thành, đến thời điểm này, cả Quyết định 32/2023/QĐ-UBND và Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 23/02/2024 đều đã hết hiệu lực. Luật Đất đai 2024 có có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 quy định rõ: các trường hợp không có đất ở hợp pháp, không đủ giấy tờ pháp lý, không được bố trí tái định cư mà chỉ có thể được xem xét mua nhà ở xã hội.

Lãnh đạo UBND huyện Long Thành đối thoại trực tiếp với từng hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Ảnh: Duy Khương

Lãnh đạo UBND huyện Long Thành đối thoại trực tiếp với từng hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Ảnh: Duy Khương

“Phần lớn các hộ xây nhà trên đất nông nghiệp theo hình thức phân lô bán nền. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện vẫn đứng tên người bán, chưa sang tên cho người dân. Về pháp lý, họ chưa hội đủ điều kiện tái định cư theo luật mới”, đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Long Thành cho biết.

Chính quyền kiên trì đồng hành, tháo gỡ cùng người dân

Mặc dù chính sách đã có sự điều chỉnh, nhưng trong suốt thời gian qua, chính quyền xã Long Đức vẫn luôn chủ động, kiên trì thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác vận động, giải thích và hỗ trợ người dân. Ông Trần Ngọc Khải - Chủ tịch UBND xã Long Đức cho biết, xã đã nhiều lần tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân. Có ít nhất 3 cuộc làm việc và 2 đợt mời từng hộ lên trụ sở UBND xã để trao đổi, giải thích từng điều khoản.

“Chúng tôi luôn lắng nghe và thấu hiểu tình cảm của người dân đối với mảnh đất đã gắn bó suốt bao năm qua. Tuy nhiên, việc không được bố trí tái định cư là do quy định pháp luật hiện hành, không phải sự thiếu quan tâm từ địa phương. Chính quyền xã cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa để người dân ổn định nơi ở mới, trong đó có việc hướng dẫn tiếp cận chính sách nhà ở xã hội theo quy định.”, ông Khải cho biết thêm.

Từ cấp xã đến cấp huyện, tinh thần nhất quán là luôn đặt người dân vào trung tâm của quá trình phát triển, đồng thời nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Sau những nỗ lực vận động, thuyết phục ở cơ sở, chính quyền huyện Long Thành tiếp tục giữ vai trò điều phối, chỉ đạo chung để tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc còn lại.

Chính quyền xã Long Đức đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Duy Khương

Chính quyền xã Long Đức đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Duy Khương

Ông Trần Văn Thân - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành nhấn mạnh: “Huyện xác định giải phóng mặt bằng là "mũi đột phá" cho loạt công trình giao thông, đô thị và hạ tầng kỹ thuật của khu vực phía Nam kết nối sân bay Long Thành. Đây là nhiệm vụ được Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ đạo rất sát sao. Huyện đã giao các phòng, ban chuyên môn phối hợp cùng xã tháo gỡ từng trường hợp còn vướng mắc. Tất cả vì mục tiêu hoàn thành đúng tiến độ, không để ảnh hưởng đến đại dự án quốc gia”.

Luật sư Đào Thị Thu Thủy, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, cần phân biệt rạch ròi giữa bồi thường đất đai và bố trí tái định cư: “Không phải ai bị thu hồi đất cũng mặc nhiên được cấp suất tái định cư. Pháp luật quy định rõ: chỉ những hộ không còn chỗ ở nào hợp pháp trong xã, phường nơi bị thu hồi đất ở và có đầy đủ giấy tờ hợp lệ (có sổ hồng riêng) mới đủ điều kiện. Những hộ xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, có thể được hỗ trợ hoặc xét mua nhà ở xã hội theo quy định mới”.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải hoàn thành trong năm 2026, đồng bộ với sân bay Long Thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Duy Khương

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải hoàn thành trong năm 2026, đồng bộ với sân bay Long Thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Duy Khương

Những vướng mắc còn lại tại xã Long Đức giống như “nút thắt cuối cùng” trên hành trình giải phóng mặt bằng cho một đại công trình quốc gia. Chính quyền địa phương cam kết không để mặc người dân sau thu hồi đất. Những trường hợp không đủ điều kiện tái định cư sẽ được hỗ trợ tiếp cận nhà ở xã hội, sắp xếp nơi ở ổn định và phù hợp với điều kiện thực tế.

“Chúng tôi mong bà con đồng hành, chia sẻ vì sự phát triển chung. Nhà nước luôn đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu, nhưng cũng phải đúng pháp luật. Không ai bị bỏ lại phía sau nếu cùng nhìn về một hướng”, ông Trần Văn Thân bày tỏ.

Trong hàng chục hộ dân đã bàn giao đất, nhiều người đã từng có tâm lý e ngại, lo lắng, nhưng sau chính quyền địa phương tiếp xúc thuyết phục, giải thích thấu tình đạt lý, họ đã đồng thuận và bàn giao mặt bằng.

Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, Dự án thành phần 3 thông xe kỹ thuật trong tháng 4/2025, hoàn thành trong tháng 6; các Dự án thành phần 1 và 2 phải hoàn tất trong năm 2025.

Tuy nhiên, trong khi đoạn tuyến qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thiện và thông xe kỹ thuật dịp 30/4, thì đoạn qua tỉnh Đồng Nai vẫn chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Dù Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo, Đồng Nai ít nhất ba lần “lỡ hẹn” bàn giao mặt bằng. Đến đầu tháng 4/2025, sau các biện pháp quyết liệt, khoảng 94% diện tích đã được bàn giao với 1.386 hộ dân đồng thuận. Gần 40 công trình còn lại sẽ được tháo dỡ để hoàn tất bàn giao trước ngày 15/4 theo đúng chỉ đạo.

Tại huyện Long Thành, đoạn tuyến dài 28km, diện tích thu hồi hơn 227ha. Đến ngày 9/4, huyện đã bàn giao 222,37ha (đạt 97,55%), giúp thi công thuận lợi. Trong đó, dự án thành phần 2 đã bàn giao 99,37% mặt bằng. Phần còn lại (thuộc thành phần 1) đang được khẩn trương thu hồi, hướng đến mục tiêu vận hành toàn tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong năm 2026, đồng bộ với sân bay Long Thành.

Luật sư Đào Thị Thu Thủy, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: Việc Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2024 đồng nghĩa với việc các văn bản quy phạm pháp luật trước đó điều chỉnh cùng nội dung, trong đó có Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ngày 14/8/2023 của UBND tỉnh Đồng Nai, đã hết hiệu lực thi hành. Theo đó, các trường hợp liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phát sinh từ thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sẽ được xem xét và giải quyết theo các quy định hiện hành của Luật Đất đai 2024, không tiếp tục áp dụng quy định tại Quyết định 32/2023/QĐ-UBND.

Đối với những trường hợp không tự nguyện bàn giao mặt bằng sau khi có quyết định thu hồi đất hợp pháp, việc cưỡng chế chỉ được tiến hành khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện luật định. Cụ thể, theo điểm b và điểm c khoản 4 Điều 89 Luật Đất đai 2024, trình tự cưỡng chế được thực hiện như sau:

Ban cưỡng chế thu hồi đất có trách nhiệm tổ chức vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế chấp hành, Ban cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành, đồng thời việc bàn giao đất phải được thực hiện chậm nhất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành, Ban cưỡng chế thu hồi đất tiến hành tổ chức cưỡng chế theo quy định pháp luật.

Ban cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và các cá nhân có liên quan phải rời khỏi khu đất, tự di chuyển tài sản ra khỏi khu vực cưỡng chế. Trường hợp không tự thực hiện, Ban cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người và tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Nếu người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản, Ban cưỡng chế phải lập biên bản ghi nhận, tổ chức bảo quản tài sản theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời thông báo để người có tài sản nhận lại khi có yêu cầu.

Luật sư Thủy nhấn mạnh, các quy định cưỡng chế nêu trên được xây dựng nhằm bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng trình tự thủ tục, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và người dân, góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án phát triển kinh tế - xã hội đúng thời hạn.

Đọc thêm