"Cơn ác mộng” du lịch ngày lễ

(PLO) - Một bài học đến từ đợt Tết Dương lịch vừa qua ở các điểm du lịch “nóng” đều ghi nhận lượng khách đổ về tăng đột biến, khiến các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí không thể đáp ứng kịp.
Hình minh họa
Hình minh họa

Ví dụ, tại Sapa đợt Tết Dương lịch vừa qua, lượng khách chạm mức 3 vạn lượt; tình trạng quá tải được phản ánh qua nhiều phản hồi bức xúc của du khách như “đoàn 6 người mà không tìm được nơi ở, phải chọn homestay đắt đỏ, thiếu tiện nghi”, “không trải nghiệm được gì vì phải xếp hàng quá lâu”, “giá phòng tăng thêm 300.000 – 400.000 đồng so với bình thường”, “đồ ăn vừa đắt mà người làm còn nhanh ẩu”… Nhiều du khách đã phải từ bỏ mục đích “chinh phục đỉnh Fanxipan – Nóc nhà Đông Dương”, chỉ có thể đi tham quan qua loa, bởi đông nghẹt người, từ ăn đến chơi đều phải xếp hàng dài theo từng tốp chờ đợi trong mưa rét.

Đồng cảnh ngộ, “xứ sở sương mù” Đà Lạt cũng rơi vào tình trạng ùn tắc giao thông, khiến du khách, người dân chìm trong xe cộ, khói bụi hàng giờ đồng hồ dù mỗi đợt cao điểm trong mùa lễ, Đội Cảnh sát giao thông TP Đà Lạt lại phải huy động hết công suất để điều tiết, phân luồng giao thông. Nhiều du khách phản ánh sẽ không bao giờ đến Đà Lạt vào dịp lễ Tết nữa.

Vài năm gần đây, du lịch dịp lễ đã không còn đơn thuần là nghỉ dưỡng, trải nghiệm; thay vào đó là “cơn ác mộng” mang tên  “nhồi nhét”, “chen chúc”, “chờ đợi”, “ùn tắc”, mang lại sự khó chịu. Không những thế, đầu năm đi chùa còn hay bị “tiền mất tật mang”, người bị móc túi, mất điện thoại, có người ăn uống bị “chặt chém”, có khi còn xảy ra xô xát. Dân chúng càng bức xúc khi tình trạng này năm nào cũng xảy ra, nhưng cơ quan quản lý các điểm du lịch vẫn chưa giải quyết dứt điểm, đặc biệt tại những điểm đến tâm linh “nóng” như chùa Hương, Yên Tử,… 

Do vậy, có nhiều người đã lựa chọn làm việc trong ngày nghỉ, còn khi mọi người đi làm mình mới bắt đầu đi du lịch. Cũng là xu hướng nổi bật gần đây, nhiều người dân trong nước lựa chọn đi nước ngoài trong dịp lễ, để tránh cảnh đông đúc tại Việt Nam. Ông Nguyễn Công Hoan - đại diện Công ty Hanoi Redtours, cho biết, đến nay nhiều tour đi các nước Đông Nam Á, Âu – Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đã “cháy hàng” trước Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi.

Việc càng nhiều người Việt “đổ xô” đi du lịch quốc tế thay vì chọn lựa những điểm đến nội địa là một hiện tượng mang tính cảnh báo rằng du lịch Việt Nam đang ngày càng “mất điểm”, “mất khách” với chính người dân nội địa, chưa kể tới du khách quốc tế, đặc biệt trong công cuộc đất nước đẩy mạnh phát triển hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam. Trên thực tế, nhiều du khách đều tỏ ra ái ngại rằng du lịch dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm nay sẽ không khác gì những năm trước. Đi kèm với ý định hành hương, giải đen, cầu phúc lành cho năm mới, du khách cũng phải đối mặt với nỗi khổ chen lấn xô đẩy, nạn móc túi, ăn cắp vặt, bị “chặt chém”… 

Đọc thêm