Còn có danh dự, uy tín để mất?

(PLVN) - Trao đổi với báo giới, ông Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La – người có con gái được nâng điểm thi cho biết: “Tôi đang rất buồn. Chỉ biết nói thế thôi. Mất hết danh dự, uy tín”.
Bê bối nâng điểm ở Sơn La (Ảnh minh họa)
Bê bối nâng điểm ở Sơn La (Ảnh minh họa)

Tâm trạng này của ông cũng giống hệt như tâm trạng vị Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang khi biết con gái mình “bị” nâng điểm, ông cũng bày tỏ với báo giới là mình buồn và nghi ngờ có động cơ xấu trong việc này là “đưa lãnh đạo vào tròng”.

Thực ra, danh dự, uy tín của mỗi người là do mình tạo lập và giữ gìn. Nó không tự nhiên mà có và cũng không tự nhiên mất đi, đó chính là nhân cách và giá trị làm người. Chị bán hàng rong có được uy tín của người mua là không bán giá cao, cân điêu, không bán hàng giả và có được uy tín đó là do chị có lòng tự trọng, biết giữ gìn danh dự của một người bán hàng. Và đồng tiền không làm cho chị tối mắt lại mặc dù chị chỉ là một người nghèo và không có quyền thế gì.

Danh dự hay uy tín thể hiện qua hành vi ứng xử, lời nói và việc làm, tu thân và dưỡng đức,... chứ những động tác đánh bóng tên tuổi hoặc ghi điểm không làm nên danh dự và uy tín của một con người, mà chỉ nảy sinh tác dụng ngược lại.

Nếu như ta thấy ai đó chỉ nhăm nhăm đổ lỗi cho người khác thì trong mắt ta, người đó nhân cách không ra gì. Quyền lực cũng không mang lại danh dự và uy tín cho người nắm giữ quyền lực, bởi uy tín là phụ thuộc vào đánh giá và “tâm phục, khẩu phục” của những người chung quanh, làm họ sợ hãi không phải là uy tín.

Nếu thực sự muốn giữ gìn danh dự, bảo vệ uy tín của mình thì cần phải hành động, trong khả năng và quyền hạn của mình phải làm ngay và sáng tỏ những gì dư luận dị nghị, vạch trần những xấu xa, tiêu cực ở địa phương mình quản lý.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trong thực tế đi ngược lại với mong muốn của dư luận xã hội. Sự gian dối bị che giấu một cách chủ tâm thì còn gì là danh dự và uy tín nữa. Thật ra, khi anh làm việc xấu mà mọi người chưa biết thì ngay tại thời điểm đó anh đã đánh mất danh dự và uy tín rồi chứ không phải đợi đến lúc bị phát hiện. Lúc đó, còn gì nữa đâu mà mất!

Gần đây, những thí sinh gian lận điểm và thân thế các bậc phụ huynh của các em đã dần lộ diện trên các phương tiện truyền thông. Ý nghĩa tích cực của việc này là ngăn chặn hiệu quả cái xấu tiếp diễn và tháo “ngòi nổ” bức xúc của dư luận.

Nếu không công khai với động cơ là giữ gìn danh dự, uy tín cho cán bộ là cha mẹ các em “nhúng chàm” trong việc gian lận thi cử lần này thì đó là một việc làm phản tác dụng. Nếu những người đó tâm niệm “Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí” (Tố Hữu) thì họ đã không bao giờ làm cái việc xấu xa đó! 

Đọc thêm