Còn đó, tháng 6 mùa thi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng 6 ai cũng phải đối mặt với những kỳ thi quan trọng và mùa thi là nơi gặp gỡ của những nối tiếp để chắp cánh cho các sĩ tử hành trang vào đời. Tất cả chúng ta đều đi qua tháng 6 của cuộc đời như thế…
Hình ảnh cô trò trong Lễ bế giảng trước mùa thi. (Ảnh: THPT Phan Đình Phùng, HN)
Hình ảnh cô trò trong Lễ bế giảng trước mùa thi. (Ảnh: THPT Phan Đình Phùng, HN)

Phải sống một tuổi trẻ thật rực rỡ!

Vẫn là thầy cô, bảng đen, phấn trắng nhưng những ngày cuối cùng của thời học sinh sẽ có nhiều cảm xúc khác nhau. Còn nhớ, một video về buổi học cuối cùng được chia sẻ trên Tiktok khiến rất nhiều người phải ngậm ngùi. Cụ thể, một tài khoản có tên @thuhuyen1124 đã đăng tải clip thầy giáo của mình kèm với dòng trạng thái: “Khoảnh khắc nghẹn ngào nhất của thời học sinh là không dám nói lời tạm biệt…”.

Đoạn clip ghi lại cảnh người thầy nắn nót viết dòng chữ trên bảng với nội dung: Bài tập về nhà cuối cùng: “Hãy sống bình thường chứ không tầm thường!”. Sau khi viết xong, thầy giáo cầm chiếc balo bước ra khỏi lớp, không quên đưa tay chào tạm biệt học trò với nụ cười tươi trên môi.

Bài tập đặc biệt này chứa đựng những lời yêu thương, lời chúc phúc và lời khuyên của người thầy dành cho những bạn trẻ (học trò thân yêu của mình). Một bài tập hoàn toàn không có deadline, không bài mẫu, không dàn ý, các bạn học sinh chỉ có thể tìm ra đáp án khi bước vào ngưỡng cửa trưởng thành.

Trong tiết học cuối cùng, thầy giáo của lớp 12A8 Trường THPT Đức Huệ, Long An cũng dành tặng học trò một món quà ý nghĩa, đó là túi đựng tài liệu, trong đó có bút bi, bút chì, tẩy... Thầy giáo đi từng bàn, tận tay trao món quà nhỏ này cho từng học trò của mình. Thầy mong muốn, trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, nhờ món quà này, các bạn học sinh sẽ làm bài thật tốt, đạt được kết quả cao đáng mong đợi.

Bài tập của thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên dạy văn tại TP HCM) được in ấn, để cẩn thận trong từng bao thư và gồm 6 bài tập nhỏ: “Bài tập số 1: Hãy để ai đó trong gia đình ôm em nếu kết quả năm học vừa rồi chưa được như ý. Bài tập số 2: Hãy tận hưởng mùa hè của mình với tất cả năng lượng tuổi trẻ.

Bài tập về nhà được thầy Đức Anh nhét trong bao thư và gửi đến học sinh của mình. (Ảnh: NVCC)

Bài tập về nhà được thầy Đức Anh nhét trong bao thư và gửi đến học sinh của mình. (Ảnh: NVCC)

Bài tập số 3: Hãy tranh thủ trau dồi khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cần thiết. Bài tập số 4: Các bạn nam hãy luôn biết cách vượt qua giông bão cuộc đời với tinh thần của một chiến binh. Các bạn nữ hãy đứng dậy, tô thêm son, mỉm cười và kiêu hãnh tiến về phía trước. Bởi vì nếu em không phải là một cái cây thì chẳng lý gì chúng ta lại cứ phải đứng im một chỗ. Bài tập số 5: Một buổi tối nào đó trong đời, nếu em cảm thấy cô đơn hay buồn tủi, hãy hồi tưởng lại những ký ức dịu dàng của thầy trò mình. Hoặc lúc nào đó muốn một ai đó lắng nghe nỗi thất vọng cùng cực của mình, hãy cứ gọi cho thầy, thầy vẫn luôn ở đây. Bài tập số 6: Hãy luôn là một người tử tế và hạnh phúc, nghe”.

Cuối thư, thầy Đức Anh cho biết 6 bài tập này không có hạn nộp, bởi có những người phải mất cả cuộc đời mới có thể hoàn thành. Thế nhưng, thầy vẫn luôn mong ngóng học sinh của mình sẽ nộp bài.

Thầy viết: “Thời gian nộp bài: Em sẽ có rất nhiều thời gian để hoàn thành 6 bài tập về nhà này, hãy cứ thong thả, đừng vội nộp bài. Bởi thầy biết, có những bài tập mà em phải mất cả tuổi trẻ, thậm chí cả cuộc đời mới có thể hoàn thành”. Đây là thư thầy Đức Anh đã chuẩn bị và gửi các em sau buổi họp phụ huynh. Học trò của thầy năm đó nhận được thư của thầy giáo qua bố mẹ không khỏi bất ngờ xúc động. Họ hiểu, bài tập đó không chỉ dành riêng cho các con mà cho chính mỗi người bố, người mẹ, cho tất cả mọi người...

Với người thầy giáo, hạnh phúc nhiều khi chỉ là những điều giản dị như vậy. Thầy cũng là người thường xuyên truyền đến học trò năng lượng và thông điệp “Phải sống một tuổi trẻ thật rực rỡ”…

Hình ảnh đáng yêu mùa thi lớp 10 tại Hà Nội. (Ảnh: PV)

Hình ảnh đáng yêu mùa thi lớp 10 tại Hà Nội. (Ảnh: PV)

Và lời hồi đáp tháng 6

Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, trong khi chờ con gái làm bài thi đầu tiên trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10, một người mẹ ở Đồng Nai đã hoàn thành một “bài thi” riêng của mình, là những dòng thư đầy cảm xúc. Đó là chị Cao Mai Ngọc Hạnh (41 tuổi, phường Bửu Long, TP Biên Hòa). Những tâm sự trong thư cũng là nỗi lòng của nhiều phụ huynh có con đang tham dự kỳ thi quan trọng này. Trong thư, chị Hạnh gửi gắm những lời yêu thương và động viên đến con gái Võ Cao Uyên Kim. Cô bé đang dự thi vào Trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh.

Trong thư, chị nhẹ nhàng nhắc nhở con rằng hành trình cuộc đời rất dài nên với kỳ thi lần này, dù kết quả có ra sao thì chị vẫn luôn mong con không bao giờ từ bỏ ước mơ. “Gửi con, sĩ tử của mùa thi tuyển sinh lớp 10 năm nay,

Mẹ biết, tại thời điểm này, con có rất nhiều cảm xúc hỗn độn trong tâm trí. Những lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi vì áp lực của kỳ thi là không hề dễ dàng, con nhỉ? Mẹ hiểu rằng con đã cố gắng và chuẩn bị rất nhiều cho lần chiến đấu này, mong đợi kết quả tốt cho sự chuyển tiếp tương lai. Trong những giây phút này, con có thể cảm thấy áp lực đè nặng khi người ta thường nhìn vào kết quả như một chiếc bảng đánh giá cho sự nỗ lực mà con đã có.

Nhưng mẹ mong con biết, kết quả ấy cho dù thế nào thì vẫn chỉ là một cột mốc để đánh dấu cho sự trưởng thành của một đứa trẻ cấp 2 đang chập chững bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Điều quan trọng và to lớn hơn cả chính là sự tự nhìn nhận lại tiến trình của bản thân. Nhìn lại chặng đường cùng những nỗ lực của mình đã rực rỡ đến nhường nào, bản thân đã tiến bộ và trưởng thành ra sao. Và hơn thế nữa, đó chính là một cái tôi đã vững vàng hơn rất nhiều khi quyết tâm hết mình để chạm tay tới ước mơ.

Cho dù kết quả có thể nào đi nữa thì con cũng đã làm tốt, đã dũng cảm lắm rồi. Thành công hay thất bại đều là những bài học mà ai cũng phải trải qua để trưởng thành và phát triển hơn. Quan trọng hơn hết, mẹ muốn con luôn ghi nhớ, gia đình, ba mẹ, bạn bè vẫn luôn yêu thương và bên cạnh con. Vì thế, hãy cứ tự tin mà vững chắc đôi cánh bay vào tương lai, con nhé!”.

Những khoảnh khắc mùa thi sẽ trở thành kỷ niệm với mỗi người. (Ảnh: PV)

Những khoảnh khắc mùa thi sẽ trở thành kỷ niệm với mỗi người. (Ảnh: PV)

Một người mẹ khác, chị Trịnh Hằng, đạo diễn phim tài liệu cũng chia sẻ câu chuyện trên hành trình xác định nghề nghiệp tương lai cùng con. Chị kể: “Giữa năm lớp 6, con tôi tuyên bố sau này sẽ làm quản giáo. Tôi đoán là do cháu vừa đọc một bộ tiểu thuyết trinh thám - hình sự - tâm lý tội phạm. Trước đó, ước mơ của cháu bay qua bay lại giữa các nghề youtuber, streamer vì “hay và dễ nổi tiếng”. Đến lớp 7, cháu lại muốn làm nhà tâm lý học “có thể kiếm vài trăm đô một giờ chỉ bằng việc ngồi nghe người khác nói chuyện, hoặc nhìn họ ngủ”, các bộ phim Hollywood bảo thế… Trong nhiều năm, chúng tôi không ngừng nỗ lực: con ước mơ về nghề gì, tôi sẽ tìm người đang làm nghề đó, để con trực tiếp trò chuyện, tìm hiểu; đồng thời xin thông tin, đọc sách báo, phim tài liệu về nghề. Mục đích của tôi chưa bao giờ là khuyến khích, hoặc ngăn cản, mà chỉ giúp con được tiếp cận đa chiều, có đủ thông tin để quyết định.

Hè năm lớp 7, chúng tôi lại nói với nhau về nghề nghiệp. Cháu sẽ thống kê danh sách tất cả trường đại học tại Việt Nam, danh sách cuối cùng còn lại 5 nghề, trong đó có một nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, cháu cảm thấy có thể gắn bó suốt đời.

Vài tuần trước khi cháu thi vào lớp 10 - kỳ thi khốc liệt nhất trong cuộc đời đa số bạn trẻ ở Hà Nội, mẹ con lại nói chuyện. Tôi nói, 10 năm trước mắt có thể là 10 năm quan trọng nhất cuộc đời con. Và những quyết định trong thời gian này, nhất là quyết định về nghề nghiệp, gần như sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ quãng đời còn lại.

Nhưng có vẻ con tôi đã chọn nghề xong từ mùa hè năm lớp 7. Cháu hiểu công việc này khó giàu, ít tiếng tăm song cháu cho rằng mình sẽ cảm thấy hạnh phúc và mang lại lợi ích cho nhiều người, như vậy là đủ. 5 năm qua, cháu hầu như không đi học thêm, mà dành thời gian đến các trường đại học, tham dự những hội thảo miễn phí, gặp gỡ các chuyên gia trong nghề, để tích lũy thêm thông tin”.

Chị chia sẻ: “Chỉ vài tuần nữa, lứa 2006 con tôi sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi vẫn nói với cháu, con vẫn còn thời gian trước khi điền “nguyện vọng 1” và chốt sổ là mình sẽ theo nghề nào. Tôi cũng khuyến nghị rằng, dù đã cân nhắc kỹ, vẫn có thể một ngày nào đó - khi đang trên giảng đường, hoặc đã trong năm đầu tiên đi làm, con chợt nhận ra, lựa chọn của mình là không phù hợp. Không sao cả, ta vẫn có thể thay đổi, cho tới khi tìm được điều đúng đắn. Con có quyền được sai và sẽ học được nhiều điều từ lựa chọn chưa đúng đó.

Tôi muốn nói với tất cả bạn trẻ đang đợi kết quả kỳ thi vào lớp 10 năm nay, và các bạn đang chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12 rằng nếu không đạt kết quả như mong đợi thì cũng không sao cả. Không có bầu trời nào sập xuống chỉ vì bạn trượt một kỳ thi.

Quan trọng là, hãy trang bị cho mình đủ kiến thức, chuẩn bị mọi tình huống, và tìm hiểu đủ thông tin để sẵn sàng làm một người trưởng thành, dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Dù là một thử thách nhưng kỳ thi này không phải là thước đo duy nhất. Thay vì tập trung quá nhiều vào kết quả, các con hãy cố gắng hoàn thành bài thi một cách tốt nhất với khả năng của mình”.

Đọc thêm