Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển Giai đoạn trước năm 1997
Ở nước ta trước năm 1997 chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về hoạt động TGPL miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách. Khi Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 và Nghị định số 15/HĐBT ngày 21/02/1989 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy chế Đoàn Luật sư thì mới xác định một số vụ việc luật sư giúp đỡ cho đối tượng mà không được thu phí như bào chữa cho bị can, bị cáo theo chỉ định của các cơ quan tiến hành tố tụng và với những công dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc các trường hợp đặc biệt khác nếu có đơn yêu cầu thì Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có thể xét miễn hoặc giảm thù lao cho họ.
Bắt đầu từ chỉ đạo tại phiên họp Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 18/5/1995 và Thông báo số 485/CV-VPTW ngày 31/5/1995 của Văn phòng Trung ương Đảng về ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư đối với Quy chế hành nghề tư vấn pháp luật (Đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp: “xác định phạm vi thích hợp hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân, trước hết chú trọng tổ chức tư vấn pháp luật của Nhà nước…; cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật”) đã định hướng đổi mới tư duy về công tác cung ứng dịch vụ pháp lý, đặt dấu mốc cho sự ra đời và phát triển của công tác TGPL trong giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2006
Nhằm thể chế hoá chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VIII và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo định hướng triển khai công tác TGPL theo hướng: “Tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí”.), với kết quả thực hiện thí điểm hoạt động TGPL tại một số tỉnh (Cần Thơ, Hà Tây), ngày 06/9/1997 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách.
Đây là căn cứ pháp lý quan trọng cho sự hình thành của hệ thống tổ chức TGPL. Triển khai thực hiện Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành, các Trung tâm TGPL thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được củng cố và kiện toàn. Kết quả công tác TGPL trong khoảng thời gian này đã góp phần quan trọng trong việc giải tỏa các vướng mắc pháp luật trong nhân dân, nâng cao hiểu biết pháp luật.
Tuy nhiên, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì tổ chức và hoạt động về TGPL đã bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại như lực lượng chuyên viên pháp lý mới chỉ thực hiện TGPL bằng hình thức tư vấn pháp luật, kiến nghị mà chưa được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho đối tượng được TGPL,… Điều này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về công tác TGPL, cần cơ chế pháp lý có hiệu lực cao để điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động TGPL.
Giai đoạn từ năm 2006 đến nay
Ngày 29/6/2006, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật TGPL, nâng tầm từ một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ lên thành Luật mà không cần trải qua bước Nghị định, Pháp lệnh. Trên cơ sở triển khai Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác TGPL đã đạt được những kết quả nhất định góp phần đáng kể trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác, bảo đảm công bằng trong tiếp cận pháp luật.
Trước năm 2010, các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ nước ngoài đã có sự hỗ trợ tích cực cho nhiều hoạt động TGPL. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình, kinh phí hoạt động TGPL hoàn toàn do ngân sách nhà nước bảo đảm. Do đó, có thể nói giai đoạn từ sau năm 2010, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013, hệ thống TGPL gặp rất nhiều khó khăn tác động đến công tác TGPL. Ngoài ra, trong thời gian này thể chế liên quan đến hoạt động TGPL có nhiều thay đổi (như Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Hòa giải ở cơ sở; Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020…) đã đặt ra yêu cầu cần đổi mới công tác TGPL.
Trước yêu cầu đó, Bộ Tư pháp thực hiện việc sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020 và qua đó, đã nhận diện được hoạt động TGPL đang chồng lấn với các hoạt động khác như phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt nhiều lúc còn thực hiện một cách dàn trải, phong trào, chưa tập trung cung cấp vụ việc TGPL, nhất là trong lĩnh vực tố tụng. Do đó, ngày 01/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án đổi mới công tác TGPL ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025, theo đó đã chuyển trọng tâm hoạt động TGPL từ chiều rộng sang chiều sâu, đòi hỏi tập trung vào vụ việc, chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng; nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL với các biện pháp mạnh mẽ như đưa ra chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng đối với Trợ giúp viên pháp lý, thực hiện việc rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của Chi nhánh, Câu lạc bộ TGPL và có biện pháp xử lý... Kết quả, trong năm 2015 và năm 2016, công tác TGPL đã có những bước chuyển biến nhất định và đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật TGPL năm 2006 để khắc phục triệt để những vấn đề tồn tại trong công tác TGPL.
Trong hai năm qua, kể từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2017, Bộ Tư pháp đã tham mưu, đề xuất Chính phủ đề nghị Quốc hội nghiên cứu và xây dựng Luật TGPL (sửa đổi). Tại Kỳ họp thứ 3, ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật TGPL (sửa đổi) với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành, đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế công tác TGPL nói riêng và triển khai Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nói chung.