“Con đường di sản Nam Thăng Long” - những điểm đến hấp dẫn du khách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không thể phủ nhận những giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên của vùng đất Nam Thăng Long. "Con đường di sản Nam Thăng Long" hứa hẹn sẽ trở thành một sản phẩm du lịch hút khách.

Chiều 27/12, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức buổi Tọa đàm: "Nâng cao chất lượng dịch vụ, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản di tích, làng nghề theo tuyến du lịch trung tâm Hà Nội: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức."

Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, Đại diện Hiệp hội du lịch Hà Nội, lãnh đạo huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức cùng gần 60 doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí.

Như tên gọi, Tọa đàm được tổ chức nhằm tìm những giải pháp để phát triển con đường du lịch liên kết giữa 3 huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức.

Trước khi tổ chức buổi Tọa đàm này, các thành viên dự Tọa đàm đã có chuyến khảo sát 3 địa điểm nằm trong chiến lược phát triển để liên kết giữa 3 địa phương.

Đoàn Khảo sát chụp ảnh tại Đình (đền) Nội - Bình Đà - Thanh Oai.

Đoàn Khảo sát chụp ảnh tại Đình (đền) Nội - Bình Đà - Thanh Oai.

Những điểm đến hấp dẫn

Tại Thanh Oai, đoàn khảo sát đã tới Đình (đền) Nội – nơi thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.

Di tích Đình (Đền) Nội Bình Đà là một trong những di sản tiêu biểu, độc đáo, đã được Nhà nước công nhận Di tích cấp quốc gia lần thứ nhất năm 1985 và được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia năm 1991.

Toàn bộ khu Đình (Đền) Nội rộng khoảng 30.000m2, bên trong có các hạng mục: nghi môn ngoại (tứ trụ), nhà cầu Quếch, ao sen (giếng Ngọc), nghi môn nội (cổng ngũ môn), nhà tả mạc, hữu mạc, phương đình, nhà đại bái và hậu cung với kiến trúc cổ truyền cùng nhiều hiện vật cổ, trong đó, có bức đại tự “Vi Bách Việt tổ” (Tổ dân Bách Việt)... Khuôn viên của khu Đình (Đền) có nhiều cây xanh cổ thụ, tạo nên không khí trong lành, thanh mát của làng quê ngoại thành.

Điều đặc biệt của ngôi Đình (đền) này là bức phù điêu với nét chạm khắc tinh xảo vô cùng sống động hình ảnh Quốc tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động giang. Bức phù điêu đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. Già làng cho biết, bức phù điêu này được làm bằng gỗ, sơn son thiếp vàng có tuổi đời khoảng hơn 600 năm. Điều kỳ diệu là tuy làm bằng gỗ, 3 lần đình bị cháy, nhưng bức phù điêu vẫn còn nguyên vẹn. Hiện địa phương đang làm hồ sơ đề nghị công nhận ngôi đình (đền) Nội là di tích quốc gia đặc biệt, bức phù điêu Quốc tổ được công nhận là bảo vật quốc gia đặc biệt.

Bức phù điêu Báu vật quốc gia tại hậu cung Đình (đền) Nội.

Bức phù điêu Báu vật quốc gia tại hậu cung Đình (đền) Nội.

Ngoài bức phù điêu Lạc Long Quân và 100 người con được thờ ở mật cung, hai bên tả hữu của đền còn có 2 bức phù điêu – một bức tạc hình Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và 500 người con, một bức là Quốc Mẫu Âu Cơ và đàn con của mình.

Được biết, huyện Thanh Oai đã xác định chọn di tích Đình (Đền) Nội Bình Đà để xây dựng thành điểm du lịch văn hóa tâm linh trình thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn trước năm 2025.

Tiếp tục cuộc hành trình khám phá con đường di sản Nam Thăng Long, du khách sẽ tới với làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu của huyện Ứng Hòa. Nằm bên dòng sông Nhuệ, ngôi làng nhỏ đi một vòng chưa hết 10 phút, nhưng lại có sức hút kỳ lạ đối với du khách bởi sắc màu sặc sỡ của những bó tăm hương.

Nghề làm tăm hương của Quảng Phú Cầu đã có từ hàng trăm năm nay, nhưng hơn 1 năm trở lại đây, ngôi làng này mới được biết đến như một địa chỉ “check in” của người ham mê du lịch. Nguyên do cũng rất vô tình từ một bức ảnh đạt giải quốc tế.

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu - điểm check in không thể bỏ lỡ của người đam mê du lịch

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu - điểm check in không thể bỏ lỡ của người đam mê du lịch

Đến với làng tăm hương Quảng Phú Cầu, ngoài việc được chụp những bức hình giữa bối cảnh “ngàn hoa sắc màu” được tạo nên bởi những bó tăm hương, du khách còn được khám phá cuộc sống của người dân nơi này, khám phá và trải nghiệm nghề làm tăm hương, thử những món ngon mang hồn cốt của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ như bánh đúc chấm tương, bánh khúc, cháo giót…

Điểm check in trong khuôn viên đình làng

Điểm check in trong khuôn viên đình làng

Còn tại huyện Mỹ Đức – điểm dừng chân của hành trình khám phá, du khách được gặp “di sản sống” của quốc gia là nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Thuận – người đàn bà làng dệt đã có 2 công trình sáng kiến quốc gia, nghiên cứu thành công việc dệt lụa từ tơ sen và bắt con tằm tự dệt.

Những câu chuyện duyên dáng mộc mạc của người đàn bà làng dệt Phùng Xá thực sự hấp dẫn du khách. Đó không chỉ là câu chuyện về lịch sử làng nghề, những giá trị bí ẩn, những ngôn ngữ không lời của những tấm lụa mang hồn cốt Việt Nam, mà còn là câu chuyện đời, chuyện nghề của người đàn bà chỉ mới học xong lớp 6, nhưng đau đáu ước mơ xây dựng thương hiệu làng lên tầm vóc thế giới.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Thuận hướng dẫn cách se tơ sen.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Thuận hướng dẫn cách se tơ sen.

Đến với không gian của nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Thuận, trong không gian lách cách tiếng thoi đưa, khung dệt, du khách sẽ được tận tay se tơ, dệt vải, cảm nhận thớ lụa mát rượi vừa rời khung…

Trăn trở hành trình kết nối các điểm đến vào "cung đường di sản"

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phan Huy Cường, Trưởng Phòng Quy hoạch, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, việc khảo sát, xây dựng hai tuyến du lịch này sẽ là cơ sở, tiền đề hình thành thêm nhiều tour, tuyến du lịch khác vực của cung đường di sản Nam Thăng Long, kết nối các địa phương và các điểm du lịch khác của cung đường này. Hy vọng các sản phẩm mới sẽ tăng trải nghiệm cho du khách, mang đến “làn gió mới” cho hoạt động du lịch Thủ đô trong năm 2024.

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết, việc kết nối tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng sản phẩm du lịch liên kết các địa phương với nhau, tạo thêm sản phẩm du lịch mới và thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ở từng địa phương. Ông Thắng kỳ vọng những giá trị văn hóa riêng có và rất đặc sắc của các điểm đến sẽ là sức hút với du khách, đặc biệt là khách ngoại quốc.

“Chúng tôi đã khảo sát và đúc kết ra những lợi ích của tuyến này: Liên kết được các địa phương bằng những tuyến du lịch cụ thể, có nhiều chủ đề, nhiều phân khúc; Nâng cao hình ảnh du lịch của cả 3 địa phương; Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử địa phương; Kích thích, nâng cấp các dịch vụ , thậm chí có những sản phẩm du lịch mới của địa phương; Thúc đẩy hạ tầng địa phương – nâng cấp đường, mở các cung đường mới; Tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân và địa phương; Thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các địa phương; Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; ĐIều phối lượng khách du lịch quốc tế tới các điểm du lịch mới trên tuyến du lịch.”

“Tour du lịch này lấy cảm hứng về làng nghề trên cơ sở câu chuyện truyền thuyết Quốc tổ Lạc Long Quân đưa 50 người dân xuống biển, trên đường đi, ông đã giúp dân phát triển nghề. Câu chuyện dẫn dắt với sự hiện diện của ngôi đình (đền) Nội Bình Đà sẽ rất hấp dẫn với du khách.” – ông Thắng nói.

Tại buổi tọa đàm, các vị quan khách đều thừa nhận giá trị văn hóa của những điểm vừa được khảo sát. Mỗi nơi có một màu sắc riêng, một giá trị riêng, tạo nên giá trị tổng thể của bức tranh “con đường di sản Nam Thăng Long”. Nếu ở Đình (đền) Nội Bình Đà Thanh Oai có màu sắc tâm linh huyền bí, thì ở Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) lại là sự vui tươi với những sắc màu rực rỡ. Đến làng Tơ lụa Phùng Xá của Mỹ Đức, du khách sẽ lắng lại một nhịp để chiêm nghiệm về giá trị của những sự nhỏ bé nhưng làm lên tầm vóc vỹ đại. Điểm kết thúc của cung đường du lịch cũng sẽ được tròn đầy khi có thêm không khí mua sắm ở làng tơ lụa.

Tuy nhiên, cũng tại Tọa đàm, nhiều đại biểu còn e ngại các điểm đến chưa thực sự làm thỏa lòng du khách, nhất là k hi du khách bỏ tiền để đi theo các Tour du lịch do các công ty lữ hành tổ chức - đặc biệt là với khách nước ngoài.

Tọa đàm "Nâng cao chất lượng dịch vụ, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản di tích, làng nghề theo tuyến du lịch trung tâm Hà Nội: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức."

Tọa đàm "Nâng cao chất lượng dịch vụ, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản di tích, làng nghề theo tuyến du lịch trung tâm Hà Nội: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức."

Ông Dương Xuân Tráng – Mai Việt travel - nói: "Có rất nhiều giá trị trong chuyến tham quan này. Ví dụ như bức phù điêu ở đình Nội – đó là báu vật quốc gia. Quảng Phú Cầu cũng là một địa điểm cũng rất tuyệt vời. Tôi cũng được trải nghiệm các sản phẩm địa phương. Nhưng theo tôi, để thu hút du khách, cần chú trọng môi trường. Môi trường có xanh, có sạch, mới mang lại cảm giác thoải mái cho du khách."

Bà Trần Huyền Thanh, Giám đốc Công ty Du lịch Sen Rừng – lại mong muốn có thêm nhiều trải nghiệm cho du khách. Ví như ở Quảng Phú Cầu – làng nghề tăm hương, chỉ thích hợp khách Châu Á, thích check in, chụp ảnh. Khách Châu Âu họ muốn có trải nghiệm, muốn có "câu chuyện" trong những điểm đến đó. Bà cũng e ngại khi cảnh quan của ngôi làng này không tiêu biểu cho làng quê Việt Nam. Môi trường chưa sạch, và mong muốn đi cùng món ăn ngon thì phong cách phục vụ cũng cần được chuẩn hóa.

Đại diện Lux travel cũng đề nghị cần có những hoạt động để khách trải nghiệm. Ví dụ ở Mỹ Đức, cần bắt đầu từ hoạt động ở ruộng trồng dâu nuôi tằm, hái sen… Hay như ở Bình Đà, tuy mục tiêu của chúng ta là đến điểm du lịch Đền Nội, nhưng sức hấp dẫn lại là ở chợ quê...

Đọc thêm