Con đường 'máu và hoa' thắp xanh mơ ước

(PLVN) - Được Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình giúp đỡ, chúng tôi trở lại hệ thống đường Hồ Chí Minh năm xưa. Những địa danh Bến phà Xuân Sơn, Khe Ve, Cổng Trời.... trên những con đường mang tên 12A, 15, 16, 18, 20 Quyết thắng thuộc “hệ thống đường Hồ Chí Minh lịch sử” gợi nhớ một giai đoạn hào hùng của dân tộc.
Tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại
Tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Hoài niệm về quá khứ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Thị Kim Huế không nén nổi cảm xúc về sự khốc liệt của chiến tranh. Ùa về trong bà là những hình ảnh, những gương mặt đồng đội, niềm vui và cả nỗi đau, mất mát hơn bốn mươi năm trước. “Chị em thanh niên xung phong còn sót lại đến chừ là tui, O Mỹ, Đinh Thị Nữ, tất cả đều trên 80 tuổi cả rồi. Ký ức những năm tháng ở các tọa độ không thể quên”, bà sôi nổi.

Ngày 3/7/1966, máy bay B52 của Mỹ đã điên cuồng đánh phá tuyến đường 12A. 45 ngày đêm chiến đấu, 24 đồng đội của bà hy sinh, vừa thông đường, vừa tìm xác đồng đội. Bản thân bà cũng đã bị bom vùi nhiều lần, tỉnh lại lại lao vào trận tuyến. Với những thành tích trên tuyến lửa Nguyễn Thị Kim Huế là một trong 3 thanh niên xung phong đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì đã có nhiều sáng kiến bảo vệ thông xe trên tuyến lửa đường 12A. Nhờ đó, bà là người hiếm hoi, vinh dự có 5 lần được gặp Bác Hồ.

“Lần đầu tiên tui được gặp Bác đó là vào tháng 11/1966, khi được cử ra tỉnh Hưng Yên tập huấn quân sự tại Trường Chính trị và nghiệp vụ Thanh niên xung phong Trung ương. Buổi chiều kiểm tra môn bắn súng; cả 3 lần bắn chị đều đạt điểm xuất sắc. Thấy cô gái nhỏ nhắn, bắn súng giỏi, Bác đã đến thăm hỏi và khen. Hôm tổng kết lớp, Bác Hồ khen: “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”, bà kể.

Ký ức sâu đậm của bà với tư cách “nhân chứng” của thời “hoa lửa” trên tuyến lửa Trường Sơn là những năm 1968 – 1972, thời kỳ ác liệt nhất trên con đường huyền thoại này. Trên trời, máy bay Mỹ lượn suốt ngày đêm sẵn sàng diệt mục tiêu. Ngoài ra, chất độc màu da cam cùng một số loại chất độc diệt cỏ khác được rải xuống làm trụi lá cây, các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng được Mỹ sử dụng để phá đường Trường Sơn.

“Máy bay Mỹ quần thảo, cày xới, chà đi xát lại nhằm chặt đứt tuyến đường huyết mạch. Gian nan, nguy hiểm, ác liệt đến tận cùng, không thể đo đếm nổi. Nhưng để thông tuyến, đưa hàng hóa, chiến sĩ từ hậu phương ra tiền tuyến, sự bền bỉ, sức chịu đựng của thanh niên xung phong và bộ đội cũng nhân lên gấp bội. Bom phá đường ở đâu, chúng tôi lại có mặt ngay ở đó để san, lấp, mở đường cho xe vào tuyến kịp thời”, bà Nguyễn Thị Kim Huế nhớ lại.

Hình ảnh những đoàn xe cơ giới băng đại ngàn, các cuộc giao tranh hết khu vực này đến khu vực khác, những mưa rừng, nắng hạ triền miên rồi đói rét, ốm đau, bom rơi, đạn nổ, chiến đấu và hy sinh, tổn thất và thắng lợi, cứ liên tục dội về trong tâm trí bà, cho đến hôm nay.

Lịch sử đường Hồ Chí Minh ghi lại máu xương của bộ đội và thanh niên xung phong cả nước, đặc biệt là Quảng Bình, địa phương tuyến đầu của kháng chiến chống Mỹ. Nhánh quan trọng nhất của đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình là đường 15, chạy dọc ven rừng Trường Sơn từ Tân Đức (Tuyên Hóa) đến Bến Quan (Vĩnh Linh) dài 285 km. Tuyến đường này có nhiều trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ như bến phà Xuân Sơn (Bố Trạch), phà Long Đại (Quảng Ninh), ngầm Thác Cóc (Lệ Thủy). 

“Ngầm Khe Rinh có đợt địch đánh liên tục 75 ngày đêm, mỗi ngày trung bình 10 trận. Bom đạn Mỹ đã phá hủy hoàn toàn một đoạn đường 500m chạy qua dãy đá vôi. Công trường 505 với 480 công nhân đã bám trụ mặt đường, bảo đảm thông đường, thông xe dưới làn mưa bom bão đạn của địch”, Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế nhớ lại.

Tuyến đường 12A, bắt đầu từ ngã ba Khe Ve, xã Hóa Thanh (Minh Hóa) lên đèo Mụ Giạ giáp biên giới Việt Lào, có chiều dài 44 km. Đây là con đường xung yếu, độc đạo chạy men theo các vách núi cao. Trước năm 1966, đường 12A là con đường duy nhất vượt Trường Sơn nên bị đánh phá khốc liệt. Ở đây có những trọng điểm nổi tiếng như Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng Trời và Đồi 37... Công trường 12, Đội thanh niên xung phong 75 và Binh trạm 12 đã bám trụ ở đây từ đầu cho đến kết thúc chiến tranh.

Các tuyến đường khác thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh năm xưa còn có đường 10, 16, đường 20 Quyết thắng... Tất cả đều ác liệt, đâu cũng có các “địa chỉ đỏ” của lòng yêu nước. Sự hy sinh vì độc lập là thống nhất đất nước trên các tuyến đường này vô cùng to lớn.

Tháng 4/2000, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cho xây dựng lại đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I), vùng phía Tây tỉnh ta được đổi thay, khởi sắc qua từng ngày. Dọc tuyến đường đã có hàng loạt thị trấn, thị tứ, khu dân cư tập trung hình thành như thị tứ Tân Ấp, thị tứ Phong Nha, thị tứ Thạch Bàn, làng Thanh niên lập nghiệp An Mã, khu dân cư tập trung Thanh - Hương - Lâm...

Nhánh Tây có các thị tứ Trường Sơn, Lâm Thủy, Xuân Trạch... Đường 12A cũng đã được nâng cấp, mở rộng thành trục quan trọng trên con đường xuyên Á. “Máu và hoa” của thời đạn lửa, thắp xanh no ấm trên đất nước. 

Đọc thêm