Con đường tình yêu của nhạc sỹ Thanh Tùng

(PLO) - Một lối riêng dành cho tình yêu, cho những “bóng hồng” với những ca khúc đẹp, buồn như một niềm an ủi. Và không phải ngẫu nhiên, người nhạc sỹ của nhạc phim Ván bài lật ngửa những năm hoàng kim của phim Việt ấy lại có hai nhạc phẩm (Một mìnhGiọt nắng bên thềm) được bình chọn trong top 100 ca khúc hay dành cho phụ nữ…

Những “ nàng thơ” lãng du

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhận xét, nhạc của Thanh Tùng đầy nỗi cô đơn nhưng lại mang thiên chức an ủi người khác. Quả vậy, dù trong những lời ca buồn nhất, ông vẫn mang đến cho người nghe một niềm tin mới về tình yêu, cuộc sống bằng những câu chuyện của chính mình. Và qua những ca khúc trữ tình của nhạc sỹ  Thanh Tùng, dường như ta luôn cảm nhận giai điệu tình yêu dành trọn cho em ngay cả khi em không còn trên thế gian.

Trước công chúng “Ngôi sao cô đơn” lặng lẽ bao nhiêu thì lời lẽ trong âm nhạc của ông lại “thiêu cháy” người yêu nhạc bấy nhiêu. Ông bước ra từ những ca khúc mang tính tự sự như Chuyện tình của biển, Lối cũ ta về, Giọt nắng bên thềm, Một mình… rồi lại cháy hết mình, trong giai điệu nồng nàn thắp lửa như Giọt sương trên mí mắt, Hát với chú ve con, Cám ơn mùa thu… Đó là đỉnh điểm của cảm xúc được thăng hoa chạm tới trái tim người yêu nhạc. 

Người đàn ông này đã có những năm tháng tuổi trẻ chọc trời khuấy nước, những niềm vui bất tận bên những người phụ nữ đẹp. Và có những năm tháng, âm nhạc của ông xuất hiện trên sóng phát thanh, trong quán cà phê và cả trong sàn nhảy. Nghĩa là sự xuất hiện của ông trên nhiều góc khác nhau của đời sống, tạo thành một thứ nhạc riêng có.

Ông có nhiều người yêu lắm, những người phụ nữ yêu ông say đắm họ đều là những người đẹp. Trong số ấy có cả những hoa khôi, nhưng sau này ai cũng an phận có gia đình đề huề vậy là ông vui rồi. Ông thường kể về chuyện “yêu nhiều” của mình như một cái duyên vậy thôi. Và ông nói, tình yêu giúp ông nuôi được những cảm xúc lâu dài trong âm nhạc. 
Những người phụ nữ ông yêu, đều chấp nhận cuộc sống không ràng buộc, hoàn toàn chỉ “yêu như là yêu thôi”. Và họ đều hết lòng với ông. Có người giải thích rằng, vì ông nổi tiếng và giàu có. Nhưng nếu chỉ vì thế thì người ta chỉ gặp những cô gái có tính "đào mỏ", chứ không thể có những người yêu si mê ông tới vậy. Có thể cái hấp lực của người đàn ông này thuộc về cốt cách, như một thứ từ trường âm thầm lan tỏa, chỉ có thể cảm được mà không thể diễn tả.

Thế nên, những ca khúc của ông như: Hát với chú ve con, Hoa tím ngoài sân…có khi là dành tặng cho một bóng hồng nào đó nhưng cũng có khi cũng không phải là một “nàng kiều” nào cụ thể. “Tôi nói với bạn tôi, con đường âm nhạc của tôi đầy ắp tình yêu, chỉ tình yêu thôi. Nhân vật trong ca khúc của tôi bao giờ cũng là người phụ nữ, và đúng là có nhiều nhân vật lắm”, ông  chia sẻ.

Và “Một mình”

Ít ai biết, ông sinh ra ở miền nam, quê ở miền trung và gắn bó suốt thời tuổi trẻ ở Hà Nội. Trước những năm 2000, ở Hà Nội, ông từng được biết tới như một doanh nhân khá thành đạt khi làm chủ hãng nước khoáng Tubo. Trong khoảng thời gian đó,Thanh Tùng đã trích khá nhiều tiền để làm từ thiện. 
Một trong những hoạt động đó là dành tặng 200 triệu đồng để xây trường học mang tên 19/5 cho trẻ em ở bãi Phúc Tân, Phúc Xá - nơi có nhiều trẻ nhỏ lang thang cơ nhỡ. Nhưng ông chẳng bao giờ kể về điều ấy bởi ông làm điều đó như tri ân về thời ấu thơ, 6 tuổi ông đã xa gia đình tập kết ra bắc học trường học sinh miền Nam.
Khi vừa bước vào tuổi đẹp nhất của sự chín muồi, khi tình yêu vừa đủ đầy để tạo nên một thiên đường trong cuộc sống, khi hai người sau 18 năm hạnh phúc bắt đầu cảm nhận được sự không thể thiếu nhau thì nửa kia của Thanh Tùng bỏ Thanh Tùng mà đi.
Dù có nhiều phụ nữ xuất hiện trong sáng tác nhưng NS vẫn chung thủy với người vợ quá cố.
Dù có nhiều phụ nữ xuất hiện trong sáng tác nhưng NS vẫn chung thủy với người vợ quá cố.
Sẽ là mâu thuẫn khi nói một người yêu nhiều lại là một người chung thuỷ. Nhưng đó là sự thật trong cuộc sống tình cảm của nhạc sỹ Thanh Tùng. Vợ ông lâm bệnh một thời gian trước khi qua đời. Phút lâm chung, có mặt cả Trịnh Công Sơn bên giường bệnh, bà hỏi ông: “Nếu em chết anh có lấy vợ mới và bỏ các con không?”. Thanh Tùng gọi đó là tuyên án chung thân, giữa hai cách trả lời có hoặc không, chỉ không là có thể nói lúc này… 
Bà nhắm mắt, Thanh Tùng một mình nuôi ba con Bách, Thông và Bạch Dương trưởng thành như chính những loài cây mạnh mẽ mà họ mang tên. Không ai trong số con cái của ông phản đối sự đào hoa của cha, bởi họ biết, ông yêu nhưng để đưa về một người phụ nữ thay mẹ họ, thì không bao giờ.

Và với ca khúc Một mình, nhiều người phụ nữ đã coi Thanh Tùng là thần tượng bởi sự chung tình của nhạc sĩ với người vợ đã khuất. Rung cảm chân thành trong từng lời ca, từ giọt mồ hôi tóc mai cho đến buổi tan ca đón con về. Nó thật đến mức không ai hồ nghi về tính cô đơn nghệ sĩ thường đưa ra như một thứ men sáng tạo đơn thuần… “Vắng em đời còn ai với ai. Ngất ngây men rượu say. Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ. Cô đơn, cùng với tôi về”.

Ngày ấy, những con đê dài hun hút, hai bên đường những cây ổi găng, cây hoàng lan ngát mùi hương. Hình ảnh người vợ hiền, lúc đó mới là người yêu đội một chiếc mũ rơm, chờ Thanh Tùng hái những quả ổi găng thơm lừng làm trái tim ông như lắng lại. Không gian yên bình, dịu dàng làm tâm hồn như thanh thản đến không ngờ. Dù đã mãi trở thành kỷ niệm nhưng người vợ hiền của ông luôn theo ông trong từng bước đi, dịu dàng ghi dấu trên những ca khúc đầy chất tình và lòng thương mến.

“Đúng là không mất mát thì không hiểu hết, không thể cảm nhận hết tình yêu của vợ cũng như nỗi cô đơn trên cuộc đời này. Người ra đi đã bù đắp cho tôi một hạnh phúc nhỏ nhoi”, đó là những lời tâm sự rất thật lòng của nhạc sĩ Thanh Tùng.